Xây dựng dự án Luật Dân tộc: “Đòn bẩy” để các dân tộc thiểu số phát triển

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 12/11/2015 09:26 AM (GMT+7)
Ngày 10.11, tại Trà Vinh, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh, đề cương chi tiết của Dự án Luật Dân tộc”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBDT trong giai đoạn 2015-2020.
Bình luận 0

Nhiều chính sách chồng chéo

Sau 30 năm triển khai các chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc đã giảm từ 3 - 4%/năm. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, các chính sách thực hiện thời gian qua còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện; việc triển khai giữa các ngành, lĩnh vực thiếu thống nhất. “Một số chính sách còn dang dở, không đạt mục tiêu đề ra. Phần lớn các chính sách vẫn nặng về phát triển hạ tầng, chưa chú trọng chuyển giao KHKT, kiến thức bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát huy tính tự chủ, tự quản của cộng đồng DTTS” – PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội), chuyên gia tư vấn của WB, cho biết.

img

Bà con dân tộc Khmer ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trồng ngô lai phát triển kinh tế.    Ảnh:  Huỳnh Xây

Đồng tình với ý kiến trên, ông Thạch Mu Ni - Vụ phó Vụ Dân tộc Tôn giáo (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: Đồng bào DTTS vẫn thiếu các điều kiện cần thiết để hoà nhập vào xu thế phát triển của đất nước. Hiện tiếng nói, chữ viết dân tộc chưa được sử dụng rộng rãi. Văn hoá của người dân tộc có xu hướng bị pha tạp, có nguy cơ mai một. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế chính sách đặc thù cho đối tượng này.

Cần thiết xây dựng Luật Dân tộc

Theo kế hoạch, Luật Dân tộc sẽ được trình Chính phủ vào tháng 5.2016, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 và thông qua vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV.

Theo đại diện Ban Dân tộc các địa phương, việc ban hành Luật Dân tộc là rất cần thiết nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của đồng bào DTTS. “Nơi nào đồng bào DTTS chiếm trên 50% thì đề xuất trong luật phải cơ cấu cán bộ là người DTTS tham gia cấp uỷ, chính quyền. Trong thi tuyển công chức cần quy định chỉ tiêu cụ thể là người DTTS. Về mặt kinh tế, luật cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các cấp, ngành. Ở lĩnh vực văn hoá xã hội, cần quy định những chính sách trợ lực để bảo vệ bản sắc văn hoá DTTS” – ông Sơn Tươi - Phó  Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh góp ý.

Ông Thạch Mu Ni nhấn mạnh thêm: “Luật Dân tộc phải đạt được mục tiêu tạo sự bình đẳng, đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để các DTTS phát triển, hoà nhập bằng các chính sách, việc làm cụ thể. Trước mắt, luật phải giúp đỡ đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, từ đó kéo theo sự phát triển về văn hoá, dân trí...”.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng, các chính sách dân tộc triển khai trong thời gian qua đang dần bộc lộ những hạn chế và tạo nên những khoảng trống” vì thế, việc xây dựng Luật Dân tộc là hết sức cần thiết, nhằm tạo tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện để đồng bào phát triển một cách toàn diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem