Vũ khí hóa học Syria: Điều gì xảy ra khi lỡ hẹn?

Thứ hai, ngày 30/12/2013 06:20 AM (GMT+7)
Ngày 29.12, Liên Hiệp Quốc (LHQ) thừa nhận Syria sẽ khó có thể di dời vũ khí hóa học nguy hiểm ra khỏi đất nước này vào đúng thời hạn ngày 31.12. Điều gì sẽ xảy ra khi Syria lỡ hẹn?
Bình luận 0
“Không đúng như thỏa thuận, liệu Mỹ sẽ lại có một cái cớ để tấn công Syria?” - câu hỏi này đang là tâm điểm của các cuộc thảo luận diễn ra trên khắp thế giới. Mặc dù, LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho rằng Syria đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực tiêu hủy vũ khí hóa học, nhưng kêu gọi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng thời hạn mà quốc tế đề ra.

 Giao tranh liên tiếp diễn ra ở Syria đã cản trở quá trình tiêu hủy vũ khí của nước này.  CNN
Giao tranh liên tiếp diễn ra ở Syria đã cản trở quá trình tiêu hủy vũ khí của nước này. CNN

Hai cơ quan này cho biết chiến tranh leo thang ở Syria, các vấn đề hậu cần và thời tiết xấu đã cản trở việc di dời các loại hóa chất nguy hiểm đến cảng Latakia. Theo thỏa thuận quốc tế, khoảng 1.000 tấn hóa chất sẽ được đưa đến một cảng ở Italia và được chuyển lên một tàu hải quân Mỹ để tiêu hủy ngoài biển. Tuy nhiên, cùng với yếu tố thời tiết xấu, chính vì những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội và lực lượng nổi dậy đã cản trở các nỗ lực tiêu hủy vũ khí. LHQ và OPCW cho rằng chính quyền Syria phải có trách nhiệm chuyên chở số vũ khí hóa học này đúng hạn.

Trong khi đó, trong một thông điệp tới Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết Chính phủ của ông đã sẵn sàng để tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng tới nhưng đổi lại “các nước ngoài” phải “ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố ở Syria”. Tuyên bố của ông Assad ám chỉ đến việc có những nhóm khủng bố đã trà trộn vào lực lượng đối lập ở Syria và việc phương Tây hỗ trợ vũ khí cho nhóm đối lập thực chất là tăng cường cho những nhóm khủng bố này.

Tổng thống Syria Al-Assad đã gửi thông điệp thông qua trung gian và đánh giá cao hành động của Đức Giáo hoàng Francis trong lời kêu gọi chấm dứt bạo lực và đau khổ ở Syria trong lễ Giáng sinh.

Hãng tin Nhà nước Syria SANA nêu rõ: "Thông điệp cũng nhấn mạnh rằng ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải có các nước có liên quan trong việc hỗ trợ các nhóm khủng bố vũ trang ngừng cung cấp bất kỳ loại quân sự, hậu cần, hỗ trợ đào tạo, lưu ý rằng sự hỗ trợ này được cung cấp bởi một số nước láng giềng của Syria và các nước khác được biết đến ở Trung Đông và ở nước ngoài”.

Hạn chót 31.12 là một trong những điều kiện quan trọng nhất trong thỏa thuận mà Nga và Mỹ thiết lập nhằm tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm 2014. LHQ và OPCW cho biết rất khó để chuyển những nguyên liệu hóa học nguy hiểm nhất ra khỏi Syria trước ngày 31.12.

Thông điệp của Tổng thống Syria nói rằng "cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết thông qua đối thoại giữa các phe phái ở Syria thông qua lá phiếu của cử tri, không cần sự can thiệp của nước ngoài".

Thông điệp của ông Assad cũng nhấn mạnh rằng, chỉ có người dân Syria có quyền quyết định tương lai của họ thông qua lá phiếu.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, ông Assad đề cao vai trò của người dân trong việc giải quyết khủng hoảng của đất nước. Tuy vậy, đã 3 năm trôi qua, tình hình ở Syria vẫn không mấy sáng sủa và thêm một mùa xuân nữa không đến với người dân Syria một cách trọn vẹn. Theo ước tính của LHQ, từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 100.000 người Syria thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa tị nạn ở các quốc gia láng giềng.
Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem