Nuôi loài chuột sợ ồn ở chuồng tối, bán 1,8 triệu/cặp

Thứ ba, ngày 11/12/2018 13:15 PM (GMT+7)
Cách làm kinh tế từ nuôi dúi (hay còn gọi là chuột nứa) thương phẩm và bán con giống của anh Quách Văn Thạch ở ấp Việt Tân, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân quanh vùng, bởi vốn đầu tư ít, hạn chế rủi ro khi nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Dúi (còn gọi là chuột nứa) là động vật hoang dã có vú, thường sống trong các gốc tre, trúc hoặc nứa. Ở môi trường tự nhiên, dúi rất giỏi đào hang trú ẩn, đi kiếm ăn ban đêm, còn ban ngày trốn trong hang. Dúi hiếm khi mắc bệnh, lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày cũng rất ít nên dễ nuôi trong môi trường nhân tạo.

img

Anh Quách Văn Thạch giới thiệu cặp dúi sinh sản.

Sau khi đăng ký với cơ quan kiểm lâm, anh Thạch đưa dúi tự nhiên vào thuần chủng tại chuồng và mua giống người dân đã nuôi về nhân giống dần. Chuồng nuôi loài chuột nứa này khá đơn giản với diện tích 50m2, nền lát gạch, được chia thành nhiều ô nhỏ, mái phủ kín bằng lá không cho ánh sáng lọt vào chuồng. Bên ngoài, anh Thạch trồng thêm cây ăn trái tạo bóng mát và độ ẩm cho chuồng. Dúi rất sợ tiếng ồn, khói, nước, ánh sáng gắt nên người nuôi cần lưu ý những yếu tố này.

Thức ăn của dúi chủ yếu là thân cứng và rễ các loại cây thuộc họ tre. Ngoài ra, có thể cho ăn mía, rau, củ, quả, lúa, khoai mì, cỏ voi... 1 ngày, dúi trưởng thành tiêu thụ khoảng 200g thức ăn. Trong quá trình sinh sản cần cho dúi mẹ ăn thêm bắp. Việc vệ sinh chuồng trại nuôi dúi cũng rất đơn giản, chỉ cần dọn 2 lần/tuần.

Anh Thạch cho biết: “Dúi mẹ thường đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con. Dúi thương phẩm nuôi khoảng 8 tháng, nặng từ 1,3-1,5kg có thể xuất bán. Hiện giá bán dúi thương phẩm dao động từ 750-850.000 đồng/cặp, dúi giống khoảng 1,8 triệu đồng/cặp”. Với 50m2 chuồng nuôi, anh luôn duy trì khoảng 50 con dúi trưởng thành và sinh sản, thu lợi nhuận mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Theo anh Thạch, khó khăn nhất trong nuôi dúi hiện nay là việc chọn giống tốt để sinh sản những con dúi thương phẩm chắc thịt. Vì vậy anh Thạch đang phải nhập giống từ những trang trại có uy tín ở tỉnh Đắk Lắk. Do diện tích nuôi nhỏ nên số dúi giống mà anh Thạch nuôi được vẫn không đáp ứng đủ cho các hộ dân quanh vùng.

Anh Thạch mong được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ thành lập tổ hợp tác nuôi dúi nhằm mở rộng quy mô để người dân trên địa bàn có thêm một loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cũng như hỗ trợ nông dân trong vùng chuyển đổi vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Huy Anh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem