Từ vụ mẫu cá nhiễm phenol: Liệu ai ăn được hơn 400 kg cá?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 14/06/2016 14:16 PM (GMT+7)
Ngày 14.6, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, phenol là chất độc nhưng có thể tan trong nước. Phải ăn 400-800 kg cá có hàm lượng phenol 0,037mg/kg mới có nguy cơ tử vong. "Liệu có ai ăn 400-500 kg cá?", ông Thịnh đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Theo PGS Thịnh, không có thực phẩm nào là không có độc. Vì thế, đừng tìm thấy chất độc trong thực phẩm lại la hoảng. “Thực phẩm an toàn không phải thực phẩm không có hoá chất độc hại mà là có hoá chất độc hại trong giới hạn cho phép. Vì thế, điều đáng quan tâm khi tìm thấy chất độc trong cá là xem hàm lượng ấy có đủ gây hại cho người dân khi ăn hàng ngày hay không. Liệu có ai ăn 400-500 kg cá?” - PGS Thịnh chất vấn.

PGS Thịnh phân tích, với hàm lượng 0,037mg/kg cá, 1 gia đình 4 người ăn hết 1 kg cá có phenol thì chia đều cũng chỉ có 0,009mg ngấm vào cơ thể 1 người. Đây là lượng phenol rất nhỏ, có thể dễ dàng bài tiết qua da, nước tiểu nên không có khả năng gây ngộ độc cho người dân.

Trước đó, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã phân tích, theo các tài liệu nghiên cứu thế giới, hàm lượng phenol có thể khiến 50% vật thí nghiệm (chuột) có thể tử vong là 300-900mg/kg thể trọng. Như vậy, một người có thể trọng 50kg thì “ăn” 15.000  - 45.000mg phenol mới có nguy cơ tử vong. Nếu cá có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg thì cần ăn 400-800 kg cá này mới có thể bị tử vong.   

img

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định phải ăn 400-1.200 kg cá có hàm lượng phenol 0,037mg/kg mới có nguy cơ tử vong.

“Phenol là chất độc nhưng có thể tan trong nước, bài tiết một phần qua da và nước tiểu nên ăn lượng nhỏ không quá đáng ngại” - ông Thịnh nhận định.

Tuy nhiên, PGS này lại cho biết, phenol là một tổ hợp các hoá chất, có chất có độc, có chất không. Phenol trong cá đang được nói tới là C6H5OH, khác với các polyphenol – chất chống oxy hoá có lợi cho sức khoẻ được tìm thấy trong ca cao, dâu tây, táo, rượu vang đỏ, họ quả cam quýt….

Phenol C6H5OH là nguyên liệu để điều chế nhựa, dùng trong công nghiệp tơ hoá học, chế thuốc bảo vệ thực vật, dung môi sản xuất sơn, chất dẻo, nguyên liệu làm thuốc nhuộm, thuốc nổ…

Đây là chất cấm, tuyệt đối không được dùng cho thực phẩm nên không có nước nào trên thế giới quy định ngưỡng phenol an toàn trong thực phẩm. Còn tại Việt Nam, đúng như Sở Y tế Quảng Trị đã dẫn chứng, trong Quy chuẩn Việt Nam có quy định mức chuẩn phenol có trong môi trường là 0,03mg/lít nước biển và 4mg/m3 không khí.

Về việc Sở Y tế Quảng Trị bảo cá có phenol độc, Bộ Y tế nói “không đủ độc”, PGS Thịnh cho biết, hai bên đã nhìn nhận và hiểu hai vấn đề khác nhau chứ không phải mâu thuẫn. Quan trọng là không nên kết luận vội vàng, khiến người tiêu dùng hoang mang còn người sản xuất bị thiệt hại.

“Phenol là chất độc không được phép cho vào thực phẩm nhưng không có nghĩa nó tuyệt đối không xuất hiện  trong thực phẩm. Vì phenol có thể đến từ tự nhiên, nước, không khí…

Do đó, điều quan trọng là xem hàm lượng đó có đủ gây độc cho người dân nếu ăn cá hàng ngày hay không” - PGS Thịnh nhấn mạnh.

“Phenol tan trong nước. Do đó, nếu người dân vẫn lo lắng cá nhiễm phenol thì có thể mua cá đông lạnh về, rã động, ngâm và rửa sạch bằng nước lạnh nhiều lần, nếu cá có phenol sẽ tan ra nước. Nên vứt bỏ da, mô xốp như ruột, mang cá vì các bộ phận này dễ nhiễm độc” - PGS Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem