Tiêu chuẩn điều tra viên trong quân đội

Thứ bảy, ngày 20/01/2018 12:35 PM (GMT+7)
Điều tra viên gồm các ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp và đều phải là sĩ quan quân đội nhân dân.
Bình luận 0

Bộ Quốc phòng vừa ban hành thông tư 299/2017/TT-BQP có hiệu lực từ 30/1, quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức điều tra viên và cán bộ điều tra trong quân đội nhân dân.

Điều tra viên là người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự. Điều tra viên gồm các ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Tiêu chuẩn điều tra viên được quy định cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 

- Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ đại học an ninh, đại học cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

- Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự.

- Đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều tra viên sơ cấp

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 4 năm trở lên.

- Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.

Điều tra viên trung cấp

- Đã là điều tra viên sơ cấp ít nhất 5 năm;

- Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động điều tra của Điều tra viên sơ cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm điều tra viên cao cấp

- Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 5 năm;

- Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;

- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;

- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

Miễn nhiệm, cách chức điều tra viên, cán bộ điều tra

- Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ.

- Miễn nhiệm chức danh khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; đương nhiên bị mất chức danh khi bị kết tội bằng bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị kỷ luật bằng hình thức tước quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân.

- Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, điều tra viên, cán bộ điều tra có thể bị cách chức danh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; Vi phạm quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra bình sự; Bị kỷ luật bằng hình thức cách chức, giáng chức; Vi phạm về phẩm chất đạo đức.

Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ủy quyền cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức điều tra viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp và cán bộ điều tra.

Phạm Dự (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem