Xuân sớm trên đảo Trần

Nguyễn Quý Thứ ba, ngày 13/02/2018 06:26 AM (GMT+7)
Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân tới đảo Trần, hòn đảo được ví như Trường Sa của Quảng Ninh. Giờ này, ở các ngả đường thành thị, người xe đã nườm nượp, vội vã để hoàn thành nốt những công việc năm cũ... Ở đây, đường đảo vẫn im lìm, nhưng không khí tết đã bắt đầu chộn rộn.
Bình luận 0

Niềm vui đón tết

Trung tá Lương Ngọc Trí- Chính trị viên Đồn đảo Trần đón chúng tôi trước tiền sảnh của tòa chỉ huy vừa mới được hoàn thiện. Còn nhớ lần ra đảo Trần cách đây 7 năm, dãy nhà chỉ huy và hội trường của Đồn còn là dãy nhà cấp 4 cũ. Nay, đã tọa lạc một tòa nhà khang trang, với các dãy nhà làm việc, ăn, ở riêng biệt.

img

Chiến sĩ đồn Biên phòng đảo Trần trang trí cành đào, chuẩn bị đón tết.  Ảnh: Nguyễn Quý

Đối với các cán bộ chiến sĩ trên đảo Trần, niềm vui của những ngày tết, ngoài những giờ quây quần mổ lợn, gói và trông nồi bánh chưng, thì đơn giản chỉ là điện được ngắt muộn hơn, giờ vui hát karaoke dài hơn và có nhiều thời gian hơn để chúc nhau chén rượu nồng đầu xuân hay nhấp chén trà mạn tâm tư chuyện đời.

Trung tá Trí mới nhận nhiệm vụ ở đảo Trần từ tháng 6.2017, cùng thời điểm mà đảo tiền tiêu trên Vịnh Bắc Bộ này đón nhận nhiều điều mới mẻ. Giữa mênh mông biển cả, hàng chục ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng để đón các hộ gia đình ra đảo định cư; cảng tàu khách và một số công trình khác đang được khẩn trương xây dựng; thôn đảo Trần được thành lập, hiện là thôn đảo xa đất liền nhất của Quảng Ninh.

“Mình may mắn hơn các đồng chí lãnh đạo đơn vị tiền nhiệm, là đến nhận nhiệm vụ khi đảo Trần đã có nhiều thay đổi cả về cơ sở vật chất lẫn số lượng người dân định cư. Năm nay mình trực tết cùng anh em trên đảo, cũng là lần đầu tiên đón tết trên đảo Trần, chắc sẽ nhiều cảm xúc lắm!” – Trung tá Trí nói.

Thượng tá Hoàng Đức Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Trần chia sẻ: “Bây giờ thì chỉ có cảm xúc phấn khởi, tươi vui thôi, vì gần tết có nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm, chúc tết. Nhưng đến mùng 1 tết mới thấy thấm”.

Thượng tá Kiên kể rằng, năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp tết, các đơn vị quân đội ở đảo Trần đều tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng, không khí hết sức náo nhiệt. Thông thường, đơn vị chuẩn bị cành đào và mâm ngũ quả từ rất sớm, bởi những ngày này hàng năm đều có các đoàn từ đất liền ra thăm và chúc tết. Bánh chưng thường được gói vào ngày 28, 29 tết, bởi trên đảo chưa có điện lưới, nếu thịt lợn và gói bánh chưng quá sớm sẽ không thể tích trữ để ăn dần như trên đất liền.

img

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP đảo Trần tuần tra trong khu vực.  Ảnh:  N.Q

Vậy nhưng, thiếu thốn không làm những người lính đóng quân nơi vùng đảo xa  nản chí. Ngay từ sớm, các đơn vị đã xây dựng và quán triệt kế hoạch đến 100% cán bộ chiến sĩ, trong đó tổ chức duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phân công cắt cử các tổ đội công tác xuống địa bàn nắm tình hình, kết hợp chúc tết bà con. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các lực lượng vũ trang trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, để cho bà con đón một cái tết yên vui.

Phút chạnh lòng của người lính đảo

Tôi gặp Binh nhất Nguyễn Duy Nghĩa (SN 1996, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đang chăn bò dưới những cánh rừng nhuốm màu lá đỏ. Nhập ngũ từ tháng 2.2017, Nghĩa ra đóng quân ở Tiểu đoàn đảo Trần, thuộc Lữ đoàn 242, Quân khu 3. Ngoài nhiệm vụ quân sự, Nghĩa được giao phụ trách chăn đàn bò hơn 30 con của đơn vị. Nghĩa kể: “Vừa đi lính được hơn 1 tháng thì vợ em đẻ, đến bây giờ vẫn chưa gặp mặt con. Đây cũng là năm đầu tiên em ăn tết xa nhà”. Tết năm nay, cũng như nhiều chiến sĩ khác mới nhập ngũ, Nghĩa phải trực chiến đấu trên đảo Trần. Xa nhà trong dịp tết, nhất là trong hoàn cảnh có con nhỏ mà chưa một lần gặp mặt, tất nhiên Nghĩa nóng lòng muốn về thăm nhà. “Vậy nhưng, em cũng như bao chiến sĩ khác, đã xác định nhiệm vụ của mình khi bước chân vào quân ngũ. Gia đình cũng thường động viên rằng em đang làm nhiệm vụ rất thiêng liêng là bảo vệ biển đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, gắng đợi khi được cấp phép sẽ về thăm nhà” – Nghĩa tâm sự.

Khuôn mặt còn mang dáng dấp của cậu học trò, Binh nhất Đặng Hoài Linh (SN 1998, quê Vân Đồn, Quảng Ninh) nhập ngũ đợt tháng 2.2017, đóng quân tại Đồn BP đảo Trần khi vừa mới biết yêu. Qua phút ngại ngùng, Linh kể rằng người yêu của cậu là một cô bạn học cùng lớp, mến nhau bao lâu nhưng phải đến lúc sắp ra trường Linh mới dám tỏ tình và được cô nàng đồng ý. “Mới yêu ai mà chẳng nhớ phải không anh? Theo quy định lính nghĩa vụ bọn em không được sử dụng điện thoại, thế là bọn em vẫn gửi mong nhớ vào những lá thư tay cho nhau. Thi thoảng cũng được chỉ huy tạo điều kiện cho mượn điện thoại để gọi về cho gia đình, người yêu. Tết này tuy không được về, nhưng chúng em thấy nhẹ nhàng hơn khi coi rằng đó là cơ hội để trải nghiệm” – Linh cởi lòng.

Chưa có vợ, cũng chưa có người yêu, Binh nhất Vũ Mạnh Thảo (SN 1998, quê Quảng Yên, Quảng Ninh, đơn vị Đồn BP đảo Trần) dồn tất cả nỗi nhớ cho bố mẹ, người thân trong gia đình. Những ngày này, cứ mỗi lúc nghỉ ngơi Thảo lại mường tượng cảnh nhà đang chuẩn bị đón tết. “Mẹ em thể nào cũng chuẩn bị gạo nếp ngon để thổi xôi, nấu bánh chưng rồi. Còn bố, những ngày này vừa tất tả kiếm tiền, vừa tranh thủ dọn dẹp, sơn lại nhà cửa. Cứ vào độ này hàng năm, Quảng Yên quê em lại diễn ra các cuộc tế lễ những vị thần, hay mừng thọ người già. Không khí của cả làng vui lắm anh ạ!” – Thảo thật thà kể, đôi mắt mơ màng nhìn ra ngoài biển.

Trực ở đội tàu vào những ngày giáp tết, Đội trưởng Đội tàu, Đại úy Vũ Văn Việt (Đồn BP đảo Trần) tranh thủ điện thoại về động viên vợ con. Thi thoảng có tiếng sóng ồn ào, Đại úy Việt phải hét to lên điện thoại, khiến tôi ngồi phía mũi tàu cũng ngẫu nhiên nghe được: “Bố thương con lắm Tuấn ạ. Những ngày không có bố ở nhà con phải ngoan, không được quấy mẹ nghe con. Mẹ vất vả, vừa nuôi con, vừa phải chăm ông bà nội. Con phải thường xuyên chơi với ông bà để ông bà vui con nhé. Con là cháu đích tôn của ông bà, trọng trách nặng nề lắm đấy Tuấn ạ!”...

Đại úy Việt im lặng hồi lâu sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với con trai, rồi anh quay sang tôi nói như tự trấn an mình: “Chúng tôi là lính mà, chuyện xa nhà cả mình và gia đình rồi cũng phải quen, nhưng thằng nhỏ (con trai – PV) nó vẫn chưa quen được”.

Đại úy Việt dụi tóp thuốc xuống chiếc gạt tàn, quay sang vừa điều khiển chiếc máy nén khí, vừa chăm chú theo dõi anh em làm việc phía boong tàu. Sáng sớm mai, đội tàu của anh thực hiện chuyến tuần tra trên biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem