Yêu cầu công an làm rõ vụ “nô lệ” trên cao nguyên

Thứ năm, ngày 25/10/2012 08:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên quan đến vụ gần 30 lao động phải làm "nô lệ" trên cao nguyên”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo Công an tỉnh và Sở LĐTBXH tìm hiểu, làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bình luận 0

Bên hành lang phiên họp Quốc hội ngày 24.10, ông Vũ Công Tiến - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - đã trao đổi với PV NTNN về việc 26 lao động, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên “Làm nô lệ trên cao nguyên” như báo đã đăng tải.

Ông Tiến cho biết: Ngay sau khi đọc bài trên NTNN, ông đã chỉ đạo Công an tỉnh và Sở LĐTBXH tỉnh tìm hiểu, làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thưa ông Vũ Công Tiến, ông có thể cho biết quan điểm của tỉnh sau khi nắm được vụ việc?

- Ngay sau khi đọc thông tin trên NTNN, tôi đã điện cho đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh, yêu cầu các đồng chí kiểm tra, làm rõ vụ việc trên tinh thần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Tôi cũng yêu cầu anh em phải điều tra, làm rõ Công ty đó (Công ty Đức Hoàng – PV) có thực hiện đúng pháp luật hay không, việc môi giới kéo người ở Phú Yên lên cụ thể như thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng yêu cầu phải tăng cường lực lượng để nắm lại tình hình ở địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Để xảy ra tình trạng đó là không được!

img
Trụ sở của Công ty TNHH Đức Hoàng.

Theo tìm hiểu của PV NTNN thì tình trạng này đã xảy ra từ lâu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có đúng không thưa ông?

- Thú thực là bữa nay tôi mới nghe được chuyện này. Nếu nghe được từ trước tôi sẽ ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết rốt ráo. Trên thực tế cũng đang có tình trạng giữa tư nhân với tư nhân ký hợp đồng lao động với nhau do nhu cầu sản xuất của người dân. Còn việc sử dụng lao động sao cho đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của nhau thì tôi thấy chưa có vấn đề gì xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Riêng với vụ việc này, anh em có báo cáo sơ bộ tình hình là công ty đó (Công ty Đức Hoàng) có hoạt động thật. Tuy nhiên, lẽ ra nhân viên của công ty phải trực tiếp tuyển người, nhưng lại thông qua môi giới nên mới xảy ra những sai sót. Còn khi người lao động được đưa về xã thì chưa phát hiện có dấu hiệu gì lớn lắm!

Nhưng trên thực tế thì gia đình của nhiều người lao động đã phải bỏ ra một khoản tiền để “chuộc” người thân về, thưa ông?

- Thì đúng ra người lao động phải do nhân viên công ty tuyển, nhưng lại qua môi giới. Mà môi giới thì lại ra điều kiện để ràng buộc người lao động, cụ thể như: Vào đó thì phải làm, không được bỏ về. Nếu về thì phải hoàn trả một số khoản tiền như tiền xe đưa đón, tiền nhà trọ… Nhưng tôi xin khẳng định, tỉnh sẽ cố gắng giải quyết ổn thỏa để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như người sử dụng lao động.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem