Yêu nước với truyện tranh

Thứ hai, ngày 26/05/2014 06:22 AM (GMT+7)
Cùng trò chuyện nhóm Phong Dương Comic gồm: Thành Phong (hoạ sĩ, tác giả Sát thủ đầu mưng mủ) – Khánh Dương (kịch bản) – Mỹ Anh (hoạ sĩ) đang xây dựng một bộ truyện tranh về lịch sử chống giặc ngoại xâm của tổ tiên.
Bình luận 0
Bộ Long Thần Tướng này đã từng được sự hưởng ứng của bạn đọc.

Công việc của các bạn, với một hình thái như doanh nghiệp được góp vốn từ cộng đồng, có vẻ rất thuận lợi. Liệu điều đó có thúc đẩy các bạn mơ về một nhà xuất bản độc lập chuyên về truyện tranh ở Việt Nam?

Khánh Dương và  Thành Phong. Ảnh: TL
Khánh Dương và Thành Phong. Ảnh: TL

- Chúng mình luôn mong muốn có thể làm truyện tranh chuyên nghiệp có bài bản. Một nhà xuất bản chuyên về truyện tranh có thể hơi xa vời, nhưng là công ty chuyên về truyện tranh, để tồn tại một cách chuyên nghiệp không thể trông chờ vào việc góp vốn từ cộng đồng, mà đòi hỏi phải có thị trường đủ lớn, người tiêu dùng cảm thấy chất lượng sản phẩm xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Chúng tôi sẽ làm truyện tranh chuyên nghiệp, có bài bản và có tổ chức, nhưng hình thức góp vốn cộng đồng (vốn chỉ phù hợp với hoạ sĩ độc lập) sẽ không phù hợp lắm khi chuyển sang mô hình tổ chức. Đợt góp vốn này, phần quan trọng là để xem liệu thị trường Việt Nam đã sẵn sàng dang tay đón nhận các tác phẩm của hoạ sĩ trong nước chưa.

Với tiến độ công việc của mình lúc này, các bạn đã có một niềm tin nào về thị trường truyện tranh Việt hay không? Xin cho một lý giải ngắn từ góc nhìn chuyên môn của các bạn, vì sao truyện tranh Nhật, Hàn có thể tung hoành trên thị trường Việt Nam, nhưng với truyện tranh nội địa thì không?

- Với tiến độ góp vốn của dự án hiện tại, tuy không còn nhanh như những ngày đầu tiên nữa, nhưng với kết quả đạt được cho đến hôm nay, chúng tôi cảm thấy tin tưởng về khả năng dự án sẽ được hoàn thiện.

Tuy vậy, nếu nói rằng sự thành công của dự án sẽ làm khởi sắc thị trường truyện tranh Việt, phải thành thật mà chia sẻ, điều đó rất khó. Trong suốt hơn tháng qua, số lượng người ủng hộ cho dự án, hầu hết là độc giả của Long Thần Tướng (LTT) từ mười năm trước, thêm vào đó có cả những người không đam mê truyện tranh, nhưng nhìn thấy niềm tin, sự nhiệt tình của đội ngũ tác giả nên ủng hộ.

Tuy vậy, những người ghiền truyện tranh thực sự, đối tượng độc giả chính mà mình hướng tới vẫn chưa có nhiều. Do vậy, đợt làm lại LTT này, chúng tôi không tiếp tục tác phẩm mười năm trước mà làm mới lại từ đầu.

Các thành viên thực hiện dự án này đều cùng trang lứa và lý do nào khiến các bạn kết nối với nhau?


- Phong và Dương học cùng lớp cấp 3 và cùng chia sẻ niềm đam mê làm truyện tranh. Người có khả năng vẽ, người có khả năng làm kịch bản. Sau 10 năm làm truyện tranh, trong lần xuất bản này, nhóm đã bổ sung thêm bạn Mỹ Anh (butaemon), Mỹ Anh là một hoạ sĩ trẻ rất có triển vọng và được đánh giá cao trong giới. Với ba người, chúng tôi có khả năng tăng tiến độ dự án và triển khai nhanh chóng.

Ngôn ngữ truyện tranh là một trong những chi tiết hết sức quan trọng. Trẻ trung thì sẽ bị phê phán, đứng đắn thì bị chê là cũ mòn. Các bạn sẽ chọn cách thể hiện ngôn ngữ nào cho bộ truyện tranh này, các bạn có thể cho một ví dụ?

- Khác với văn chương, truyện tranh không dùng nhiều lời dẫn truyện mà chủ yếu là lời thoại. Lời thoại phải ngắn gọn nhưng súc tích, toát lên được cá tính nhân vật và dẫn dắt tình huống truyện. Đối với LTT, do đây là một bộ truyện tranh dã sử nên lời thoại có những nét đặc trưng riêng.

Lần trở lại lần này, chúng tôi khá tự tin khi bên cạnh tác giả Khánh Dương còn có cố vấn lịch sử là nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, cả hai sẽ phụ trách phần lời trong truyện. Hy vọng sự cộng tác này sẽ mang lại cho câu chuyện không khí cổ xưa mà vẫn giữ được nét đặc trưng của ngôn ngữ Việt.

Khuynh hướng luôn tìm tòi về cái mới, cũng như chấp nhận búa rìu từ các quan điểm mang khuynh hướng đã cũ – các bạn dường như đang làm một bước nhảy vọt?


- Trong các tác phẩm của mình, tôi luôn cố gắng lựa chọn phong cách thể hiện phù hợp nhất với câu chuyện, mà không cố định một nét vẽ hay cách kể chuyện nhằm tạo dựng dấu ấn riêng. Cũng như vậy, tôi không phải là người phủ nhận hoàn toàn các giá trị cũ, nếu nó chưa lỗi thời. Tất nhiên khi đưa tác phẩm tới công chúng, thì những va chạm về quan niệm và nhận định là khó tránh.

Đôi khi công chúng lớn tuổi ủng hộ tác phẩm còn hơn một số bạn trẻ, như tôi còn nhớ có lần trong một diễn đàn công khai, khi một vài bạn trẻ tỏ ý chê trách và phản đối ngôn từ trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ của tôi, thì có người lớn tuổi lại rất thích thú và bảo vệ nó. Chứng tỏ rằng tuổi tác không đại diện cho sự cấp tiến và chấp nhận những điều mới mẻ khác biệt.

Các bạn không phải chưa từng đối diện với quan điểm kiểm duyệt, đặc biệt khi làm về lịch sử. Nhưng tự làm mềm yếu mình trong một tác phẩm để có được sự chấp thuận, có thể là thảm hoạ. Các bạn sẽ làm sao để xoay xở?

Thành Phong từng gặp một số vấn đề về kiểm duyệt khi xuất bản và triển lãm, khi hai bên không thống nhất được quan điểm với nhau. Chúng tôi luôn thận trọng, nhưng không dễ dãi và thoả hiệp khi sáng tác những đề tài có thể gây tranh cãi như lịch sử. Tuy nhiên đối với bộ truyện LTT mười năm trước, chúng tôi chưa gặp một vấn đề gì với nhà xuất bản và cũng chưa bao giờ bị yêu cầu phải chỉnh sửa...

Phần lớn các dự án truyện tranh đắc ý của nhà sản xuất – ở đây, các bạn được coi như một nhà xuất bản độc lập – vẫn ước mơ dựng truyện tranh của mình thành anime, các bạn đã nghĩ đến điều đó?

- Trước mắt, mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành được bộ truyện tranh LTT với chất lượng tốt nhất có thể. Mọi sự hợp tác đều được nhóm hoan nghênh và trân trọng, và việc tạo ra các phiên bản nghệ thuật khác của tác phẩm, chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Một bộ truyện chỉ hơn nửa tháng phát động, đã có số vốn góp vượt ngoài 100 triệu đồng, và có rất nhiều người không phải là bạn bè. Hãy tự lý giải về phía mình, vì sao các bạn nhận được điều đó?

- Chúng tôi có lợi thế là bộ truyện đã được đón nhận từ mười năm trước, khi xuất bản lần đầu trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ. Sau mười năm, lứa độc giả đó nay đã trưởng thành, khi họ đọc được thông tin về đợt crowdfunding (*), họ nhớ bộ truyện như kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của họ. Do vậy, chúng tôi được lứa bạn đọc đó hỗ trợ rất nhiều.

Ngoài ra, không thể không kể đến những bạn đọc đã lớn tuổi, nhưng rất tâm huyết với những người trẻ thực hiện các dự án nghệ thuật nghiêm túc. Họ vẫn rất hào hứng và ủng hộ lớp trẻ hoạt động nghệ thuật.

(*) Crowdfunding là cách kéo gần khoảng cách giữa những người sáng tạo và công chúng của họ, cho phép công chúng được góp sức góp tiền vào quá trình xây dựng một dự án từ những viên gạch đầu tiên, cũng là một trải nghiệm hết sức thú vị đối với những người ủng hộ.


Tuấn Khanh (Thế giới Tiếp thị) (Tuấn Khanh (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem