“Trưởng thôn” Văn Hiệp giã biệt xóm làng...

Thứ tư, ngày 10/04/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vai diễn gần nhất của ông “trưởng thôn” Văn Hiệp là trong phim truyền hình “Cụ tổ hiển linh” chiếu dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi. Có ai ngờ, đó là vai diễn cuối cùng của ông mà khán giả được xem...
Bình luận 0

Sáng 9.4, giới nghệ sĩ sân khấu bàng hoàng khi nghe tin nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi vào lúc 5 giờ vì bệnh đại tràng - một căn bệnh đã đeo đuổi ông nhiều chục năm nay, luôn khiến ông ốm o, gầy còm...

img
“Ông trưởng thôn” Văn Hiệp với chiếc điếu cày - hình ảnh thân thuộc trong trí nhớ của nhiều khán giả, bạn bè.

Chẳng bao giờ buồn...

Cứ tưởng ông nghệ sĩ bé nhỏ, dẻo dai lúc nào cũng cười ấy rồi sẽ trụ lại được, qua những khổ đau, qua những bệnh tật, nhưng sức người có hạn, chúng ta rồi cũng phải vĩnh biệt ông, trong một ngày Hà Nội trở lạnh. Với những người làm báo như chúng tôi, ông là một người bạn lớn.

Khi tôi mới vào nghề, bắt đầu với những bài báo “chân dung nghệ sĩ” bỡ ngỡ đầu tiên trên NTNN, gặp được những nhân vật như ông là một điều hạnh ngộ. Vì ông nổi tiếng, ông là nghệ sĩ lão làng nhưng xuề xòa vui tính vô cùng. Với các phóng viên trẻ, hễ hẹn gặp mà không phải lúc ông đang đi đóng phim bận rộn ở đâu đó, ông thường cười giòn tan bảo: “Chúng mày cứ đến quán nước vỉa hè 37 Mai Hắc Đế, ngày nào chú chả ngồi ở đó”.

“Văn Hiệp 2 lần làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT thì đều bị loại. Lý do của hội đồng là các vai diễn của Văn Hiệp... nghiệp dư và chưa có đủ các huy chương cần thiết. Điều này quá là thiệt thòi cho anh. Tôi đề nghị Bộ VHTTDL cần phải truy tặng danh hiệu cho anh!

Nhớ mãi là tiếng cười của ông, khơ khơ khơ..., nhẹ bỗng sự đời, ai gặp cũng phải ấn tượng. Tiếng cười ấy, cộng với một gương mặt đầy những “ngoặc đơn ngoặc kép” xếp la liệt, một đôi mắt nheo nheo lúc vui tươi, khi bí ẩn đầy nghi hoặc là những ấn tượng rõ nhất về ông mà tôi mãi mãi ghi sâu trong tâm trí mình.

Văn Hiệp thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên của sân khấu kịch VN, cùng lứa với những nghệ sĩ tài danh như cố NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh... Đang học lớp 10 thì ông bạn Doãn Châu (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) rủ ông đi thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh.

Văn Hiệp nhận lời, vì cái thú đam mê xem kịch đã ăn vào máu ông của cả một thời tuổi thơ trèo rào vào xem lén kịch ở Nhà hát Lớn. Ngoại hình chẳng có, thấp bé, chẳng đẹp trai, Văn Hiệp không có cách nào khác là lấy khả năng diễn xuất để bù vào, rồi lần lượt chinh phục những đạo diễn khó tính nhất của làng sân khấu.

Vai diễn của ông trên sân khấu nhỏ thôi, nhưng ông luôn làm ra “chất”, bởi ông phải đào sâu suy nghĩ, phải tìm cách sao cho từng động tác, mỗi lời nói phải như một chiếc đinh đóng định hình tính cách. Nhưng bởi cái số “vai phụ” nên ông chẳng mấy khi được giải, một danh hiệu ghi nhận cho công lao đóng góp cả đời cho sân khấu, cũng chẳng có. Mà ông cũng chẳng buồn.

“Trưởng thôn” của khán giả

Lúc nào ông cũng vui vẻ, không oán thán ai, không hờn trách ai đã không để ý tới những đóng góp của mình, ông đã viết bài thơ “Nghệ sĩ giun” để tự an ủi mình. Đọc đoạn thơ này, bao giờ tôi cũng rất xúc động: “Đất và giun và rất nhiều giun/Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm/Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non/Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”.

Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942 tại Hà Nội, thuộc thế hệ đầu tiên học tại Trường Sân khấu - Điện ảnh… Ông gắn bó cả đời với Nhà hát Kịch Việt Nam và thành công trong rất nhiều vai diễn trên truyền hình.

Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp sẽ được tổ chức vào hồi 10 - 11 giờ 30 ngày 11.4, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Với khán giả cả nước, Văn Hiệp được yêu quý bởi ông đã làm được một vai diễn lớn nhất đời, đó là “ông trưởng thôn”. Từ ông trưởng thôn nghiêm ngắn trong phim “Người vác tù và hàng tổng” mở miệng ra là “Xét một cách toàn diện”, cho đến ông trưởng thôn nhí nhố với Giang Còi - Quang Tèo ở “Gặp nhau cuối tuần” đều tuyệt.

“Tuyệt” đến nỗi nếu không phải Văn Hiệp với vóc dáng nhỏ thó, chiếc áo bay bạc màu và chiếc mũ nhà binh mất sao, gương mặt lúc nghiêm nghị lúc hớn hở... mà là một ai khác thì nhất quyết khán giả không thể nào tin đó là ông trưởng thôn của họ.

Khán giả yêu ông đến độ mang thuốc lào cho ông hút, làm điếu cày cho ông rít. Một đời nghệ sĩ, có được niềm yêu thương đó kể cũng là hãnh diện.

Từ nay sẽ không còn “Nghệ sĩ giun” Văn Hiệp rít điếu cày giòn tan và phả khói mơ màng giữa những cảnh quay nữa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem