TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 6): "Nuôi gà chọi" thế nào mới chuẩn?

Đức Hiếu Thứ sáu, ngày 06/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Tại Olympic Tokyo 2020, không phải đoàn thể thao nào cũng cử nhiều VĐV đến tranh tài, nhưng họ vẫn biết cách tạo dấu ấn đậm nét về thành tích. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong những thành công này chính là chất lượng của những gương mặt xuất hiện tại Thế vận hội.
Bình luận 0

1 điểm xuất phát, 2 đích khác nhau

Tại Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu ở 2 nội dung 200m tự do nữ và 800m tự do nữ. Kết quả rất đáng thất vọng dù không quá bất ngờ: Ánh Viên bơi 200m tự do nữ hết 2 phút 5 giây 30, xếp hạng 26/29 và bơi 800m tự do nữ hết 9 phút 3 giây 56, đứng "đội sổ" ở vị trí 30/30. Đáng buồn hơn, Ánh Viên là người duy nhất bơi 800m tự do nữ với thành tích hơn 9 phút trong số 30 kình ngư tranh tài.

Trong khi đó, Siobhan Haughey, một VĐV của Hong Kong (Trung Quốc) đã giành 2 HCB ở các nội dung 100m và 200m tự do nữ. Sự thăng hoa của Haughey là rất đáng ghi nhận bởi cô phải nỗ lực vượt qua vô số tên tuổi lớn của làng bơi lội thế giới.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 1.

Ánh Viên đã thi đấu không tốt và sa sút nhiều so với chính cô trước đây. Ảnh: SGGP

Có điểm gì đáng chú ý trong thất bại của Ánh Viên và thành công của Haughey? Ngược dòng thời gian, cách đây 7 năm, tại giải trẻ thế giới ở Athens (Hy Lạp), Haughey dù rất nỗ lực cũng chỉ về nhì ở nội dung 200m hỗn hợp nữ. Người đã đánh bại Haughey thời điểm ấy là ai? Xin trả lời: Đó chính là Ánh Viên.

Trong những năm qua, Ánh Viên và Haughey đều sang Mỹ tập huấn dài hạn. Tuy nhiên, cách mà 2 VĐV này được đầu tư lại khác nhau một trời, một vực. Haughey được tạo điều kiện tối đa để trở thành sinh viên của trường đại học Michigan, sau đó gia nhập đội tuyển bơi của trường để đủ điều kiện dự các giải thuộc hệ thống NCAA. Nên nhớ, hệ thống này chính là cái nôi đào tạo nên những kình ngư hàng đầu của Mỹ.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 2.

Haughey đã giành 2 HCB môn bơi lội tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: The Japan Times.

Còn Ánh Viên thì sao? Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã khẳng định: "Ánh Viên là một thiên tài, một thiên thần mà ông trời đã ban cho thể thao Việt Nam". Nhưng thiên tài ấy rốt cục chỉ mượn bể bơi, cơ sở tập luyện ở Mỹ. Còn bài tập, chương trình huấn luyện lại được thiết kế bởi HLV Đặng Anh Tuấn.

Với sự khác biệt hoàn toàn khi so sánh cùng Haughey, Ánh Viên dù vẫn đủ sức giành HCV tại "ao làng" SEA Games, nhưng hoàn toàn đuối sức khi bơi tại "biển lớn" Olympic. Nói dễ hiểu hơn, dù có tài, nhưng việc phải "tự bơi" đã khiến một thiên tài như Ánh Viên trở nên thui chột một cách đầy đau xót.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 3.

Quá trình đào tạo đúng hướng tại Mỹ đã giúp Haughey có được thành công. Ảnh: Generation.

Độc đáo như Bermuda

Đến với Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Bermuda chỉ có vẻn vẹn 2 VĐV: Flora Duffy thi đấu 3 môn phối hợp nữ và Dara Alizadeh ở môn đua thuyền. Với số lượng VĐV quá khiêm tốn như vậy của đảo quốc Bermuda, không ít người nghĩ rằng họ chỉ đến Thế vận hội cho "đủ mâm, đủ bát".

Nhưng kết quả lại khiến tất cả bất ngờ: Bermuda giành được 1 HCV và người lập nên chiến công đó là Flora Duffy. Ở nội dung 3 môn phối hợp, Duffy chỉ mất 1 giờ 55 phút 36 giây để hoàn thành các phần thi bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy 10km.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 4.

Duffy đã thăng hoa và giành HCV đầy ấn tượng tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Tri247

Ở tuổi 33, Duffy đã là một bà mẹ 2 con và chẳng ai nghĩ cô có thể tạo nên thành công rực rỡ đến như vậy. Các con số thống kê chỉ ra rằng, khi còn trẻ trung và có thể lực sung mãn, Duffy đã thi đấu chẳng ra sao tại 3 kỳ Thế vận hội trước. Cô không hoàn thành bài thi tại Olympic Bắc Kinh 2008, chỉ về thứ 45 tại Olympic London 2012 và tới Olympic Rio 2016.

Nhưng cũng chính những thành tích như vậy lại cho thấy, Duffy ở Olympic sau luôn mạnh mẽ, hoàn hảo hơn Olympic trước. Cuối cùng, tại Olympic Tokyo 2020, cô đã chính thức trở thành nữ hoàng ở nội dung thi đấu của mình.

Trên thực tế, Duffy không dự Olympic Tokyo 2020 chỉ để cho vui. Cô đã có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng và rất nghiêm túc chinh phục đỉnh cao. Ít ai biết rằng, Duffy có bố mẹ là người Anh và cô cũng từng được chèo kéo về thi đấu cho đội trẻ của Anh kèm theo lời hứa hẹn sẽ có điều kiện tập luyện tốt hơn và chế độ đãi ngộ cao hơn. Nhưng Duffy đã nói "Không". Cô khẳng định, mọi thứ ở Bermuda quá tốt để có thể tranh tài ở đẳng cấp cao nhất.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 5.

Duffy khẳng định cô được đầu tư tốt và tự hào khi thi đấu cho Bermuda. Ảnh: The Japan Times

Ngoài ra, chính Duffy thừa nhận, cô luôn tự hào khi được thi đấu cho Bermuda. Duffy cũng cho rằng, cô được đầu tư đúng mức và luôn đủ tự tin để cải thiện thành tích thi đấu của mình. Chắc chắn, Duffy không nói đùa bởi cô đã từng bước vươn lên từ thất bại để đứng trên ngôi "nữ hoàng".

Bao giờ hết cảnh "cố gắng thắng chính mình"?

Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 18 VĐV. Nhìn vào những gương mặt đến Nhật Bản, không khó để nhận ra rằng, rất ít người có khả năng cạnh tranh huy chương, kể cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016).

Trao đổi với Dân Việt, VĐV thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành chia sẻ: "Tôi nghĩ, sự đầu tư, hỗ trợ của ngành thể thao cho các CĐV là tương đối tốt, nhưng chúng tôi đã không gặp may mắn dẫn tới kết quả thi đấu không tốt như mong đợi".

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 6.

Đinh Phương Thành gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Ảnh : Zingnews.

Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy các VĐV Việt Nam chưa nhận được kế hoạch đào tạo bài bản, dài hơi và có tính hiệu quả cao để thi đấu với phong độ cao nhất tại Olympic. Nhiều năm qua, thể thao Việt Nam có chiến lược "nuôi gà chọi" theo kiểu đầu tư trọng điểm vào một vài gương mặt xuất sắc. Cách làm này giúp họ thi đấu tốt tại SEA Games hoặc phần nào đó là ASIAD, nhưng rõ ràng chưa đủ để vươn tới việc cạnh tranh huy chương một cách sòng phẳng ở Olympic.

Chính vì vậy, các VĐV Việt Nam thi đấu tại Thế vận hội thường nhận theo "thông điệp" quen thuộc là... "cố gắng vượt qua chính mình". Đáng lo hơn, sau khi các "gà chọi" này qua thời đỉnh cao hoặc sa sút phong độ, việc tìm kiếm nhân tố kế cận cho họ là vô cùng khó khăn.

Nuôi "gà chọi" thế nào mới chuẩn? - Ảnh 7.

Hidilyn Diaz mang về tấm HCV lịch sử cho Philippines tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Ở Olympic Tokyo 2020, ngoài Bermuda, có những đoàn thể thao tham dự với ít VĐV, nhưng vẫn giành được huy chương như San Marino, Bắc Macedonia, Fiji, Kosovo. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Thái Lan, Philippines đều đã có HCV, Malaysia cũng giành được HCĐ. Việc đoàn thể thao Việt Nam trắng tay rõ ràng một lần nữa đặt ra những dấu hỏi lớn cần câu trả lời và hành động cụ thể từ những người có trách nhiệm để việc việc cạnh tranh huy chương Olympic không còn mang tính cầu may nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem