Xây cầu vượt có giải được ùn tắc ở TP.HCM?

Thứ hai, ngày 31/07/2017 06:21 AM (GMT+7)
Trong điều kiện kẹt xe ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM, dư luận quanh các cây cầu vượt bằng thép trên địa bàn thành phố không ít những phản hồi tiêu cực từ cái giải pháp tạm chống ùn ứ này.
Bình luận 0

Bức xúc mang tên… cầu vượt thép!

Theo ông Phan Bá Dũng, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông, hồi đầu năm 2013, chính quyền thành phố quyết định xây và đưa cầu vượt bằng thép vào giải quyết tạm tình trạng ùn tắc, lập tức, đã có không ít những khuyến cáo phải cẩn trọng đối với giải pháp này. Bây giờ, chính quyền đã trả lời dứt khoát rằng họ luôn tính toán kỹ trước khi xây dựng. Bằng chứng là cứ dự án cầu vượt bằng thép nào chuẩn bị xây đều có “thuyết trình” giúp giải kẹt. “Vậy mà, thực tế thì hình như chính quyền thành phố đã không tính toán thật kỹ lưỡng khi quyết chi tiền ngân sách cho không ít các dự án cầu vượt thép”, ông Dũng khẳng định.

img

Cầu vượt Trường Sơn một giải pháp chống ùn tắc được cho là đã tính toán kỹ. Ảnh: M.P

Bằng chứng? Sau chuyện cầu vượt thép Thủ Đức, Hàng Xanh phát huy hiệu quả, thì chính quyền bắt đầu ồ ạt làm cầu vượt thép. Trong đó, cầu vượt thép ở ngã tư Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) và cầu cầu vượt ở nút giao thông Nguyễn Tri Phương – 3.2 – Lý Thái Tổ (Q.10), khi tiến hành xây dựng đã có không ít chuyên gia lên tiếng trên phương tiện truyền thông là khó giải kẹt, nhưng chính quyền vẫn cứ xây. Tới nay, có thể thấy hai cây cầu vượt trên không phát huy tác dụng như kỳ vọng, nếu không muốn nói là gây kẹt thêm.

Cụ thể, các phương tiện đi trên những tuyến đường như Hoàng Hoa Thám, Thăng Long, Bình Giã, Út Tịch..., khi ra đường Cộng Hoà gặp ngay trụ cầu chắn trước mặt và bị xung đột với dòng xe đi đến cầu vượt hoặc từ cầu vượt đổ xuống, gây ùn tắc. Ngoài nguyên nhân các tuyến đường này khá hẹp thì cũng phải kể đến cầu vượt thép đã tạo thành nút thắt cổ chai ở hai đầu cầu, gây ùn tắc cục bộ tại các ngã tư trong khu vực này. Giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe trở nên trầm trọng hơn.

Tương tự, tại cầu vượt thép ngã sáu Nguyễn Tri Phương – 3.2, làn xe trên cầu tương đối hẹp, trong khi khu vực nút giao lại nhỏ nên cũng thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy trên cầu không bị ùn tắc, nhưng áp lực lại dồn về phía hai đầu cầu và những ngã tư kế tiếp ở hai bên cầu. Dưới cầu, hướng rẽ trái vào đường Nguyễn Tri Phương, các phương tiện bị xung đột với dòng xe từ đường Lý Thái Tổ và những tuyến hẻm đâm ra. Các hướng lưu thông này không theo một quy luật nhất định mà cứ châu đầu vào nhau, gây ra cảnh hỗn loạn và ùn tắc cục bộ.

“Bi kịch là ở chỗ, bớt được kẹt ở ngã tư thì nảy sinh hai điểm kẹt khác ở hai đầu cầu vượt và những ngã ba, ngã tư gần đó. Là đẩy kẹt từ chỗ này sang chỗ khác”, chị Nguyễn Thanh Thuỳ, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, bức xúc nói.

Đỉnh điểm có thể nói là vào ngày 20.7 vừa qua. Suốt từ trưa đến chiều, trong khi hàng vạn phương tiện chôn chân ở đường Trường Sơn và các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất, thì ở phía bên trên cầu vượt thép trên đường Trường Sơn, chỉ lèo tèo vài xe ôtô. Lý do là cầu vượt thép này chỉ giải quyết cho các phương tiện từ đường Trường Sơn vào sân bay – trong khi lượng xe theo hướng này lại ít hơn hướng ngược lại – từ sân bay ra đường Trường Sơn hoặc từ đường Bạch Đằng tới khu vực này.

“Phá” quy hoạch và quy định

Nếu ở TP.HCM lâu năm, từ năm 2003, ai cũng thấy tình trạng ùn ứ ở khu trung tâm. Bấy giờ, chính quyền đưa ra hàng loạt giải pháp quy hoạch đô thị làm sao tránh tập trung các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, trường đại học ở khu trung tâm. Ngoài ra, nơi ngoại ô, thành phố cũng quy hoạch hàng loạt vùng đất dự trữ nông nghiệp. Quy hoạch rất hay nhưng cuối cùng người phá vỡ những quy định, quy hoạch trên lại chính là các cơ quan chức năng chứ không phải dân thông qua việc “hậu thuẫn” cho các chiêu trò lách quy hoạch, ông Phan Bá Dũng nhận xét.

Hiện tại các vùng đất được quy hoạch dùng để làm đất dự trữ nông nghiệp ở Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, đã vô tư trở thành đô thị với hàng loạt nhà trái phép được xây lên. “Đất nông nghiệp biến thành đất ở, người tăng nhanh, xe cộ tăng nhanh là điều dễ thấy. Ông Trần Văn Hải, Q. Phú Nhuận, đã từng thẳng thắn bình luận và chia sẻ thêm: hồi năm 2013, khi TP.HCM phê duyệt quy hoạch khu trung tâm, cũng như đưa ra quy định hạn chế tối đa cao ốc văn phòng ở khu trung tâm, người dân ai cũng mừng. Giờ thì ai cũng biết quy hoạch cho… có! Cụ thể là, theo quy  hoạch khu quận là khu thấp tầng (tối đa bảy tầng), nhưng hiện người ta vẫn cứ vô tư dựng lên cao tầng. Thắc mắc thì được trả lời là giấy phép có trước quy hoạch. Chuyện cái giấy phép có trước quy hoạch đố ai lần ra được sự thật.

Rồi chuyện những năm 2012 – 2013, song song với cái đề án được bàn nhiều nhất ở TP.HCM là học lệch giờ, làm lệch ca, còn có chuyện thành phố đưa ra giải pháp hạn chế cấp phép trung tâm Anh ngữ, mầm non tư thục… ở các ngã ba, ngã tư thường xuyên ùn tắc thì nay các ngã ba, ngã tư thường xuyên ùn tắc đó vẫn đầy các cơ sở giáo dục; để mỗi khi tan trường là tạo thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh, cũng như người đi đường.

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem