Tội danh ông Phùng Anh Lê vừa bị khởi tố có gì đặc biệt?

Đình Việt Thứ sáu, ngày 24/09/2021 09:59 AM (GMT+7)
Theo luật sư, tội danh mà ông Phùng Anh Lê – nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội vừa bị khởi tố thuộc nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội và một số người khác về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù", theo Điều 378 Bộ luật Hình sự.

Lực lượng chức năng khám xét nhà đại tá Phùng Anh Lê. Clip: Đình Việt

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh mà ông Phùng Anh Lê vừa bị khởi tố thuộc nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391).

Tội danh ông Phùng Anh Lê vừa bị khởi tố có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ông Phùng Anh Lê hiện đã bị tước quân tịch. Ảnh: CTV.

Trong nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" nằm ở nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này) bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385.

Phân tích về tội danh mà ông Phùng Anh Lê vừa bị khởi tố, luật sư Hòe cho biết, khách thể của tội này là người có chức vụ nhưng lại xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của hoạt động tố tụng như: phải tạm đình chi điều tra, phải hoãn phiên toà; xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về chế độ giam, giữ, dẫn giải người bị giam, giữ.

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù là quyết định trả tự do trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù như: huỷ bỏ việc tạm giam, tạm giữ; thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác khi việc tạm giam vẫn còn cần thiết và chưa hết thời hạn tạm giam; trả tự do cho người bị phạt tù giam đang chấp hành hình phạt tủ trong các trại giam..

Lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù là trưởng hợp người không có thẩm quyền tha người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù nhưng vẫn ra quyết định tha cho họ.

Mặt chủ quan của tội phạm này là người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; những người có trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Về hình hình phạt, theo vị luật sư khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 378 Bộ luật hình sự, theo đó người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung tăng nặng thứ nhất được quy định tại khoản 2 Điều 378 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Khung tăng nặng thứ hai được quy định tại khoản 3 Điều 378 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, đây là hình phạt bổ sung.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 21/6, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết đơn vị đã đình chỉ công tác ông Phùng Anh Lê để làm rõ trách nhiệm liên quan quá trình tiến hành các biện pháp tố tụng đối với vụ án "Cướp tài sản" xảy ra từ năm 2016.

img

Hình ảnh 5 bị cáo trong vụ án "cướp tài sản" vào năm 2016 mà Công an Tây Hồ không xử lý hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2016, Nguyễn Hữu Tài mở cửa hàng cho vay theo hình thức "bốc bát họ" trả góp theo ngày. Sau đó, anh T. (SN 1990, ở Hà Nội) có vay của Tài 10 triệu đồng, bị "cắt" 2 triệu, chỉ được nhận 8 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, mỗi ngày anh T. sẽ trả Tài số 200 nghìn đồng (gồm cả gốc và lãi) trong thời hạn 50 ngày. Tuy nhiên, anh T. chỉ đóng 30 ngày ứng với 6 triệu đồng rồi dừng lại, còn nợ của Tài 4 triệu đồng.

Ngày 21/9/2016, Tài, Đức phát hiện anh T. đang uống nước ở An Dương (quận Tây Hồ) nhưng không dám đòi nợ. Sau đó, Tài gọi thêm 3 người tới yêu cầu anh T. trả tiền. Khi thấy anh T. bỏ chạy và hô "cướp, cướp", 5 bị cáo nêu trên đuổi theo đánh anh T., ép ngồi lên xe máy và giữ một điện thoại iPhone 5 của anh.

Khi các đối tượng đang chở anh T. đến nơi khác, xe máy của Đức hết xăng nên nạn nhân đã lợi dụng cơ hội này chạy vào trụ sở công an gần đó. Thấy vậy, một bị cáo vứt điện thoại của anh T. vào cổng trụ sở rồi bỏ về.

Sáng 22/9/2016, Tài được triệu tập tới Công an quận Tây Hồ làm việc và khai báo hành vi của mình. Tối cùng ngày, Tài bị ra lệnh tạm giữ hình sự nhưng sau đó lại được đưa ra ngoài cho người nhà đón về.

Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ mời Tài và anh T. tới trụ sở hòa giải. Tài bồi thường cho anh T. 15 triệu đồng và thay lại màn hình chiếc iPhone 5 của anh.

Cáo trạng nhận định, trong quá trình điều tra vụ án, một số cán bộ Công an quận Tây Hồ không xử lý đối tượng Tài và đồng phạm về tội "cướp tài sản" vào năm 2016.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem