Vụ 'kinh hoàng rừng xanh tan nát': Ai là chủ của rừng bị phá?

Lê Kiến Thứ năm, ngày 21/12/2017 15:34 PM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt đăng loạt bài “Kinh hoàng thấy rừng xanh tan nát”, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan liên quan để xác minh sự việc, tuy nhiên các bên “đùn đẩy” không nhận là chủ rừng.
Bình luận 0

Chủ rừng là ai?

Sáng 21.12, trao đổi với Dân Việt, ông Chu Văn Tuấn – Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm số 2 (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai) cho biết: "Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Kiểm lâm, Công an tỉnh, Đội kiểm lâm số 2 và Hạt Kiểm lâm các huyện Chư Păh, Đắk Đoa đang phối hợp truy quét gỗ lậu, kiểm kê, thu gom gỗ tại khu vực rừng bị phá mà báo chí đã phản ánh. Trước đó, thứ 7 (ngày 16.12) lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo có vụ phá rừng nên đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hơn 7 khối gỗ tập kết ở khu vực chân núi. Tuy nhiên, số gỗ này vẫn chưa xác định được nằm ở đâu do việc xác minh vị trí gốc gỗ gặp nhiều khó khăn. Riêng về thông tin mà báo chí phản ánh vẫn đang kiểm tra, chưa có kết luận cụ thể".

Theo ông Tuấn, khu vực rừng mà báo chí phản ánh thuộc quản lý của xã Chư Đăng Ya và Ban quản lý Dự án 661 của Tỉnh đội Gia Lai (đơn vị được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý, trồng rừng – PV). Việc “mất rừng trước hết trách nhiệm thuộc về chủ rừng”.

img

Những lóng gỗ to được lâm tặc cất giấu trong các đường nhánh nhỏ.

Nói về vụ việc, ông Nguyễn Hữu Huân – Đội trưởng Đội Kiểm lâm số 2 cho biết: "Bước đầu kiểm tra, phát hiện số gỗ bị phá ở xã Đắk Tờ Ver, thuộc lâm phần của Ban quản lý Dự án 661 của Tỉnh đội Gia Lai quản lý. Qua thông tin báo chí phản ánh, khu vực rừng bị phá thuộc vùng giáp ranh 3 xã Chư Đăng Ya, Đắk Tơ Ver (huyện Chư Păh) và xã Đắk Roong (huyện Đắk Đoa). Về vụ phá rừng, ngành sẽ kiểm tra xử lý nghiêm, tuyệt đối không dung túng, bao che".

img

Những cây gỗ bị đốn hạ chưa được lâm tặc kéo ra

Sáng cùng ngày, PV đến Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai liên hệ, xác minh thông tin về chủ rừng thì một lãnh đạo của Ban QL Dự án 661 từ chối tiếp xúc với báo chí vì cho rằng "khu vực rừng bị phá thuộc quản lý của huyện Chư Păh, không thuộc quản lý của Ban”.

Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya khẳng định: "Xã không còn gỗ lớn từ rừng tự nhiên".

Lâm tặc băm nát cánh rừng

Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lâu nay biết rõ có “con đường lâm tặc” chuyên vào phá rừng nằm phía sau trụ sở UBND xã Chư Đăng Ya nhưng vẫn không có biện pháp phá hủy. Hậu quả là cánh rừng bạt ngàn bị xâm chiếm, lâm tặc mở hàng trăm lối nhỏ băm nát khu rừng để khai thác gỗ. Trong quá trình thâm nhập thực tế, PV ghi nhận được rất nhiều lóng gỗ to 2-3 người ôm được cất giấu ven đường, nhiều cây to khác bị đốn hạ ngả nghiêng chưa kịp đưa ra ngoài. Trong rừng, nhiều con đường bị lâm tặc cho xe độ chế đi lại, “cày xới” tạo thành những rãnh sâu và những con đường mới liên tục được tạo ra để khai thác và vận chuyển gỗ ra ngoài.

img

Rừng hoang tan, xơ xác.

Càng đi sâu vào rừng, chúng tôi còn bắt gặp cảnh lều bạt lâm tặc còn giăng, cùng với võng của lâm tặc lưu trú để khai thác gỗ, thỉnh thoảng nghe tiếng cưa máy gầm vang, tiếng xe độ chế chạy. Đi sâu hơn trong rừng, các dấu vết cưa xẻ, cắt gỗ mới xuất hiện càng nhiều. Nếu đếm gốc quy ra số cây thì dường như không xuể, phải nói là  rất nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Ở nhiều vạt rừng, lâm tặc đốt lửa cho cây cỏ cháy rụi để dễ bề khai thác khiến cánh rừng thêm xác xơ. Những dấu vết kéo gỗ in sâu trên nền đường.

Sau nhiều hôm thâm nhập, chúng tôi quay lại các vị trí cũ thì thấy nhiều khúc gỗ đã bị tẩu tán, kéo đi mất. Lần theo dấu vết kéo gỗ về tới gần khu dân cư ở xã Chư Đăng Ya thì mất dấu, qua quan sát, khả năng do xe cỡ lớn tập kết tại cánh đồng rồi bốc gỗ chở đi nơi khác. Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Chư Păh hiện có 2 xưởng gỗ đang hoạt động.

Ngày 21.4.2017, ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký văn bản số 1530 gửi các đơn vị chủ rừng, UBND huyện, thị xã và thành phố cùng các sở, ban ngành thuộc tỉnh nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao; chính quyền nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác, lấn chiếm rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật, thuộc phạm vi, quyền hạn của mình mà không xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem