Trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3 hay từ 367-550 triệu m3, vì sao có sự chênh lệch về số liệu?

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 29/09/2023 16:29 PM (GMT+7)
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, trữ lượng cát ở đáy sông vùng ĐBSCL là từ 367 – 550 triệu m3. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3.
Bình luận 0

Trưa 29/9, tại TP.Cần Thơ, WWF Việt Nam phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu về trữ lượng cát ở ĐBSCL.

Trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3 hay từ 367-550 triệu m3, vì sao có sự chênh lệch về số liệu? - Ảnh 1.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam thông tin về trữ lượng cát vùng ĐBSCL. Ảnh; Huỳnh Xây

WWF Việt Nam cho biết, hiện nay, trữ lượng cát ở đáy sông vùng ĐBSCL là từ 367 – 550 triệu m3. Tổng trữ lượng cát này được tính toán chủ yếu dựa trên lớp cát di động.

Để tính được trữ lượng cát hiện có ở đáy sông vùng ĐBSCL, nhóm nghiên cứu WWF Việt Nam đã tiến hành đo đạc trên sông Tiền và sông Hậu bằng kỹ thuật đo đạc địa chấn tầng nông.

Kết quả, đầu nguồn sông Tiền và sông Cổ Chiên có trữ lượng cát cao nhất, tiếp theo là sông Hậu. Trữ lượng cát thấp hơn đáng kể ở hạ nguồn sông Mê Kông và sông Hàm Luông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện tại, trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

Theo WWF Việt Nam, việc công bố kết quả nghiên cứu về trữ lượng cát ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc quản lý khai thác cát bền vững, xây dựng một kế hoạch giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương của vùng trước biến đổi khí hậu và các tác động của con người.

Trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3 hay từ 367-550 triệu m3, vì sao có sự chênh lệch về số liệu? - Ảnh 2.

Tổng quan về khảo sát địa chấn tầng nông ở ĐBSCL để ước tính trữ lượng cát (hình trên cùng bên phải) và một ví dụ về khảo sát đo sâu hồi âm đa tia chi tiết (hình chính) thể hiện các đụn cát, trong trường hợp này, tại gần Tân Châu (sông Tiền), sát biên giới Campuchia. Ảnh: WWF Việt Nam

Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3, trong khi WWF Việt Nam công bố trữ lượng cát ở vùng này là từ 367 – 550 triệu m3.

Nguyên nhân sự khác biệt giữa 2 con số này là do mục đích và quy mô tính toán trữ lượng cát khác nhau.

Riêng về phía WWF Việt Nam, theo ông Huy Anh, nhóm nghiên cứu tập trung vào trữ lượng của lớp cát di động trên toàn bộ lòng chính của sông Tiền và sông Hậu.

"Đây là toàn bộ cát có ở bề mặt đáy sông được vận chuyển từ thượng nguồn trong thời gian hàng trăm năm. Tuy nhiên, lưu ý rằng, không có nghĩa là tất cả lượng cát này có ý nghĩa kinh tế để khai thác bởi có những khu vực độ dày tầng cát di động có thể khai thác nhưng có những khu vực quá ít, không thể khai thác" - ông Huy Anh chia sẻ.

Đại diện đối tác của WWF Việt Nam cho biết, có thể trữ lượng cát sông được các địa phương vùng ĐBSCL tính toán dựa trên các mỏ cát cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem