Vụ trại nuôi lợn: Không để C.P đẩy trách nhiệm sang người chăn nuôi

Việt Tùng (thực hiện) Thứ tư, ngày 15/06/2016 06:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với NTNN/Dân Việt xung quanh loạt bài “Trại nuôi lợn cho Công ty C.P “hạ độc” môi trường”, ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) khẳng định, việc C.P đẩy trách nhiệm xử lý môi trường sang người dân là vô lý...
Bình luận 0

Ông Lê Đức Thịnh cho biết: Trong một nền nông nghiệp có rất nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Mặc dù cái được của C.P là tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn, tăng đàn, phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp nhưng nhược điểm của việc chăn nuôi gia công cho C.P là ô nhiễm môi trường. Việc xử lý môi trường rất khó khăn và tốn kém, trong khi đó C.P lại đẩy trách nhiệm cho người dân, khi bị kiểm tra, phạt, người chăn nuôi là người gánh chịu. Đây là điều rất bất hợp lý cần phải thay đổi, tất nhiên có sự thỏa thuận của hai bên.

img

Trang trại chăn nuôi gia công cho C.P ở Hà Nam xả thải thẳng ra môi trường.  Ảnh:  V.T

Ngoài vấn đề về môi trường, việc chăn nuôi gia công còn có những bất cập nào nữa, thưa ông?

- Các tập đoàn nước ngoài trước khi vào Việt Nam họ đã nghiên cứu rất kỹ, từ luật cho đến cơ chế, chính sách, rồi thị trường… và họ vận dụng theo điều có lợi cho họ, đẩy phần thiệt cho chúng ta. Đáng lẽ một số sản phẩm Nhà nước phải thu thuế VAT như thức ăn, thuốc thú y, vật tư chăn nuôi… song đều bị C.P “lách” bằng cách khi các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, phạt một trại lợn nào đó, họ bảo là của người dân. Nhưng khi hỏi đến thức ăn, thuốc thú y… để thu thuế, họ bảo họ chỉ cung ứng “nội bộ”, nên rất khó thu thuế và Nhà nước đang bị thất thoát một khoản thuế lớn từ việc chăn nuôi này.

Tất nhiên, một phần do chúng ta chưa quyết liệt. Và một hạn chế, bất cập nữa là người dân chỉ được hưởng tiền công và như vậy thu nhập sẽ bị khống chế.

Vậy Nhà nước sẽ phải điều tiết, xử lý bằng cách nào?

- Tất cả phải quản lý theo tiêu chuẩn: Bất biến là doanh nghiệp hay nông dân, khi xây dựng trang trại phải đạt chuẩn. Tuy nhiên, Nhà nước phải có hướng dẫn, quy chuẩn. Sau đó phải quản lý chất lượng, giám sát chặt hơn, phải đánh thuế môi trường nặng. Buộc người dân, doanh nghiệp phải xem xét lại, làm sao để có một quy trình hợp tác giữa các đối tác xem đã hợp lý hay chưa, nhằm tránh tình trạng phân biệt đối xử.

Chẳng hạn doanh nghiệp nuôi nhiều, không thể xử cào bằng như người dân nuôi ít. Ở một quy mô nào đó, phải có quy định rõ ràng, khung, mức hình phạt và phải xử phạt theo lũy tiến, quy mô 1 phạt 1, nhưng quy mô 10 phải phạt 15-20 lần để khống chế các trang trại có nguy cơ gây ô nhiễm lớn.

Quay trở lại với câu chuyện C.P đùn đẩy trách nhiệm xử lý môi trường cho người dân, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi có suy nghĩ thế này, ví dụ hiện các nhà máy thủy điện sử dụng nước, đều phải chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân. C.P sử dụng mặt bằng để nuôi lợn, phải chăng họ phải có trách nhiệm xử lý môi trường.

Nếu trong hợp đồng giữa người dân và C.P, Nhà nước phân rõ sản phẩm lợn là của ai, ví dụ lợn chết ai chịu trách nhiệm… mới có thể quy trách nhiệm cho người dân hay C.P được. Việc quản lý hợp đồng trong nông nghiệp rất phức tạp. Về mặt lý thuyết, dựa trên hợp đồng giữa C.P và người dân hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm của C.P về vấn đề ô nhiễm môi trường. Song có một điều mà bao lâu nay vẫn tồn tại là, chỉ khi những vấn đề gây tổn thất cho xã hội lớn mới tạo ra sức ép buộc phải xử lý.

Ai chẳng biết nuôi lợn là ô nhiễm, dù bằng hình thức nào đi chăng nữa và ô nhiễm là độc hại, không tốt cho sức khỏe, môi trường sống, nhưng nó lại không chết ngay và không dễ nhìn thấy, nên nhiều người vẫn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước. Khó có thể áp dụng như thủy điện, song C.P cần phải có trách nhiệm xử lý môi trường là điều rõ ràng.

Có ý kiến cho rằng, mặc dù C.P có nguồn gốc ở Thái Lan, song Thái Lan họ đã “tẩy chay” công nghệ này của C.P, buộc C.P phải tìm “mảnh đất” mới?

- Đúng như vậy! C.P dường như không có đất “sống” trên đất Thái Lan, do đó họ buộc phải đi tìm mảnh đất khác và họ nhắm vào các nước đang phát triển, nhằm lợi dụng chính sách thông thoáng và “kẽ hở” pháp lý của các nước này. Ở Thái Lan, thứ nhất họ tăng cường giám sát môi trường, tăng phí bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời có thể tước giấy phép, cấm chăn nuôi nếu tiếp tục vi phạm.

Một giải pháp nữa là, họ đầu tư cho các hộ dân tự phối thức ăn, nên giá thành chăn nuôi của người dân còn thấp hơn C.P. Không cạnh tranh được với người dân, đương nhiên C.P phải bỏ cuộc.

img

Đáng lẽ một số sản phẩm Nhà nước phải thu thuế VAT như thức ăn, thuốc thú ý, vật tư chăn nuôi… song đều bị C.P “lách” bằng cách khi các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, phạt một trại lợn nào đó, họ bảo là của người dân. Nhưng khi hỏi đến thức ăn, thuốc thú y… để thu thuế, họ bảo họ chỉ cung ứng nội bộ, nên rất khó đánh thuế và Nhà nước đang bị thất thoát một khoản thuế lớn từ việc chăn nuôi này”.

Ông Lê Đức Thịnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem