Xây dựng cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi

Thứ năm, ngày 28/11/2013 07:08 AM (GMT+7)
Một đề án mang tên “Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông” trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân miền núi.
Bình luận 0
Đề xuất 2.000 vị trí xây cầu

Hình ảnh người dân các tỉnh miền núi phải lội bộ qua suối hay vượt sông bằng những chiếc mảng kéo dây không phải quá xa lạ. Tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) khi mùa mưa lũ về luôn tiềm ẩn. Thêm nữa, do địa hình của khu vực miền núi có độ dốc lớn, lũ thường đổ về bất ngờ nên việc xây dựng các công trình vượt sông, suối là rất cấp bách.

Nhằm đảm bảo ATGT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn góp phần phát triển vùng, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh miền núi, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan lập Đề án Xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm ATGT. Đề án dự kiến triển khai ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Những vị trí được ưu tiên xây dựng cầu là nơi có nguy cơ mất an toàn khi người dân vượt suối.
Những vị trí được ưu tiên xây dựng cầu là nơi có nguy cơ mất an toàn khi người dân vượt suối.

Đơn vị tư vấn là Liên danh giữa Công ty CP Kỹ sư và Tư vấn Việt Nam, Công ty CP ATH tư vấn đầu tư xây dựng đã khảo sát thực địa và sàng lọc khoảng 2.000 vị trí cầu do các địa phương đề xuất có 191 vị trí nên xây dựng cầu treo dân sinh.

Những vị trí được ưu tiên xây dựng cầu là nơi có nguy cơ mất an toàn khi người dân vượt suối về mùa cạn và có nguy cơ nước dâng cao bất thường. Theo đơn vị tư vấn, có 2 loại hình kết cấu chính được nghiên cứu là cầu treo và cầu treo mặt dây văng. Tuổi thọ thiết kế cầu là 25 năm đối với cầu khổ hẹp và 50 năm đối với 3 loại khổ cầu 1,4m; 2m và 2,5m; tải trọng cơ bản 300kg/m2 và sử dụng các hệ dầm mặt cầu bằng thép có sơn chống gỉ đảm bảo theo tiêu chuẩn sơn kết cấu cầu.

Tại cuộc họp triển khai xây dựng đề án mới đây, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng và xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, cũng đã có nhiều chương trình đầu tư xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn 28 tỉnh thuộc đề án. Vì vậy, Bộ GTVT nhắc các đơn vị thực hiện cần có đánh giá kết quả trong việc sử dụng, bảo trì, huy động nguồn vốn sửa chữa cũng như những tồn tại, hạn chế để triển khai đề án lần này đạt hiệu quả.

Chưa có nguồn huy động vốn

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng và xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, cũng đã có nhiều chương trình đầu tư xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn 28 tỉnh thuộc đề án.

Đề án là bước đi đầu tiên được Bộ GTVT thực hiện để hiện thực hóa việc đảm bảo ATGT, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tại các tỉnh miền núi. Đề án cũng sẽ là cơ sở để huy động các nguồn vốn hỗ trợ các tỉnh xây dựng cầu dân sinh ở những khu vực có địa hình hiểm trở, có nguy cơ tai nạn cao.

Ông Lê Đình Thọ cho rằng đề án cần tập trung đánh giá hiện trạng, nêu rõ phạm vi nghiên cứu, tổ chức thực hiện đảm bảo ATGT, sự cần thiết đầu tư, phạm vi đầu tư, tiêu chí đầu tư, mỗi năm thực hiện bao nhiêu cầu và có các giải pháp cụ thể về công nghệ, cơ chế chính sách, huy động nguồn vốn.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất xây dựng thí điểm từ 10 - 20 vị trí. Trước đó cần xác định rõ các vị trí ưu tiên, những vị trí nào xây dựng cầu treo dân sinh, vị trí nào xây dựng cầu treo hay cầu treo mặt dây văng. Đồng thời phải ban hành tiêu chuẩn cho các cầu treo dân sinh, thống nhất về kết cấu cầu, tải trọng, khổ cầu. Phía Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất nên xây dựng khổ cầu 3,5m để phục vụ cả nhu cầu đi lại lẫn vận chuyển hàng hóa của người dân.

Minh Phong (Minh Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem