Yếu kém trong hoạt động BHYT: Chưa quy trách nhiệm người đứng đầu

Thứ năm, ngày 12/09/2013 08:31 AM (GMT+7)
“Trong báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, nguyên nhân dẫn tới việc yếu kém không thấy nói ai phải chịu trách nhiệm chính, ngành nào cũng có một chút trách nhiệm” – đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Huỳnh Ngọc Sơn.
Bình luận 0
Tại phiên họp ngày 11.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 -2012. Nhiều ý kiến đánh giá cao nội dung báo cáo nhưng tỏ ra băn khoăn về những yếu kém mà báo cáo đã nêu. “Việc phát thẻ BHYT trùng đã phát hiện ra từ thời tôi còn làm Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Số thẻ phát còn cao hơn dân số một huyện, có cán bộ huyện khoe với tôi có đến 3 thẻ BHYT, tại sao để việc này kéo dài mãi, đề nghị đoàn giám sát làm rõ hơn việc cấp thẻ trùng” – Chủ tịch Ủy ban Dân tộc của QH Ksor Phước nêu ý kiến.

Khám chữa bệnh bằng BHYT chưa thực sự tạo thuận lợi và tạo được niềm tin cho người dân (ảnh minh họa).
Khám chữa bệnh bằng BHYT chưa thực sự tạo thuận lợi và tạo được niềm tin cho người dân (ảnh minh họa).

Chưa đồng tình với báo cáo, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nêu ý kiến phản ánh như vậy còn chung chung chưa cụ thể. “Trách nhiệm về yếu kém gần như không thấy đề cập cụ thể, trong nguyên nhân vướng mắc dẫn tới yếu kém có 5 đối tượng từ QH đến Bộ Y tế, nhưng lại không thấy nói ông nào chịu trách nhiệm chính. Chúng tôi tiếp xúc cử chi thấy ta thán nhiều, gần đây nhất là 2 sự kiện, nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức, Hà Nội, làm giấy giả, dấu giả ở Thăng Bình, Quảng Nam… Trong 5 đối tượng liên quan dẫn đến yếu kém có phải Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính không?” – Phó Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Theo báo cáo, giai đoạn 2009- 2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Thế nhưng, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có 4 tỉnh đạt mức thấp dưới 50% dân số của tỉnh tham gia như Nam Định 49%, Tây Ninh 49%, Kiên Giang 48% và Bình Phước 46%.


Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần chỉ ra trách nhiệm nếu không chỉ rõ thì sao đưa ra được biện pháp khắc phục. “Cấp nào cũng muốn giữ BHYT gây ảnh hưởng đến người bệnh, ảnh hưởng đến việc chữa bệnh. Ở một huyện có 2 mẹ con bị giữ lại rồi tử vong dù biết bệnh nặng cũng không chuyển, bởi chuyển thì bảo hiểm cũng phải chuyển theo” – ông Lý cho hay. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu cho rằng, báo cáo nó như bức tranh chỉ mảng sáng, mảng tối. Tuy nhiên mới dừng lại ở mức mô tả tình hình sử dụng, khám chữa bệnh từ BHYT, chưa chỉ ra nơi nào thực hiện tốt, chưa tốt, để rút kinh nghiệm. Việc tiêu cực trong ngành y đã tích tụ từ lâu. Bộ máy thanh tra rất lớn, tại sao vẫn xảy ra. Tại sao vi phạm sau lớn hơn vi phạm trước, tại sao lại có sự nhờn thuốc.

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu góp ý tại buổi thảo luận. Trong các giải pháp để hạn chế bất cập, Bộ trưởng Y tế cho rằng Luật BHYT mà không được sửa đổi, khi thực hiện sẽ bất cập, và chồng chéo.
Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem