TS.Đinh Trọng Thịnh: "Rượu, bia rẻ nên vui, buồn người Việt đều dùng đến"

Lê Thúy (thực hiện) Thứ ba, ngày 14/05/2019 08:37 AM (GMT+7)
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hạn chế sử dụng rượu, bia tăng thuế thôi chưa đủ mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đi kèm. Đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý của cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, góc nhìn chuyên gia đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

img

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới. Theo ông nguyên nhân do đâu?

- Tôi phải khẳng định rằng, Việt Nam là 1 quốc gia cực kỳ lạm dụng rượu, bia. Sở dĩ tốc độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt tăng nhanh trong thời gian vừa qua phải kể đến một số nguyên nhân căn bản như sau:

Thứ nhất, do thói quen sử dụng rượu bia như “truyền thống” có từ lâu đời của người Việt Nam. Kể cả lúc vui hay lúc buồn thì người Việt đều dùng đến rượu, bia. Đặc biệt, trong vòng 10 năm trở lại đây khi nền kinh tế phát triển, đối sống của người dân được cải thiện thì “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhu cầu sử dụng bia, rượu của người dân cũng theo đó gia tăng mạnh mẽ hơn. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ và dễ mua. Hàng quán nào cũng có thể bán mà không có bất cứ quy định, tiêu chuẩn nào. Vì vậy, bất kỳ khi nào, thời điểm nào, số lượng ra sao, người dân có nhu cầu đều được đáp ứng. Trong khi nhiều nước trên thế giới để được phép uống rượu, bia rất khó khăn. Một số nước siết ngay từ khâu phân phối, tức là với các siêu thị thì giá bia có thể bình thường nhưng ở quán nhậu, cửa hàng thì giá bia cao chót vót.

img

Hình minh họa

Tôi cũng phải nói thêm rằng, lĩnh vực kinh doanh rượu, bia được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh có biên lợi nhuận cao so với nhiều ngành nghề kinh doanh khác của Việt Nam.

Hiện tại, dù nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% từ năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018 nhưng với lượng tiêu thụ liên tục gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng. Vì vậy, thời gian qua đã có không ít tổ chức và cá nhân đã đầu tư rất lớn, đại trà vào sản xuất kinh doanh rượu, bia. 

Nếu như trước đây cả nước chỉ có một vài doanh nghiệp sản xuất rượu bia thì nay hầu như tỉnh thành nào cũng có nhà máy bia, công ty sản xuất rượu. Đây là dẫn chứng cho thấy, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất bia, rượu bây giờ nhiều như thế nào? 

Không có cầu thì không có cung nhưng có cung cũng kích thích cầu. Đó cũng là 1 phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nhanh về nhu cầu sử dụng rượu bia của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.

Việc lạm dụng quá mức đối với rượu bia đã dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường trong thời gian qua. Chúng ta đã có không ít giải pháp để giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia nhưng vì sao vẫn chưa phát huy được hiệu quả, thưa ông?

- Đúng là Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia trong một vài năm trở lại đây khi dấu hiệu lạm dụng rượu, bia của người dân trở thành vấn đề đáng báo động. Trong đó, giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với mặt hàng này là một trong những giải pháp được cơ quan quản lý chú trọng.

Về nguyên tắc, nếu muốn hạn chế mặt hàng nào đó thì Nhà nước sẽ tăng thuế. Biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất, vừa thu ngân sách vừa để giảm nhu cầu tiêu dùng. Trên thế giới đã có trên 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán. Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia.

Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với nước chỉ cấm quảng cáo rượu.

Tại Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng rượu, bia không năm nào là không được điều chỉnh tăng. Hiện tại, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu là 35%, với bia là 65%. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay của Việt Nam với rượu, bia còn thấp so với thế giới.

Điều đó cho thấy, chủ trương có nhưng việc chúng ta làm chưa triệt để nên hiệu quả của chính sách không cao.

Nói như vậy có nghĩa rằng, cứ đánh thuế càng cao sẽ giải quyết được bài toán tiêu thụ rượu bia quá mức của Việt Nam đúng không thưa ông?

- Tôi xin khẳng định rằng, chính sách về giá và thuế sẽ là chìa khóa then chốt để giảm lượng sử dụng rượu, bia của người dân trong nước. Đánh thuế cao vào rượu bia để giá cao lên. Giá cao chắc chắn ít người sử dụng hơn. Người sử dụng ít, nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, cá nhân cũng sẽ giảm theo.

Thế nhưng, không có nghĩa rằng cứ tăng thuế, tăng giá là có thể giải quyết được tận gốc của vấn đề này. Muốn đi đến tận gốc của vấn đề, chúng ta cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu. Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ…

img

Một trong những giải pháp tôi nhấn mạnh ở đây là công tác quản lý thị trường của nhà quản lý phải nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Hiện tại, việc sản xuất bia, rượu còn tràn lan, quá dễ dàng. Nhiều sản phẩm rượu, bia trôi nổi sử dụng trên thị trường.

Cũng chính vì chúng ta không kiểm soát, quản lý được những vấn đề này nên dẫn tới tình trạng buôn lậu, trốn thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu, bia như trong thời gian qua. Thử hỏi, trong thời gian vừa qua, có bao nhiêu sản phẩm bia rượu cung cấp ra thị trường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Tôi chắc chắn rằng, lượng được đánh thuế rất ít so với mức rượu, bia cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng sử dụng.

Sản phẩm trôi nổi không kiểm soát được, tăng thuế nhưng doanh nghiệp tìm cách trốn thuế, nếu như thế dù chúng ta có tăng thuế thêm vài chục phần trăm cũng không giải quyết được gốc rế của các vấn đề liên quan đến nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân trong thời gian qua. Chỉ khi nào chúng ta quản lý tốt thì các giải pháp, chính sách mới phát huy được hiệu quả.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay Bộ Công thương của chúng ta cũng còn yếu về việc quản lý đối với kinh doanh và sử dụng rượu bia. Chúng ta cũng nên có quy định cụ thể, những người đủ điều kiện mới có quyền sử dụng và người bán phải có giấy phép, có điều kiện mới được cung cấp rượu, bia ra thị trường. Tại các nước khác, kinh doanh rượu bia cũng phải có giấy phép. Nếu xảy ra sai phạm sẽ xử phạt rất nặng, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Chúng ta cũng cần phải giáo dục sao cho người bán sợ bị tước giấy phép và người uống cũng sợ bị phạt.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để mỗi người tự ý thức được những hệ quả xấu mà bia rượu gây ra thì lúc đó tự động người dân sẽ hạn chế hoặc không sử dụng những sản phẩm này. Lúc đó mới hạn chế được tình trạng tiêu thụ bia rượu một cách khủng khiếp như hiện nay.

Vâng xin cảm ơn ông!

Forbes dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017, cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ... Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào 2017, tương đương tăng 70%.

Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Mức tăng tại Ấn Độ là 37,2%.

Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít.

Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem