Trump áp chiến lược mới trên bàn cờ Syria?

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ hai, ngày 02/04/2018 15:26 PM (GMT+7)
Các câu hỏi đang nổi lên ở Washington về vai trò của Mỹ trong tương lai ở Syria sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu đóng băng viện trợ tái thiết đất nước Trung Đông đồng thời nhấn mạnh khả năng quân đội Mỹ có thể sẽ sớm rút khỏi đây.
Bình luận 0

Dấu hiệu Trump muốn Mỹ rút khỏi “vũng lầy” Syria

img

Tổng thống Trump

Ngày 1.4 mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định "đóng băng" hơn 200 triệu USD tiền quỹ tái thiết cho Syria.

"Theo yêu cầu của Tổng thống về việc xem xét lại mọi viện trợ quốc tế, chúng tôi tiếp tục đánh giá lại các cấp độ viện trợ phù hợp và cách sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả nhất", ABC News dẫn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.

Trong khi đó, "CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ xác nhận ông Trump còn đề nghị cung cấp thêm thông tin khoản tiền 200 triệu USD đang được chi tiêu ra sao.

Khoản tiền viện trợ nhằm phục vụ những dự án hạ tầng cơ sở căn bản như tái thiết điện, nước, xây lại đường. Hồi tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson đã cam kết về khoản tiền trên tại một hội nghị của liên minh toàn cầu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng diễn ra tại Kuwait. Tuy nhiên, ông Tillerson đã bị Tổng thống Trump cách chức ngày 13.3.

Quyết định đóng băng viện trợ tái thiết Syria của ông Trump được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ông muốn quân đội Mỹ sớm rút khỏi đất nước Trung Đông này. Hiện 2.000 binh sĩ Mỹ đang đóng ở Syria.

Ông Trump cho rằng, Mỹ đã lãng phí tới 7.000 tỷ USD vào các cuộc chiến tại Trung Đông và hứa hẹn sẽ tập trung nguồn chi tiêu của Mỹ trong tương lai vào việc tạo thêm việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất quán với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của mình.

Tính toán của Mỹ khi rút khỏi Syria

img

Một đoàn xe thiết giáp của Mỹ di chuyển gần làng Yalanli, ở ngoại ô phía tây của thành phố Manbij, miền bắc Syria ngày 5.3.2017.

Mặc dù vẫn còn chưa rõ bao giờ Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria nhưng một câu hỏi đặt ra là, lý do gì khiến ông Trump đưa ra quyết định như vậy.

Phải chăng là vì chiến dịch quân sự quá tốn kém khiến Washington giờ đây gánh không nổi hay là vì nguyên nhân nào khác, chẳng hạn như liên quan đến thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo một số nhà quan sát, hồi tuần trước, Ankara tiết lộ vừa đạt được một thỏa thuận chung về vấn đề Manbij với Washington và rằng phía Ankara đang chờ đợi Mỹ thực hiện thỏa thuận đó.

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm cách mở rộng chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở vùng Afrin (Aleppo, Syria) tới các khu vực khác do người Kurd kiểm soát về phía Đông, trong đó có thành phố Manbij. Nếu tấn công Manbij, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải “đối đầu” với binh sĩ Mỹ.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần hối thúc Mỹ rút quân khỏi thành phố Manbij. Tuy nhiên, Washington khẳng định sẽ không bỏ rơi đồng minh người Kurd.

Mặc dù, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác tin cho rằng Washington đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại thành phố Manbij, song hiện nay, tại Syria IS rõ ràng suy yếu rõ rệt sau khi mất đi phần lớn phạm vi lãnh thổ (điều mà ông Trump đã nhấn mạnh tuần trước) nên vai trò của người Kurd đối với Mỹ vốn cũng đã không còn quá quan trọng.

Theo đó, không loại trừ khả năng Washington “âm thầm” từ bỏ đồng minh người Kurd để củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để Ankara ngả về phía Nga.

Hơn nữa. trong bối cảnh Nga và chính quyền của Tổng thống Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria, nếu Mỹ vẫn ở lại Syria, không những sẽ tiếp tục lún sâu vào cuộc nội chiến, mà thậm chí còn chẳng được gì khi bước vào giai đoạn đàm phán tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến. Vì lẽ đó biện pháp tốt nhất của Mỹ lúc này là thông qua đàm phán, rút quân đội khỏi Syria, qua đó đảm bảo cho Mỹ ở vào vị trí chủ động và có lợi trong bàn cờ Syria thời kỳ hậu chiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem