Vào rừng nuôi cả trăm con ăn lá cây, vươn lên thoát nghèo

Đồng Lai Chủ nhật, ngày 30/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
Anh anh Bùi Văn Sỹ ở thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã vào rừng lập trại nuôi đàn dê cả trăm con để làm giàu. Nhiều người bảo anh Sỹ có mô hình chăn nuôi hiệu quả bởi chả đàn dê của anh chủ yếu ăn lá rừng, uống nước lã...
Bình luận 0

Sở hữu mô hình nuôi dê lớn nhất huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với số lượng lên đến hàng trăm con, anh Bùi Văn Sỹ ở thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình, vươn lên làm giàu. Vượt qua gần 4km đường rừng, chúng tôi tìm đến lán trại nuôi dê của vợ chồng anh Bùi Văn Sỹ, vừa đến nơi đã được anh Sỹ dẫn đi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình. Hệ thống chuồng dê được anh chia thành 2, gồm một chuồng dê cái sinh sản và một chuồng dê thịt thương phẩm.

img

Đàn dê cả trăm con của anh Bùi Văn Sỹ ở thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh (Chợ Đồn).

Chia sẻ về quá trình lập nghiệp anh Sỹ cho biết: Trước đây anh đã trải qua nhiều nghề vất vả, từ làm ruộng đến nuôi bò, trồng cây ăn quả…nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, anh luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp để thay đổi cuộc sống gia đình.

Nhận thấy vùng đất của gia đình xa khu dân cư, thuận lợi về nguồn nước lại là đồi rừng thoải sẵn có nguồn thức ăn dồi dào cây cỏ từ tự nhiên nên rất phù hợp với phát triển chăn nuôi dê. Năm 2015, anh Sỹ đã bắt tay vào làm chuồng trại, nuôi khởi đầu 25 con dê cái sinh sản làm vốn.

Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, anh Sỹ đã tìm đến học tập kỹ thuật chăm sóc dê với một kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi và học hỏi kinh nghiệm qua các mô hình chăn nuôi dê ở nhiều địa phương và trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đến nay đàn dê của anh có 100 con, lúc đông nhất lên đến 150 con.

Để có được kết quả đó, mọi khâu từ chọn con giống đến cách chăm sóc, làm chuồng trại anh đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Theo anh Sỹ, dê là loài động vật không ưu độ ẩm cao nên chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt.

Thức ăn của dê ngoài cỏ, lá cây, lá rừng thì chúng còn ăn các loại phụ phẩm như: chuối, lá ngô và ngô… nên ngoài việc chăn thả anh còn trồng thêm ngô để bổ sung dinh dưỡng cho đàn dê. Để đàn dê sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, việc áp dụng đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng, trung bình 2 ngày anh phun thuốc khử trùng một lần, phun thuốc diệt muỗi mỗi tuần một lần xung quanh khu vực chuồng dê.

Trong mỗi chuồng trại anh còn treo đá liếm khoáng để bổ sung các loại khoáng vi lượng cần thiết giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, hạn chế bệnh đường ruột giúp đàn dê khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Hướng tới chăn nuôi dê thịt thương phẩm nên anh đã tìm đến trang trại dê giống ở tỉnh Vĩnh Phúc mua dê Boer (dê Nam Phi) để lai giống với dê cái sinh sản của gia đình, mỗi năm anh thay con giống một lần nhằm đảm bảo dê cái sinh sản đạt số lượng, dê con khỏe mạnh.

2 năm nay, anh Sỹ luôn duy trì nuôi 50 con dê cái sinh sản, mỗi năm dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Đối với dê đực, sau khi cai sữa anh chăn tách đàn, nhốt chuồng riêng nuôi vỗ béo khoảng 5 tháng mỗi con nặng 25-30kg thì đem bán, giá dê hơi 110.000 đồng/kg, mỗi tháng anh bán từ 5-6 con dê thịt thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Tổng thu nhập từ nuôi dê của gia đình anh Sỹ (chưa trừ chi phí đầu tư) đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, anh có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, hướng tới mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại với số lượng từ 300-400 con.

Hiện nay, quy mô chuồng trại của anh Sỹ ngoài dê cái sinh sản còn có dê Bách thảo, dê lai và số ít dê cỏ địa phương. Đầu ra của dê núi rất thuận lợi, vì thịt dê núi ngon, chất lượng đảm bảo nên các chủ buôn thường tìm đến tận nơi mua.

Cùng với nuôi dê, thấy lợi thế đất vườn rộng anh còn trồng thêm 3ha quế, 200 cây xoan, trong đó những cây trồng từ năm 2009 đã cho khai thác. Hiện tại, anh đang tiến hành trồng 200 cây ăn quả gồm cam, bưởi, nhãn nhằm phát triển đa dạng mô hình của gia đình. 

Nhìn những con dê mập mạp, khỏe mạnh, thực sự cảm phục công sức, sự quyết tâm, kiên trì của người nông dân Bùi Văn Sỹ. Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, không cần vốn đầu tư lớn, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình, rất cần được nhân rộng ở địa phương./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem