TP.HCM: Phân loại rác tại nguồn vẫn còn bất cập

Bạch Dương Thứ năm, ngày 08/04/2021 14:35 PM (GMT+7)
Hiệu quả của phân loại rác thải tại nguồn rất lớn, TP.HCM cũng đã từng triển khai phân loại. Nhưng trên thực tế, công tác này còn nhiều bất cập và kết quả hoàn toàn không như mong muốn. Nguyên nhân tại sao?
Bình luận 0

Tại tọa đàm khoa học về "Nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác: Quản lý rác thải và các giải pháp truyền thông", mới diễn ra tại TP.HCM vào cuối tháng 3/2021, ThS Nguyễn Ngọc Lý, - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - đã nêu lên một thực trạng hiện nay:

Đó là hành động bỏ rác chỉ chiếm 1% trong tổng số hoạt động hàng ngày của con người. Nhưng để xử lý rác, thì cực kỳ tốn kém.Từ tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý đến tiền đất, tiền quản lý.

"Đáng nói là với một khoản tiền cố định đóng cho nhà nước mỗi tháng, chúng ta muốn xả rác bao nhiêu thì tùy thích. Trong khi đó, ở một số quốc gia, xả rác bao nhiêu thì phải trả tiền thu gom rác bấy nhiêu" - bà Lý nhận định.

TP.HCM: Phân loại rác tại nguồn vẫn còn bất cập  - Ảnh 1.

Chính quyền phường 7, quận 5, TP.HCMĐổi quà tặng cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Chấn Đức

Lấy dẫn chứng từ Hàn Quốc, bà Lý cho biết, rác được phân loại và bỏ vào các túi màu xanh, màu vàng khác nhau. Mỗi loại rác đi vào các nhà máy khác nhau. Các túi này được sản xuất theo quy chuẩn của nhà nước.

Rác được bỏ trong những túi này mới được thu gom, nếu người dân không thực hiện đúng sẽ bị phạt rất nặng. Đồng thời, mức thu tiền rác tính theo số lượng rác thải ra, người nào xả rác nhiều sẽ tốn nhiều tiền, nên người dân rất ý thức.

Tại TP.HCM đã từng thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên hiệu quả không cao. Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, có nhiều nguyên nhân; trong đó có việc người dân phân loại xong thì cuối cùng cũng dồn về một chỗ rồi đem chôn lấp.

Cùng với đó, hiện Việt Nam chưa có một quy chuẩn, quy định mang tính pháp lý nào đối với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Tại nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ra thị trường phải đóng góp một khoản cố định để xử lý rác thải.

TP.HCM: Phân loại rác tại nguồn vẫn còn bất cập  - Ảnh 3.

Xử lý rác thải đang là nỗi lo và sự quan tâm hàng đầu ở TP.HCM. Ảnh: Chấn Đức

Đây được coi là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng. Đồng thời cũng có những quy định cụ thể về việc bắt buộc phải sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác thải.

Bà Lý nói, cho đến hiện nay, những nước tiến bộ như Hàn Quốc, Nhật Bản… xem việc phân loại rác tại nguồn là cực kỳ quan trọng. Theo bà Lý, nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn và có những biện pháp tái sử dụng, thì TP.HCM có thể giảm được 30% lượng rác phải xử lý mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết: Những năm qua, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn.

TP.HCM: Phân loại rác tại nguồn vẫn còn bất cập  - Ảnh 5.

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM đang thực hiện quy trình xử lý rác thải nguy hại. Ảnh: Chấn Đức

Hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải theo hướng bền vững gắn với mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị thông minh bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, bảo đảm 100% chất thải rắn phát sinh được thu gom và xử lý đúng.

Đến năm 2025 đạt 80% rác thải được phân loại tại nguồn, giảm lượng rác thải phải chôn lấp, 20% còn lại sẽ được tái chế, thu hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem