TP.HCM: Nhiều chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan ca mắc Covid-19

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 28/06/2021 14:14 PM (GMT+7)
Nhiều chợ tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19. Các chợ còn lại căng mình phòng dịch, nơi phát phiếu, nơi chăng dây, kiểm soát chặt chẽ ra vào.
Bình luận 0

Tính đến sáng 28/6, nhiều chợ tại TP.HCM đã phải tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19.

Nhiều chợ tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động

Từ 0h hôm nay (28/6), hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) bắt đầu tạm dừng trong vòng một tuần để đơn vị quản lý thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm dừng hoạt động do ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 và nhiều ca liên quan các chợ khác.

Chợ đầu mối Hóc Môn có diện tích 8,5ha với 2 nhà lồng, 360 sạp với 265 thương nhân chính, lao động thường xuyên làm việc khoảng 4.500 người, cùng 12.000 lượt khách mỗi đêm. 3 ngành hàng chính của chợ đầu mối Hóc Môn là thịt gia súc, rau củ và trái cây. Trung bình lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm khoảng 2.500 - 2.700 tấn, cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM và các tỉnh lân cận.

TP.HCM: Nhiều chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan ca mắc Covid-19 - Ảnh 1.

Chợ đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động từ hôm nay (28/6) để thực hiện công tác phòng dịch. (Ảnh: Nguyên Vỹ).

Trong thời gian chợ tạm ngừng hoạt động, thương nhân sẽ linh hoạt thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách. Ngoài ra, hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức cũng sẽ "chia lửa", trực tiếp nhận hàng từ các tỉnh, thành đổ về thay vì tập kết ở chợ đầu mối Hóc Môn, nhằm đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt.

Nhiều chợ truyền thống nằm rải rác tại nhiều quận cũng phải tạm thời ngưng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19.

Chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) cũng là một trong những "điểm nóng" khi ghi nhận 93 trường hợp mắc Covid-19 là tiểu thương, người nhà và người dân sống gần chợ. Các ca nhiễm trên xuất phát từ 3 tiểu thương đến chợ đầu mối Hóc Môn, sau đó cho kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện chợ Sơn Kỳ với hơn 22.000 cư dân sinh sống trong khu vực đã bị phong tỏa.

Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng phải đóng cửa để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và tiểu thương vì liên quan một ca nghi mắc Covid-19 từng đến đây mua hàng.

Lực lượng chức năng đã tạm thời đóng cửa chợ Hòa Hưng (quận 10) và chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng do liên quan ca nghi mắc Covid-19. Tiểu thương, người dân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát.

Ngoài ra, nhiều chợ khác như chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8)… cũng đã tạm đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19.

Hôm 27/6, lực lượng chức năng đã khử khuẩn chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) - chợ đầu mối có quy mô lớn nhất TP.HCM. Từ 1 bốc xếp tại chợ này mắc Covid-19, đến nay ghi nhận 32 ca nhiễm liên quan. Hiện chợ vẫn hoạt động bình thường, thắt chặt kiểm soát ra vào. Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) đã lấy mẫu toàn bộ tiểu thương khi một người bán mắc Covid-19, chợ vẫn hoạt động bình thường, thắt chặt ra vào đi chợ.

Các chợ còn lại căng mình phòng dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều ca nhiễm liên quan các chợ, ban quản lý nhiều chợ tại TP.HCM đã chủ động thực hiện hàng loạt các biện pháp để phòng dịch.

Tại chợ Bình Thới (quận 11), ban quản lý chợ đã áp dụng phát phiếu ra vào để điều tiết, hạn chế người vào bên trong mua sắm nhằm đảm bảo không quá 200 người mua hàng cùng lúc bên trong. Đầu giờ sáng, người dân trong khu vực sẽ xếp hàng chờ đến lượt để đi chợ, đến nay, họ đã quen với cách ứng biến này để phòng dịch.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, cho biết tính đến nay có hàng chục nghìn phiếu đã được phát cho người dân trong khu vực. Trên mỗi phiếu có ghi số thứ tự, thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể và mã QR để lực lượng kiểm tra, đảm bảo an toàn trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.

TP.HCM: Nhiều chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan ca mắc Covid-19 - Ảnh 3.

Chợ truyền thống phân luồng chỉ để một lối vào để điều tiết mua sắm bên trong. (Ảnh: Hồng Phúc).

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương, cũng đã yêu cầu với chợ có mật độ mua sắm đông, nguy cơ lây nhiễm cao có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, tính toán áp dụng các phương án phát phiếu, tổ chức cho thương nhân kinh doanh luân phiên, xen kẽ để đảm bảo giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách phù hợp.

Đến nay, các chợ truyền thống tại TP.HCM cũng đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người như trước. Cụ thể, tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ tiểu thương kinh doanh hàng không thiết yếu, phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ để phân luồng lối ra vào và tập trung nhân lực kiểm soát khu vực chính nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Đồng thời, bố trí khu vực giữ xe cho khách đi chợ, triển khai phương án phân luồng, di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách vào chợ bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1,5mét cho người dân khi mua sắm.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định: Cơ quan quản lý sẽ căn cứ tình hình thực tế, việc đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ trên địa bàn để xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem