Từ loạt bài điều tra của Báo NTNN/Dân Việt: "Cây gậy vàng" bảo vệ chim hoang dã ở Việt Nam

Doãn Hoàng Thứ hai, ngày 13/05/2024 08:30 AM (GMT+7)
Điều chúng tôi vui nhất không phải là các giải thưởng mà là hiệu ứng của tác phẩm, cũng như việc chúng tạo tiền đề quan trọng cho chúng tôi có những đóng góp ngoài trang viết, với tư cách là những người yêu và có tâm với thiên nhiên của đất nước.
Bình luận 0

Tôi lâu nay cũng ít nhiều "có duyên" khi tham gia ở tuyến đầu trong nhiều sự kiện, loạt bài mang tính bước ngoặt, tạo hiệu ứng cho hoạt động ngăn chặn nạn xâm hại môi trường, phá rừng, sát hại muông thú hoang dã… 

Trong số đó, loạt phóng sự điều tra "Đột kích các tổng kho tàn sát chim trời ở Việt Nam" (đăng trên Báo NTNN và Báo Điện tử Dân Việt) là một trong những dấu mốc quan trọng và ấn tượng nhất.

Hiệu ứng mạnh mẽ sau loạt bài

Gần đây, đi theo tiếng gọi và nhan sắc của các loài chim thú, tôi đã dành quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho "vực thẳm của sự quyến rũ" (tên một bài viết) thông qua việc đi khắp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới để chiêm ngưỡng, thưởng lãm, chụp ảnh chúng. 

Những bộ máy ảnh hiện đại nhất, những chuyến đi dốc cạn sức mình, dần dà có người hóm hỉnh gọi tôi là nhà "chim học". Thế nên, đôi lúc, tôi đã nghĩ, công cuộc bảo vệ chim hoang dã Việt Nam, với tôi, là một hành trình số phận. Tất cả bắt đầu từ tuyến bài điều tra kể trên.

Từ loạt bài điều tra của Báo NTNN/Dân Việt: "Cây gậy vàng" bảo vệ chim hoang dã ở Việt Nam- Ảnh 1.

Loạt bài điều tra về việc bắt và tận diệt các loài chim hoang dã phục vụ cho nhu cầu ẩm thực. Ảnh: Báo NTNN

Với các chuyến đi châu Phi, điều tra, thị sát và đắm đuối với vẻ đẹp trác tuyệt của chim thú hoang dã, rồi gặp - trò chuyện các VIP (nhân vật quan trọng) của thế giới, nghe họ nói về công tác bảo tồn, tôi đã được "giác ngộ". 

Từ các bài phóng sự độc quyền trên Báo NTNN/Dân Việt, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc: Ngoài bắt giữ, xử lý các sai phạm, các chiến dịch ra quân quy mô lớn, kèm theo đó ý thức duy trì chiến dịch thay vì chỉ khua chiêng gõ mõ.

Thế rồi, đi dọc Việt Nam, tôi gặp những "vựa" kinh doanh, các chuỗi nhà hàng thương hiệu lớn (giàu kếch xù) có chi nhánh ở khắp nơi, thi nhau bán hàng nghìn thậm chí cả vạn cá thể chim mỗi ngày để làm đặc sản bàn tiệc". 

Những con diệc xám, ngỗng trời hay bồ nông nặng 2-3kg, những chú sâm cầm "tiến vua" trị giá tiền triệu (ngoài chợ đen) xếp la liệt và bị giết mổ hàng loạt… Những thực đơn chim hoang dã mà nghe tên thôi, nhìn lũ lượt khách ăn rào rào tấp nập kia thôi, bất kỳ người nào yêu bảo tồn, yêu chim hoang dã đều cảm thấy đắng lòng, tê tái, xót xa. Riêng tôi thì thấy xấu hổ với bạn bè quốc tế, khi họ ra công viên, giơ tay ra đã thấy chim, sóc bò sà tới, bò lên… thân thiết, vui tươi!

Chúng tôi quyết định vào cuộc, nhập vai điều tra, vào đến tận cùng hang ổ các "tổng kho hành quyết chim trời" trên 12 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Chúng tôi kiến nghị lên Cục Kiểm lâm - Bộ NNPTNT, lên Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ TNMT, chúng tôi tố cáo tới kiểm lâm và công an các địa phương, dẫn đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Việt Nam và các chuyên gia đi "xem" cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ ra sao. 

Chúng tôi cũng phối hợp, cung cấp thông tin để lực lượng chức năng "đột kích", xử lý các ổ nhóm lớn nhất, tịch thu chim hoang dã đã cấp đông đem tiêu huỷ, các cá thể chim còn sống thì chữa trị bệnh tật cho chúng rồi thả về với bầu trời tự do.

Từ các bài phóng sự điều tra trên Báo NTNN/Dân Việt, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc: Ngoài bắt giữ, xử lý các sai phạm, các chiến dịch ra quân quy mô lớn, kèm theo đó ý thức duy trì chiến dịch thay vì chỉ khua chiêng gõ mõ. 

Tuyến bài của Báo NTNN đã nhận được hồi âm mạnh mẽ từ Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, các chuyên gia uy tín cùng góp tiếng nói làm sao chống lại tội phạm môi trường (bắt, bẫy, giết, buôn bán, tàng trữ, sử dụng thịt chim trời), đồng thời có chính sách hiệu quả và lâu dài nhằm giúp "chim hoang dã" không trở thành "chỉ còn trong cổ tích". 

Tuyến bài được trao giải Nhất trong cuộc thi báo chí điều tra bảo vệ các loài động vật hoang dã VIEWS ARWARDS. Cũng năm đó, nhóm phóng viên Báo NTNN thực hiện loạt bài này lại được "gọi tên" nhận giải A và giải B cuộc thi báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hai năm trao một lần), trong đó tuyến bài "Đột kích…" nhận giải cao nhất.

Thước đo giá trị tờ báo

Điều chúng tôi vui nhất không phải là các giải thưởng mà là hiệu ứng của tác phẩm, cũng như việc tác phẩm tạo tiền đề quan trọng cho chúng tôi có những đóng góp ngoài trang viết, với tư cách là những người yêu và có tâm với thiên nhiên của đất nước.

Bản thân người viết bài là diễn giả có bài diễn thuyết tại một hội thảo ở TP.HCM, với sự tham dự của nhiều vị quan khách, chính trị gia, đại sứ, tuỳ viên các quốc gia và các nhà bảo tồn danh tiếng, các doanh nhân, giới báo chí về chủ đề trên.

Từ loạt bài điều tra của Báo NTNN/Dân Việt: "Cây gậy vàng" bảo vệ chim hoang dã ở Việt Nam- Ảnh 2.

Những loài chim hoang dã bị đánh bắt phục vụ cho nhu cầu của thực khách. Ảnh: Nhóm PV

Chúng tôi được các tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới mời đi dọc Việt Nam nói chuyện với cán bộ bảo tồn, giảng viên, sinh viên nhiều trường đại học. Chúng tôi cùng các nghệ sỹ yêu thiên nhiên, các nhà khoa học, đơn vị tổ chức lữ hành khám phá thiên nhiên Việt Nam tiếp xúc và đưa tư liệu kiến nghị tới các đơn vị, bộ, ngành để xúc tiến việc ra quyết sách đích đáng bảo vệ khẩn cấp các loài chim hoang dã.

Với cái nhìn rộng hơn, chúng tôi cũng đã trực tiếp dẫn đội trưởng đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) bay từ Hà Nội vào TP.HCM, về Long An triệt phá các "địa ngục chim trời" ở huyện Thạnh Hoá. Hàng vạn con chim hoang dã bị tàn sát, bán công khai ven quốc lộ. Chim quý, chim trong sách đỏ, các loài chim độc lạ nhập lậu từ nước ngoài… bán tất, giết tất. Họ vét cạn thiên nhiên để kiếm lời.

Khi lực lượng công an và kiểm lâm ập vào xử lý các "tổng kho" nhốt chim trời ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, khi công an ở Nghệ An đi phá lưới và bẫy chim, khi đội đặc nhiệm vào xử lý các vi phạm ở chợ chim Thạnh Hoá, tịch thu tang vật, lập chuyên án, các đối tượng trong các vụ việc trên đều chửi bới, doạ dẫm, thậm chí ném đá vào phóng viên...

Nhưng từ tận đáy lòng, vẫn có niềm vui và sự kiêu hãnh nghề báo ở đó. Rằng, chúng tôi đã lấy thước đo giá trị tờ báo của mình, bài báo của mình, ngòi bút của mình là… làm được gì đó hữu ích cho cộng đồng. Các bài báo đã lan toả và giúp xã hội tốt đẹp.

Trong hành trình đi khắp nơi thăm ngắm, chụp ảnh, quay phim các loài hoang dã của mình, tôi vẫn được đồng nghiệp, bà con, cán bộ nhắc: "Ông nhà báo này bảo vệ chim trời dữ lắm". Chúng tôi đã kiến nghị tới chính quyền nhiều địa phương, từ làng, xã, huyện, tỉnh để làm sao thực thi luật pháp tốt nhất, thay vì thờ ơ coi "chim trời cá nước", mạnh ai nấy bắt. 

Tôi cũng từng được một đồng chí Phó Cục trưởng mời lên trò chuyện, đưa tư liệu, để các bộ, ngành cùng có thêm tư liệu, hoàn thành dự thảo Chỉ thị về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư trên cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành. Thư mời lên nói chuyện "Góp ý vào Dự thảo trình Thủ tướng", có đoạn nguyên văn như trên, bất giác tôi cũng thấy tự hào và có niềm tin rằng các nỗ lực của mình đã không vô nghĩa.

Ít lâu sau, ngày 17/5/2022, Chỉ thị 04/CT – TTg ("Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam") ra đời

Đây là "bảo kiếm" để bảo vệ các loài chim ở Việt Nam, là bước ngoặt quan trọng, một căn cứ mấu chốt để các ngành, các cấp, toàn dân tham gia bảo vệ các loài chim vốn được coi là quà tặng đặc biệt của tạo hoá cho thiên nhiên, đất trời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem