Xét chỉ tiêu tuyển sinh trên tỷ lệ SV có việc: Tránh đào tạo thừa

Hà My Thứ tư, ngày 27/03/2019 06:00 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, Bộ GDĐT sử dụng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm là một trong các tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Quy định này được kỳ vọng giúp phát triển cân bằng cung - cầu giữa nhân lực và việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về thực chất của những con số mà các trường báo cáo...
Bình luận 0

img

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Trung

Nâng cao chất lượng

Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28.2.2018, trong đó quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Trên thực tế, quy định các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử về tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau một năm tốt nghiệp đã được ban hành từ năm 2009, tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT. Nhưng đây là lần đầu tiên Bộ GDĐT sử dụng kết quả này làm tiêu chí cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể, với cơ sở trong 3 năm liền không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định được tự chủ xác định chỉ tiêu theo cam kết chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề nếu kết quả khảo sát SV tốt nghiệp có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát SV có việc làm hàng năm của nhà trường).

Nếu tỷ lệ trung bình của SV có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên và có SV bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo quy định chung còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của SV bị sàng lọc trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh. Nếu cơ sở đào tạo chưa đủ 4 năm có SV tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng SV bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.

Các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết: “Thực tế thời gian qua, chúng ta đang thực hiện mục tiêu “đạt tỷ lệ 450 SV/1 vạn dân vào năm 2020” để ngang bằng với tỷ lệ này của các nước trong khu vực. Điều này dẫn đến số lượng các trường và quy mô đào tạo tăng nhanh. Tuy nhiên, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được quan tâm tương xứng đã khiến một số lượng lớn các "sản phẩm" của đào tạo là cử nhân, thạc sĩ... không tìm được việc làm hoặc làm công việc không đúng với chuyên môn, làm trái ngành nghề, thậm chí phải giấu bằng để đi làm công nhân. Do đó, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường khi mở ngành mới, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phải khảo sát và căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động.

Cụ thể, hàng năm, các trường phải điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo; định kỳ sau 5 năm phải rà soát tổng thể, chỉnh lý, bổ sung, ban hành lại chương trình mới để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; phải căn cứ vào yêu cầu của các vị trí việc làm để xác định các môn học phù hợp nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; phải hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm cập nhật công nghệ mới trong quá trình giảng dạy… tạo ra môi trường làm việc thực sự ngay trong nhà trường để SV có cơ hội thực tập và trải nghiệm.

Khó khảo sát chính xác

Đang có hiện tượng nhiều trường đại học có số liệu đầu ra giống nhau. Nếu không kiểm soát được việc này, quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Bộ GDĐT cần có chế tài để kiểm soát việc này, tạo sự công bằng cho các nhà trường và là thước đo trung thực về chất lượng đào tạo để thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo”.

GS-TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

GS - TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng then chốt của việc đào tạo chính là tiêu chí SV ra trường có việc làm. “SV có việc làm là một tiêu chí quan trọng, bởi vì, nếu ra trường không có việc làm thì đào tạo nhiều để làm gì? Đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội, nếu SV tốt nghiệp lại không được tuyển dụng thì thật lãng phí. Cần có sự khảo sát trong thực tế về nhu cầu nhân lực, khảo sát số lượng, chất lượng đào tạo, đáp ứng đội ngũ lao động trong sự phát triển đa dạng của xã hội. Đó nên là một nguyên tắc của đào tạo nhân lực” - ông Báo nói.

Theo ông Báo, trước đây, do không có căn cứ nào, chỉ tiêu tuyển sinh không sát thực tế, dẫn đến đào tạo thừa, không cân đối với nhu cầu nhân lực trong xã hội, gây ra sự tốn kém, đồng thời tạo tình trạng thất nghiệp nặng nề. Sự thay đổi này đang hướng đến phát triển cân bằng cung - cầu giữa nhân lực và việc làm.

“Có thể nhận thấy, Bộ GDĐT đã chủ động đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với việc siết chặt đầu vào của các trường đại học” - ông Báo nói.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội quan tâm là liệu tỷ lệ SV ra trường có việc làm do các trường đại học công khai có minh bạch, chính xác? Chỉ khi nào khẳng định được điều này thì tỷ lệ SV ra trường có việc làm ngay mới tác động tới chất lượng tuyển sinh đầu vào của từng trường đại học. Có thể nói, việc đặt ra được tiêu chí trên đã khó, để sử dụng được tiêu chí này hiệu quả còn khó hơn.

Lấy ví dụ Trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm vừa qua, số SV trả lời khảo sát về việc làm là 42%. Trong đó, ngành ngôn ngữ Pháp, tỷ lệ SV có việc làm đạt 100% nhưng đây chỉ là tỷ lệ của 15 SV có trả lời khảo sát trong số 35 người tốt nghiệp. Ngành Ngôn ngữ Nhật có 104 SV tốt nghiệp nhưng chỉ có 30 người trả lời khảo sát, 27 người có việc làm và tỷ lệ đạt 93,3%. Ngành sư phạm ngữ văn cũng có tỷ lệ SV phản hồi đạt trên 38% và tỷ lệ việc làm đạt gần 87%... Những con số trên chỉ có giá trị tham khảo tương đối bởi rất khó để lấy được 100% ý kiến của sinh viên sau khi ra trường 1 năm.

Đối với Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, trong tổng số 1.347 SV tốt nghiệp có gần 600 người phản hồi về tình hình việc làm. Trong đó, tỷ lệ SV có việc làm trong tổng số người phản hồi đạt trên 82%. Nếu tính tỷ lệ trên tổng số SV ra trường thì chỉ đạt trên 36%.

img

GS Nguyễn Quý Thanh -Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Số liệu còn mang tính hình thức

Số liệu sinh viên có việc làm của các trường còn mang tính hình thức, chưa cụ thể theo từng ngành và có tình trạng các trường công bố số liệu sinh viên ra trường có việc làm cao hơn so với thực tế.

img

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT):

Trách nhiệm giải trình với xã hội

Các trường phải công khai số liệu sinh viên có việc làm sau khi ra trường vì đó là trách nhiệm giải trình trước xã hội. Với những trường chất lượng đào tạo tốt, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động, thì đây là cơ hội để marketing cho nhà trường.

Ngoài ra, cũng phải xem xét trường hợp có trường tuy đạt chuẩn kiểm định chất lượng nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng với ngành đã học thấp, thì cũng nên tham khảo thêm chất lượng đánh giá ngoài. Do đó, cần phải có các khuyến cáo và giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo không mâu thuẫn trong quá trình thực hiện các chủ trương của ngành.

Hà My (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem