Đề xuất cấm bán rượu, bia cho người “có biểu hiện say”

PV Thứ sáu, ngày 25/05/2018 17:31 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát trong khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ rượu, bia.
Bình luận 0

Cụ thể, Điều 8 Dự thảo Luật đã đề xuất cấm khuyến mãi rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí.

Đồng thời, cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên và có các hình thức hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ.

Theo ban soạn thảo luật, chính sách kiểm soát quảng cáo bia (cấm hoàn toàn, hoặc hạn chế một phần) cũng đã được áp dụng ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

Cụ thể như, tại 47 quốc gia đã cấm hoàn toàn trên truyền hình  quảng cáo bia, 51 quốc gia hạn chế một phần về nội dung, thời gian, địa điểm. 34 quốc gia cấm hoàn toàn, 43 quốc gia hạn chế một phần quảng cáo trên báo, tạp chí in.

img

Dự thảo luật đề xuất khung thời gian được phép bán rượu, bia. IT

Đối với quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu bia, dự thảo đề xuất không được bán bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, dự thảo luật đề xuất không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia.

Khung thời gian bán rượu bia đang được đưa ra 3 phương án. Phương án 1: chỉ được bán từ 11h00 – 14h00 và từ 17h00 – 22h00; Phương án 2: chỉ bán từ 6h00 – 22h00 trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế, các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 3 đề xuất thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết, căn cứ theo yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia mới được tổ chức, ông Paul Ariol, đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Phòng thương mại châu Âu cho rằng dự luật cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Một là, tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp, bao gồm các sản phẩm sản xuất thủ công, nhập lậu, giả, chất lượng kém nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hai là, thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng thông qua tuyên truyền và giáo dục ở cấp cơ sở như trường học, cộng đồng địa phương, và trong gia đình. Ba là, tăng cường thực thi pháp luật thông qua kiểm tra, giám sát thường xuyên và các chế tài nghiêm ngặt.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2014, lượng rượu, bia nằm ngoài kiểm soát chiếm đến 70% tổng lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trên thị trường. Một nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội được công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng 75% lượng đồ uống tiêu thụ trên thị trường là những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công (74%), đồ uống có cồn nhập lậu và giả, các loại rượu, bia không đăng ký, không có nguồn gốc rõ ràng.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các vấn đề về sức khỏe và xã hội cũng có mối liên hệ mật thiết đối với việc tiêu thụ các sản phẩm rượu, bia nằm ngoài kiểm soát.

Còn theo đại diện của Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, ngành nước giải khát hiện đang chịu mức thuế suất cao, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% trên giá bán và thuế nhập khẩu từ 45%-55%.

Trong hai năm gần đây số thuế phải nộp cho các sản phẩm rượu, bia nhập khẩu tăng đã gấp đôi. Năm 2017 toàn ngành đã đóng góp hơn 50 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ nên xem xét tận dụng tối đa nguồn thu ngân sách này thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp thêm vào một Quỹ Nâng cao sức khoẻ hay nộp thêm các khoản phụ thu thuế.

Được biết, hai mục tiêu chính đặt ra đối với dự luật này là nâng cao sức khỏe của người dân và phòng, chống những vấn đề xã hội gây ra bởi lạm dụng rượu bia như bạo lực gia đình, uống rượu khi lái xe, gây rối trật tự công cộng,...  Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, dự luật này được tiếp cận từ góc độ sức khỏe cộng đồng và xã hội, chứ không phải từ góc độ thương mại.

Tuy nhiên, phần lớn các quy định tập trung vào hạn chế các hoạt động thương mại thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khoẻ cộng đồng hay giải quyết các vấn đề xã hội như uống rượu khi lái xe, bạo lực gia đình, hoặc gây rối trật tự xã hội.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng cồn nguyên chất tiêu thụ của Việt Nam là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên WHO. Còn Bộ Y tế cho biết với tỉ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam là 77% nam/11% nữ (thế giới là 48%/29%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem