Vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Người khát, cây chết khô

Hữu Anh Thứ bảy, ngày 12/07/2014 08:25 AM (GMT+7)
Việc thi công hút nước ngầm của Công ty CP Sắt Thạch Khê được triển khai nhiều năm qua đang khiến hàng ngàn hộ dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) điêu đứng vì thiếu nước  sinh hoạt, còn cây trồng thì khô héo...
Bình luận 0

Cây chết khô, đất nông nghiệp teo tóp

Sau hơn 5 năm mỏ sắt Thạch Khê tiến hành khởi công, cũng ngần đó thời gian hàng ngàn hộ dân thuộc 5 xã vùng mỏ sắt rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì môi trường sống bị đe dọa, nguồn nước sạch sinh hoạt cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Công Cảnh ở khu tái định cư thôn Trường Xuân xã Thạch Đỉnh huyện Thạch Hà cho biết: “Từ ngày mỏ sắt Thạch Khê đi vào bóc đất tầng họ tiến hành hút nước ngầm đổ ra biển khiến ao hồ, sông suối cạn kiệt, giếng trơ đáy, cây cối chết khô, hoa màu cũng không làm được”. Cũng theo ông Cảnh, từ tháng 2.2013, gia đình tui cùng với hơn 60 hộ dân di dời từ xóm 1 ra ở khu tái định cư này khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.

“Chưa có gì khổ hơn thiếu nước sinh hoạt, cả 4 người trong gia đình hàng ngày lo lắng phân công nhau chở can nhựa đi hơn 3km lên xóm 3 xã Thạch Đỉnh hoặc sang xã Thạch Bàn xin nước về dùng. Dù mùa hè nắng nóng lên đến 40 độ C nhưng không dám lấy nước tắm vì sợ không có nước nấu ăn, còn áo quần phải dồn 3-4 ngày mới đưa đi xa tìm nguồn nước để giặt”-Ông Cảnh ứa nước mắt kể. Ông Cảnh dẫn chúng tôi vào phía sau nhà chỉ 2 chiếc giếng hai đầu nhà ông vừa thuê thợ về khoan nhưng đành bịt lại vì không dùng được vì khoan sâu khoảng 6m trở về thì nước nhiễm phèn đặc cứng, còn khoan sâu từ 7m đến hàng chục mét thì mặn đắng, nấu ăn không phải bỏ muối còn tưới cây thì cây chết.

Trao đối với phóng viên ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh buốt lòng: “Quả thực nhiều năm nay vẫn đề bức bối nhất của người dân trong xã là nguồn nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, nguyên nhân này được chính quyền nhiều xã vùng mỏ sắt Thạch Khê này khẳng định là do Công ty CP Sắt Thạch Khê thi công họ hút nước ngầm để bốc đất tầng phủ khiến mạch nước ngầm bị rút hết”. Ông Hồng còn cho biết thêm, không chỉ người dân xã Thạch Đỉnh mà nhiều xã như Thạch Hải, Thạch Bàn sống gần khu vực mỏ sắt Thạch Khê cũng đang sống chung với nỗi khổ thiếu nước.

Gần 800 hộ điêu đứng

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh ông Nguyễn Văn Hồng, ngoài việc thiếu nước sạch sinh hoạt thì hơn 771 hộ với hơn 3900 người dân xã Thạch Đỉnh đang đương đầu với khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng với sản xuất nông nghiệp. Vụ sản xuất hè thu này hơn 160ha đất có nguy cơ bỏ không trong đó 100ha hoa màu như vừng, đậu và 60ha trồng lúa không có nước sản xuất. Vụ thu hoạch lạc vừa xong (đây là cây chủ lực của địa phương) mất mùa, thất thu vì bị chết do khô héo. Ông Hồng cho biết thêm: “Trước đây khi dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa triển khai thì có nước từ hồ Kẻ Gỗ chảy về tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân còn bây giờ thì tịt cứng cả rồi”.

Ông Hồng thừa nhận, phía Công ty CP Sắt Thạch Khê cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường sống cũng như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho những hộ dân sống ở các khu vực bị ảnh hưởng. Nhưng chỉ sau một thời gian thi công, người dân và chính quyền xã Thạch Đỉnh đã phải kêu trời vì những hậu quả nặng nề mà việc khai thác gây ra, xã đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa có biện pháp gì để khắc phục.

Trao đổi với phóng viên NTNN ông Nguyễn Quốc Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Việc cấp nước sạch cho người dân vùng tái định cư mỏ sắt Thạch Khê trong phương án ban đầu theo quy hoạch xây dựng nhà máy nước tại xã Thạch Trị để cung cấp nước cả vùng dự án mỏ sắt. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì rất mông lung vì chưa biết khi nào triển khai do dự án mỏ sắt Thạch Khê đang giẫm chân tại chỗ kéo theo các công trình phụ trợ khác chưa thực hiện được.

Để giải quyết khó khó khăn thiếu nước sinh hoạt của người dân huyện đã có chính sách hỗ trợ làm bể để giữ nước sạch, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Cũng theo ông Hương, trách nhiệm này phần lớn phía Công ty CP sắt Thạch Khê, họ phải có phương án tái định cư tốt hơn khu ở cũ cho người dân. Vì các hạng mục ở khu tái định cư này như mặt bằng, điện, nước là do Ban quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê đảm nhiệm.

   Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về môi trường sống bị ảnh do thiếu nước như hộ gia đình ông Nguyễn Công Khiêm ở thôn Trường Xuân có 2 đứa con ở miền nam dịp hè này các con cháu gọi điện về chơi nhưng không dám về vì không có nước để tắm, nắng nóng không chịu nổi. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem