Trồng giống ngô mới mười bắp như một, nông dân Phú Thọ thu gần 40 triệu đồng/ha

Hoan Nguyễn Thứ hai, ngày 01/01/2024 18:25 PM (GMT+7)
Ngô biến đổi gen trồng ở đất bãi huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) sinh trưởng, kháng sâu bệnh, chống đổ rất tốt. Đặc biệt, trồng ngô này mất ít công, nhưng cho năng suất cao, bắp đều chằn chặn, lõi nhỏ, hạt to, mẩy, vàng ươm.
Bình luận 0

Ngô biến đổi gen nhiều ưu điểm

Những năm gần đây, sản xuất ngô tại các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) không ngừng phát triển. Tuy chủ yếu là các giống lai thuần chủng cho năng suất, nhưng khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của sản xuất ngô.

Cả bãi ngô biến đổi gen, mười bắp như một, hạt to, mẩy vàng ươm - Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá mô hình khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen 8282s trên địa bàn xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: N.H

Bởi vậy, bắt đầu từ vụ đông 2023, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba đã phối hợp với Công ty TNHH Bayer trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen 8282S tại xã Đỗ Sơn; phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam trồng khảo nghiệm giống ngô lai đơn F1 NK6275 tại xã Lương Lỗ.

Sau quá trình canh tác, ngày 30/12/2023 vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba đã tổ chức hội nghị đánh giá đầu bờ các mô hình khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen.

Kết quả cho thấy, giống ngô biến đổi gen 8282S trồng tại xã Đỗ Sơn và giống ngô lai đơn F1 NK6275 tại xã Lương Lỗ có nhiều ưu điểm vượt trội. Cụ thể, sau khi gieo trồng, giống ngô thể hiện khả năng thích nghi rộng, tỷ lệ nảy mầm cao; khi phun thuốc trừ cỏ một lần lên toàn bộ diện tích, cỏ được diệt trừ cơ bản đến khi thu hoạch… 

Điều này đã giúp cây ngô hấp thu hoàn toàn chất dinh dưỡng mà không bị cỏ dại cạnh tranh. Trong khi đó, các giống ngô thường phải làm cỏ bằng tay, nên việc quản lý cỏ dại không triệt để, cỏ dại vẫn tiếp tục tái sinh cạnh tranh thức ăn với ngô.

Cả bãi ngô biến đổi gen, mười bắp như một, hạt to, mẩy vàng ươm - Ảnh 2.

Không chỉ có khả năng sinh trưởng mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, giống ngô biến đổi gen còn được đánh giá cao, góp phần tạo nguồn thực phẩm đạt chất lượng hữu cơ và mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn các giống ngô khác. Ảnh: H.N

Qua so sánh từ giai đoạn trổ cờ đến khi thu hoạch cho thấy, ruộng trồng các giống ngô biến đổi gen sinh trưởng, phát triển đồng đều, có bộ rễ khỏe mạnh, cây ngô to mập, số lá xanh trên cây dày, cứng và nhiều hơn. Trong khi đó, ruộng trồng ngô đối chứng thân cây nhỏ, lá đã khô vàng.

Ngô biến đổi gen giúp nông dân tăng thu nhập

Mặt khác, giống ngô biến đổi gen 8282S còn có ưu điểm vượt trội là khả năng chống đổ rất tốt, không bị sâu đục thân suốt từ đầu vụ đến lúc thu hoạch. Khi thu hoạch, giống ngô này cho bắp to, dài, đóng hạt kín đầu bắp, có năng suất cao từ 240 - 250kg/sào (đạt khoảng 67 tạ/ha), cao hơn các giống ngô lai khác người dân đang trồng ở địa phương.

Đối với giống ngô lai NK6275, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được đạt hơn 1,5 triệu đồng/sào (tương đương gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng gần 10 triệu đồng/ha). Ngoài ra, ưu điểm của giống ngô này là khi thu hoạch bắp đã chín nhưng thân và lá vẫn còn xanh có thể tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các giống ngô biến đổi gen không tốn nhiều công chăm sóc, dễ bẻ bắp, dễ tách hạt và tỷ lệ tách hạt cao nên bà con nông dân giảm được rất nhiều công chăm sóc và chi phí kéo theo.

Cả bãi ngô biến đổi gen, mười bắp như một, hạt to, mẩy vàng ươm - Ảnh 3.

Mô hình trồng giống ngô lai đơn F1 NK6275 tại xã Lương Lỗ. Ảnh: H.N

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba cho biết, qua khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen 8282S ở xã Đỗ Sơn và giống ngô lai đơn F1 NK6275 ở xã Lương Lỗ hoàn toàn phù hợp với khí hậu và chất đất ở đây, nên cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt.

Các giống ngô biến đổi gen mới đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm vượt trội nổi bật so với giống ngô đối chứng; giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con. Đặc biệt, việc sử dụng giống ngô ngày sẽ giúp giảm thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nông dân tham gia sản xuất.

"Từ hiệu quả kinh tế cao của các giống ngô biến đổi gen sẽ nâng cao nhận thức, tư duy của bà con để từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện nay, huyện Thanh Ba đang tuyên truyền và xây dựng cơ chế hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người nông dân để mở rộng diện tích gieo trồng" - bà Thảo nhấn mạnh.

Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba cho biết thêm, trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và đưa các giống mới cho năng suất cao hơn nữa. Từ đó, giúp người dân huyện Thanh Ba nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng đến phát triển kinh tế từ nông nghiệp một cách bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem