Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững

Mùa Xuân Thứ bảy, ngày 20/01/2024 10:00 AM (GMT+7)
Phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc ghi nhận một số ý kiến của Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3, Hội Nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Bình luận 0

Clip: Nông dân vùng biên Lào Cai mong muốn có đầu ra ổn định cho quả dứa để nâng cao thu nhập.

Những trăn trở của người nông dân trồng dứa

Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi có dịp về thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương khi những quả dứa của bà con nơi đây đang ngả vàng, toả mùi hương thơm ngào ngạt khắp núi đồi. Nhưng đằng sau những thành quả chín ngọt ấy vẫn còn đó không ít những trăn trở của bà con nông dân về loại cây trồng này.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững - Ảnh 1.

Nông dân thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chăm sóc dứa. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Giàng Thị Chu, Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai), chia sẻ: Tổ hội nông dân nghề nghiệp thôn Na Lốc 3 được thành lập năm 2020, với 15 thành viên tham gia. Các thành viên đều là đồng bào dân tộc Mông.

Cùng với đó, thôn Na Lốc 3 là thôn biên giới, bà con trong thôn chủ yếu trồng ngô, sắn. Những năm gần đây đã chuyển dần sang trồng dứa, chuối xuất khẩu có năng suất, chất lượng cao hơn.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững - Ảnh 2.

Chị Giàng Thị Chu, Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) trăn trở về nỗi vất vả của người nongo dân trồng dứa. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo chị Chu trước đây các thành viên trong Tổ hội nông dân nghề nghiệp tập trung trồng, chăm sóc cây chuối và dứa. Thế nhưng cây chuối trồng lâu năm xuất hiện bệnh vàng lá nên không mang lại hiệu quả kinh tế nữa.

Từ đó, bà con đã chuyển diện tích trồng chuối sang trồng cây dứa để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững - Ảnh 3.

Những quả dứa đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch ở vùng biên Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Giàng Pàng, hội viên nông dân thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tâm sự: Vụ dứa đang chuẩn bị cho thu hoạch năm nay, gia đình tôi trồng được hơn 20.000 gốc. Tuy nhiên, do giá cả đầu ra quả dứa thấp, giá phân bón cao nên vụ gối tiếp cho năm 2024 gia đình tôi không trồng nữa.

Giá phân bón tăng cao người nông dân trồng dứa gặp khó

Nêu lên những khó khăn của cây dứa, chị Chung lắc đầu: Vài năm trước cây dứa đã giúp bà con xóa nghèo, có thêm thu nhập ổn định hơn. Vậy nhưng, từ năm 2022, giá phân bón tăng cao, giá bán quả dứa giảm rất thấp khiến người dân trồng dứa và các thành viên của Tổ hội nghề nghiệp thôn Na Lốc 3 gặp khó.

Lý giải về vấn đề này, chị Chu nêu ví dụ, gia đình chị trồng từ 60 – 70.000 gốc dứa trên đất dốc, với số gốc này mỗi vụ gia đình chị phải tốn khoảng 3 tấn phân bón, bón 2 lần/vụ, với giá khoảng 70 nghìn đồng phân bón như hiện tại thì tốn hơn 21 triệu đồng.

Từ số gốc dứa trên, gia đình chị Chu thu về hơn 20 tấn quả dứa, với giá bán dao động từ 2-3.000 đồng/kg, thu hơn 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công chăm sóc, thu hái, phân bón chỉ lãi được gần 20 triệu đồng.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững - Ảnh 4.

Diện tích dứa tại vùng biên Lào Cai giảm đáng kể so với những năm trước đây. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo những thành viên trong Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3 cũng như những người nông dân ở thôn Na Lốc 3 nói riêng và xã Bản Lầu nói chung mặc dù phân bón đã được xã Bản Lầu ký kết với Công ty cung ứng phân bón tạo điều kiện để người dân vay theo hình thức trả chậm. Vậy nhưng từ khi giá phân tăng cao, giá quả dứa bán thấp có nhiều hộ phải mất 2 năm mới trả hết số tiền nợ phân bón theo hình thức trả chậm.

Bên cạnh đó, việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm dứa chưa được người dân quan tâm do lo sợ bị đối tác ký kết bao tiêu sản phẩm ép giá… Nên hiện nay, sản phẩm dứa của người dân và thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3 chỉ bán lẻ tẻ cho các thương lái ở ngoài đến thu mua.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa vùng biên ở Lào Cai mong muốn phát triển cây dứa bền vững - Ảnh 5.

Để có đầu ra ổn định cho quả dứa, người nông dân chủ yếu chở ra dọc đường quốc lộ 4D để bày bán. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài ra, diện tích dứa cũng đã giảm mạnh theo từng năm, hiện diện tích dứa của Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3 đã giảm từ 10 ha xuống còn 2 ha. Số diện tích trồng dứa đã được chuyển sang trồng cây chè hoặc cây ngô…

Từ những khó khăn, vướng mắc này chị Giàng Thị Chu, Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dứa Na Lốc 3, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) mong muốn có đầu ra ổn định cho sản phẩm dứa, có chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân trồng dứa. Để người dân tiếp tục duy trì, nhân rộng diện tích trồng dứa, bởi đây là cây trồng của địa phương từ hàng chục năm nay, có năng suất, chất lượng cao, giúp người dân có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem