Xem người Tày “tắm cho tiền nhân”, “cho kiềng đi ngủ” đêm 30 Tết

Tuấn Trung Thứ bảy, ngày 25/01/2020 10:23 AM (GMT+7)
Trước thời khắc giao thừa, chuyển sang năm mới thì nồi lá thơm sôi sùng sục cũng được những người phụ nữ Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bê lên trước ban thờ để “tắm cho tiền nhân”. Sau khi thủ tục này xong, người phụ nữ Tày lại tiếp tục làm thêm nghi thức "cho kiềng đi ngủ”.
Bình luận 0

Cũng giống như những dân tộc anh em khác, người Tày ở Tuyên Quang rất coi trọng Tết cổ truyền. Họ quan niệm, sau một năm làm việc vất vả, từ 0h đêm 30 Tết trở đi không chỉ là thời khắc bắt đầu năm mới, mà đây còn là thời khắc chấm dứt sự vất vả, ngược xuôi cùng những vận xui trong một năm cũ.

img

Việc đi hái lá, chuẩn bị nồi nước thơm để "tắm cho tiền nhân" được những người con dâu Tày thực hiện.

Để có những giây phút thảnh thơi đúng nghĩa để vui chơi ngày Tết, lẽ tất nhiên là người Tày phải hoàn thành tất cả những công việc trước khi bóng tối ngày cuối cùng của năm cũ bao phủ. Nếu được hòa mình vào không khí tất bật ấy của người Tày, chắc chắn ai cũng sẽ có ấn tượng sâu sắc, rồi bỗng chốc hóa thành tình yêu, nỗi nhớ đắm say…

Với người Tày ở Tuyên Quang, hai ngày cuối cùng của năm cũ là thời điểm các thành viên trong gia đình tập trung hoàn thiện các công việc trong nhà. Công việc được phân công rất rõ ràng đến từng thành viên. Người đàn ông trụ cột gia đình vừa phải bổ củi, mổ lợn, quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng, vừa phải chuẩn bị một cây Nêu đủ cao vượt nóc nhà để đón những may mắn. Phụ nữ chuẩn bị lá dong, lạt nứa, đỗ, gạo nếp để gói bánh chưng và sắm sửa quần áo mới cho gia đình.

Theo bà Nông Thị Thắm (62 tuổi, trú tại thôn Tồng Moọc, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hoá), Tết của người Tày bắt đầu từ ngày 0h đêm giao thừa nhưng để bắt đầu Tết, người Tày phải giải xui bằng những bữa ăn trong ngày cuối cùng của năm.

“Món ăn chính trong bữa giải xui được chế biến từ thịt lợn do chính gia chủ nuôi lớn để mổ đón Tết. Người Tày sẽ luân phiên đến nhà người thân trong họ hàng để ăn thịt giải xui, bởi vì cho dù xui xẻo đến mức không còn gì xui hơn được nữa thì năm cùng tháng tận, sang vận mới, mọi rủi ro của năm cũ đều qua đi”, bà Thắm cho biết.

Tất cả những công việc kể trên tưởng chừng đã đủ khiến các thành viên trong gia đình tất bật nhưng người phụ nữ Tày còn phải thực hiện một “nhiệm vụ” quan trọng mà gia đình và tổ tông giao phó, đó là thủ tục xông bàn thờ tổ tiên.

Người Tày ở Tuyên Quang quan niệm, xông bàn thờ tổ tiên là tục “tắm” và thay áo mới cho các tiền nhân đã mất, mà người Tày ở Tuyên Quang thường gọi bằng cái tên đầy thân thương và đáng kính là “tắm” cho “các cụ”. Xông bàn thờ tổ tiên phải được thực hiện bởi chính đôi bàn tay của con dâu Tày, từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đến công đoạn “tắm cho tiền nhân” lúc 0h đêm giao thừa. Không ít cô dâu Tày bình thường vụng về là vậy nhưng những lúc này, lại tỉ mẩn, khéo léo đến lạ.

img

img

Trong đêm giao thừa, việc chuẩn bị "lá thơm" và cỗ cúng được người phụ nữ nơi đây chuẩn bị chu đáo.

PV Dân Việt có mặt ở thôn Bảu (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) khi những ánh hoàng hôn của ngày cuối cùng trong năm đang le lói yếu ớt. Đây cũng là lúc bà Hà Thị Nở (66 tuổi) nhanh tay hái những lá bưởi già nhất để chuẩn bị nồi nước xông bàn thờ đêm 30 Tết. Nhưng đây mới chỉ là một trong những nguyên liệu cho nồi nước xông bàn thờ của bà Nở. Trước khi bóng tối ập đến, bà Nở phải tiến lên sườn đồi ở đằng sau nhà để hái thêm cỏ hôi, lá thanh tảo, cây hương nhu, lá chanh, vỏ gốc mận… để nồi nước xông thêm “nức mũi”.

Bà Nở bảo, người dân địa phương chỉ biết gọi đó là cỏ hôi, vì khi chưa đun, cỏ đó có mùi rất hắc và hôi. Nhưng khi thả vào nồi nước đang sôi cùng lá bưởi và rễ cây mơ hoặc cây mận, một mùi thơm thanh khiết, ấm áp bao trùm cả không gian nhà rộng rãi.

Vừa cầm trên tay rổ lá thơm đặc biệt, bà Nở vừa chia sẻ: “Nồi nước xông bàn thờ rất đặt biệt. Bởi đây không chỉ mang yếu tố tâm linh, người con dâu Tày phải phụng sự tổ tiên nhà chồng mà nguyên liệu tạo nên nồi lá cũng phải đúng theo nguyên tắc số lẻ (số âm) là 3, 5, 7 hoặc 9 loại cây. Những số nguyên liệu này gắn với từng ý nghĩa khác nhau như 3 là gắn với chữ tài, khi dùng nồi nước xông có 3 nguyên liệu, người Tày tin rằng, họ được tổ tiên phù hộ tài lộc tròn đầy. Hay như số 9 gắn với chữ cửu, khi nồi xông được tạo nên bởi 9 nguyên liệu thì sẽ vĩnh viễn được tổ tiên phù hộ”.

Chính vì vậy, những con dâu Tày lớn tuổi thường rất chú tâm đến lựa chọn nguyên liệu “tắm cho các cụ”. Lá, rễ cây càng già mùi càng thơm, mùi thơm càng thanh khiết. Những nguyên tắc cơ bản mà “bất di bất dịch” này được mẹ chồng truyền cho con gái và con dâu khi mới về nhà chồng. Không những vậy, những cô dâu Tày lớn tuổi tin rằng, càng nhiều nguyên liệu tạo nên nồi nước xông, các cụ càng được sạch sẽ và viên mãn. Từ đó, con cháu càng được phù hộ.

Trong không khí tưng bừng của tiết xuân, khi kim đồng hồ đang dần điểm thời khắc mới, mọi thủ tục tiễn năm cũ, đón năm mới của người Tày ở Tuyên Quang bắt đầu được tiến hành. Trên bàn thờ, khi hương - đăng - hoa - trà - quả - thực đã “y án”, nồi nước xông mà con cháu chuẩn bị để “tắm cho các cụ” cũng đã sẵn sàng. Thanh sắt đỏ được nung nhiều giờ trong bếp chính thức được cô dâu Tày thả xuống nồi nước lá đang sôi. Làn hơi nước trắng ấm bao trùm không gian thờ tự. Người Tày quan niệm, lúc này, “các cụ” chính thức được tắm sạch sẽ, mọi tà khí cũng được xua đi, chỉ còn lại những may mắn, bình an. Từ đây, câu cửa miệng của người Tày trong ngày Tết sẽ là những câu chúc nhau an khang, thịnh vượng…

img

img

Sau thủ tục "tắm cho tiền nhân" và cúng giao thừa xong, người phụ nữ Tày tiếp tục làm thêm thủ tục "cho kiềng đi ngủ".

“Ngoài việc gói bánh chưng cho ngày Tết, sắm sửa quần áo mới, đồ thời cúng… phụ nữ Tày hay con dâu Tày đều phải cáng đáng thêm những việc tâm linh như cúng tổ tiên, xông bàn thờ, cắt - dán chỉa chèn (dán giấy đỏ) và cho “kiềng đi ngủ”. Các công việc thực hiện tuần tự theo từng bước”, bà Nông Thị Thái (65 tuổi, ở xã Thượng Lâm, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết.

Theo bà Thái, vào đêm 30 Tết, khi tục xông bàn thờ “tắm cho các cụ” hoàn tất và những ly rượu mừng năm mới trong đêm giao thừa vừa cạn cũng là lúc người phụ nữ Tày bắt đầu đi xuống bếp, dựng ngược 3 chân kiềng lên trần nhà. Từ giây phút này, kiềng được nghỉ ngơi, những lo toan, những gánh nặng mà kiềng phải làm cho gia chủ trong suốt một năm qua sẽ chính thức được “giải tỏa”. Kiềng được đi ngủ đến sáng mồng một Tết, khi những thành viên trong gia đình thức dậy để bắt đầu chế biến những món ăn đầu tiên trong năm mới.

“Kiềng đi ngủ” không chỉ là câu nói quen thuộc của những người phụ nữ Tày mà còn là “nhiệm vụ” bất khả kháng mà tổ tông giao phó. Bởi phụ nữ có khéo léo, căn bếp mới sạch sẽ, gia đình mới ấm êm. Với những cô gái Tày, bình thường vụng về là vậy nhưng khi làm những việc này, họ lại thuần thục ngay từ tấm bé…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem