Tôi đi làm xe ôm: Quy tắc “3 ải” và những luật bất thành văn

Thái Bình Thứ năm, ngày 24/11/2016 15:58 PM (GMT+7)
Trải qua hai năm đi làm nghề xe ôm sinh viên, tôi đã được bước chân vào một thế giới của những thân phận con người nhỏ bé phải bon chen, phải chấp nhận nguy hiểm… để mưu sinh.
Bình luận 0

Không hiểu “luật”, lập tức “dính đòn”

Để bắt khách ở bến xe, xe ôm được phân ra đứng ở “3 ải” rõ rệt. Ải thứ nhất là bên ngoài cổng bến vào xe khách dành cho xe ôm dù và xe có mào không đóng phí. Ải thứ hai là bên trong bến, cách bãi trả khách một trăm mét là dành cho xe ôm đã đóng phí. Ải thứ ba là ải ở nơi xe khách trả khách, ở nơi này chỉ có xe ôm của công ty thầu bến bãi được bắt khách.

img

Ảnh minh họa. Mạnh Đoàn

Vào buổi tối hoặc sáng sớm, cánh xe ôm được phép vượt qua cả “3 ải” để tự do bắt khách trong bến thì lại có một quy tắc bất thành văn từ bấy lâu nay là: Xe ôm không được chở hoặc bê vác đồ của khách ra ngoài. Vậy mà hôm nay, lại có anh xe ôm liều lĩnh chở đồ cho khách, chắc anh này mới phiêu bạt từ bến xe khác sang đây nên chưa biết luật chăng? Đốp, đốp… mấy phát bạt tai, cộng tiếng chửi hung dữ: “Mẹ mày cho mày ăn gan hùm à mà dám vào chở đồ của khách? T. đâu lấy xích ra đây xích xe nó vào”, đó là tiếng của D. béo một trong những người có mà cánh xe ôm đều sợ ở bến này.

Cậu xe ôm sợ hãi van xin nói: “Chú ơi chú tha cho cháu, cháu mới lần đầu lần sau cháu không dám nữa”. Chứng kiến cảnh đó, xe ôm và taxi không ai dám vào can ngăn vì sợ vạ lây đến miếng cơm, manh áo. Còn tôi thì muốn vào xin đỡ cho anh ấy, nhưng xin sao được khi tôi cũng chỉ mang thân phận là một thằng xe ôm quèn!

Hay trước đây, trước đây ở ngoài ải thứ nhất cổng vào bến xe, từng có một người bảo vệ biệt hiệu K “đen” vì anh ta da bị đen sạm, cao gầy nổi tiếng là chửi, đánh bất cứ ai nếu lảng vảng cản trở xe máy của hành khách vào gửi bến xe. Có lần, có chú xe ôm tên Tuấn đã ngoài năm mươi chỉ vì mải bắt khách, nên đã vượt qua cái vạch cấm bước qua do K “đen” đặt ra nên đã bị thụi mấy phát vào lưng và kèm câu chửi “Biến, không phải chỗ của mày ở đây”. 

Đau đớn và nhục nhã khi bị một thằng chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu cư xử vậy, chú Tuấn tức giận nói: “Mày có giỏi thì đánh chết tao đi, để tao khỏi phải làm cái nghề này”. Cánh xe ôm thấy vậy, liền lao vào can ngăn chú ra và thì thầm với chú: “Chú ơi, thôi mình làm cái nghề này thì nhẫn nhịn nó đi, còn vợ, còn con ở nhà trông vào mình nữa mà chú”.

Sau này khi K “đen” bị đuổi việc, cánh xe ôm mừng ra mặt.

Cạnh tranh khốc liệt

Nghề xe ôm là cái nghề kiếm tiền tươi thóc thật, lại có vẻ khá đơn giản vì chỉ cần có một chiếc xe máy đổ đầy bình xăng cộng công sức là có tiền. Nên người già nhàn rỗi đi làm xe ôm, người trẻ không có công việc ổn định cũng đổ xô đi làm xe ôm… Vì thế số lượng xe ôm nói chung và xe ôm hoạt động tại các khu vực bến xe nói riêng, ngày càng tăng lên chứ không có giảm.

img

Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Mọi người rỉ tai nhau rằng, kể cả khi có “luật” phải làm vé gửi xe ở bãi mất 20.000 đồng/ngày mới được vào trong bên bắt khách thì số lượng tại bến xe nơi tôi làm vẫn lên đến 300 người. Đó là chưa kể đến các loại xe có mào (xe đồng hồ) như Văn Minh, Thân Thiện, Hoàng Sa… nữa thì khó mà đếm được.

Không chỉ cạnh tranh về số lượng xe ôm, mà giờ đây cánh lái xe ôm còn phải cạnh tranh với chất lượng loại hình xe ôm khác… với giá rẻ hơn rất nhiều, hành khách lại được ngồi xe ngon, xe đẹp nữa.

Hỏi chuyện mấy lái xe Grabbike tôi biết được rằng, chỉ cần có điện thoại hệ điều hành android và xe máy còn mới là đi làm được. Đi chở khách xong, nếu chiều về có khách gọi đến tổng đài mình lại được cuốc về, nên xe ôm Grabbike mới có giá rẻ như vậy.

Cánh xe ôm dù, thú thực mất một lượng khá lớn khách cũng vì thế…

(Còn nữa)

* Bài viết nêu quan điểm riêng của bạn đọc. Sử dụng ảnh minh họa, nguồn Internet. Tít bài do Dân Việt đặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem