Vụ 60 biệt thự không phép: “Phạt cho tồn tại sẽ gắn với tham nhũng”

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ năm, ngày 10/03/2016 16:22 PM (GMT+7)
“Nếu vẫn tư duy theo hướng phá bỏ các biệt thự không phép sẽ gây lãng phí thì không bao giờ chúng ta có một nhà nước pháp quyền cả. Thực tế, đó không thể gọi là lãng phí mà chính là cái giá cần phải trả cho một nhà nước pháp quyền”.
Bình luận 0

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân Việt xung quanh vụ việc 60 căn biệt thự xây dựng không phép ở Điền Viên Thôn (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội).

img

GS Đặng Hùng Võ.

Là người theo dõi sát diễn biến vụ việc 60 căn biệt thự xây dựng không phép tại Điền Viên Thôn (Ba Vì, Hà Nội), theo ông, nên xử lý vụ việc này theo cách nào?

Theo tôi, nếu đã xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng như vậy thì phải phá bỏ. Còn nếu chúng ta vẫn cứ tư duy theo hướng nếu phá bỏ các biệt thự được xây dựng kiên cố như vậy sẽ gây lãng phí thì không bao giờ chúng ta có một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Thực tế, đó không thể gọi là lãng phí mà chính là cái giá cần phải trả cho một nhà nước pháp quyền.

Ông nghĩ vì sao người ta lại có tư duy phạt cho tồn tại?

Đúng là từ trước tới nay, chúng ta vẫn tư duy theo kiểu phạt cho tồn tại và ai cũng giải thích bằng một từ là sợ lãng phí. Nhưng cơ chế phạt cho tồn tại luôn gắn với tham nhũng. Tức là phải có phong bì thì mới phạt cho tồn tại được. Chúng ta muốn loại bỏ tham nhũng và xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải cương quyết xử lý vi phạm trong mọi trường hợp.

Dự án Điền Viên Thôn bắt đầu xây dựng từ 2011, cách UBND xã chỉ khoảng 2km, nhưng tới năm 2015 mới bị đình chỉ xây dựng một số căn và đến giờ mới có đoàn kiểm tra, trong khi hàng loạt căn biệt thự đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, sang nhượng. Theo ông trách nhiệm của chính quyền như thế nào?

Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi  được biết xã đã báo cáo huyện nhiều lần còn huyện tại sao không giải quyết thì chưa rõ. Theo quy định của Luật đất đai, khi phát hiện sai phạm tại địa phương, trong 1 ngày UBND xã phải có báo cáo lên cấp trên để xử lý theo đúng thẩm quyền giải quyết và trong 3 ngày thì UBND huyện phải có văn bản giải quyết.

Qua tìm hiểu tôi được biết, trong vụ việc này UBND xã cũng đưa ra cả tập hồ sơ báo cáo lên cấp huyện, tất nhiên thời gian đã đủ trong vòng 1 ngày chưa thì tôi không rõ, nhưng như vậy là UBND xã cũng đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Câu chuyện giờ là trách nhiệm của huyện, vì sao lại chưa hoặc chậm giải quyết để hậu quả như bây giờ.

Mới đây, Hà Nội cũng công bố năm 2015 có tới 800 công trình xây dựng không phép và 500 công trình xây dựng sai so với giấy phép. Theo ông đây có phải là một con số đáng báo động?

Chính vì chúng ta cứ phạt cho tồn tại nên mới có con số công trình xây dựng không phép và sai phép lớn như vậy và Việt Nam sẽ đi tới đâu? Theo tôi sẽ thành “cái chợ”! Nếu muốn không thành “cái chợ” thì phải xử lý kiên quyết những vi phạm.

Vừa qua, Đà Nẵng cương quyết xử lý biệt phủ trên đèo Hải Vân, Hà Nội xử lý kiên quyết nhà 8B Lê Trực. Việc phá dỡ các công trình sai phạm chi phí có thể cao, nhưng người phải chịu chi phí là chủ của công trình đó, pháp luật đã quy định cụ thể thế rồi nên phải kiên quyết xử lý.

Còn đối với cán bộ các cấp vi phạm thì UBND TP.Hà Nội phải xử lý vi phạm theo pháp luật, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra. Có như vậy mới có được Nhà nước pháp quyền và hi vọng chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Muốn phát triển, trở thành nước có thu nhập cao, đô thị hóa cao… điều kiện tiên quyết là đất nước phải có trật tự và kỷ cương.

Từng Thứ trưởng Bộ TNMT, quản lý trực tiếp lĩnh vực đất đai, ông có đề xuất hay giải pháp gì để chấm dứt tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng?

Tôi đã nói rồi, muốn đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng này thì các công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép phải phá bỏ, ai để xảy ra tình trạng này đều phải bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ cần xử lý cương quyết tất cả các trường hợp thì sẽ không ai dám tái phạm nữa. Khi hết “cửa chạy” cho những người muốn chạy thì sẽ tự nhiên hết các công trình trái phép và sai phép.

Xin cảm ơn ông!

“Cơ chế phạt cho tồn tại luôn gắn với tham nhũng. Tức là phải có phong bì thì mới phạt cho tồn tại. Chúng ta muốn loại bỏ tham nhũng và xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải cương quyết xử lý vi phạm trong mọi trường hợp”

GS. Đặng Hùng Võ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem