Từ vụ nước sông Đà nhiễm dầu: Ai bảo vệ nguồn nước sạch của Thủ đô?

Tố Loan Thứ năm, ngày 17/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) khẳng định: “An ninh nguồn nước đang bị thả lỏng” khi trả lời NTNN/Dân Việt về những vấn đề liên quan tới việc bảo vệ nguồn nước sạch nhìn từ cuộc “khủng hoảng” nguồn nước mà Hà Nội phải đối mặt những ngày qua.
Bình luận 0

img

PGS-TS Nguyễn Đình Hòe.

Cuộc khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội những ngày qua đặt ra câu hỏi: Vấn đề an ninh nguồn nước ở nước ta đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

- An ninh nguồn nước bao gồm nhiều mặt, trong đó chính yếu là đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cư dân và bảo đảm an toàn - vệ sinh, loại trừ các rủi ro gây hại. Nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và các chế tài được quy định tại Luật Tài nguyên nước 2012 cùng các văn bản dưới luật.

Sự cố vừa xảy ra đối với nước đầu nguồn sông Đà cho thấy an ninh nguồn nước chưa được bảo đảm, thậm chí có thể nói là rất lỏng lẻo. Thật khó tưởng tượng một xe tải lén xả chất lỏng nghi là dầu xuống đó mà không một ai hay biết. Hậu quả là dầu theo suối đổ ra kênh, vào sông, nổi váng, làm cho nước ô nhiễm, hôi và khét. Cư dân hạ lưu chính là người trực tiếp gánh chịu hậu quả đó khi phải sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn này, dù đã qua Nhà máy Nước sạch Sông Đà xử lý.

img

 Nhiều khu vực dầu mỡ đã ngấm vào bùn đất. Có khu vực lớp bùn đất chứa dầu mỡ dầy tới 20 cm. (Ảnh: Danviet)

Ông có thể nói rõ hơn quy trình bảo vệ nguồn nước được quy định trong luật như thế nào?

- Việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Các vùng bảo vệ nước đầu nguồn như hành lang bảo vệ nguồn nước, đới (vùng - PV) bảo hộ vệ sinh nguồn nước này thì công ty nước sạch sẽ lập rồi báo cáo Sở TNMT, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Luật Tài nguyên nước 2012 cũng quy định trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các cấp địa phương như sau: Đối với UBND cấp tỉnh: Xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ TNMT; tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn.

Vụ việc dầu thải nhiễm vào đầu nguồn nước sông Đà cho thấy trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và địa phương chưa cao, thậm chí buông lỏng trong việc đảm bảo an ninh cho nguồn nước rất quan trọng đối với người dân Thủ đô.

Từ câu chuyện trên, theo tôi, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về chính quyền địa phương, sau đó là trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch. Không thể nói tôi không biết rồi làm ngơ.

Qua vụ việc này, để bảo đảm an toàn tuyệt đối về nguồn nước sinh hoạt, theo ông Nhà nước có nên sở hữu, quản lý các công ty cấp nước sinh hoạt không ?

- Sông Đà, sông Hồng, sông Mã, sông Mekong, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn… là những bể chứa quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Nhiều con sông chảy vào nước ta bắt nguồn từ nước ngoài, như sông Hồng, sông Mekong. Vì thế, vận hành cơ chế liên tỉnh hay liên vùng để bảo vệ sông và an toàn nguồn nước đã rất khó, huống gì cơ chế liên khu vực và liên quốc gia.

Dù các bộ - ngành hữu trách và các tổ chức sông ngòi đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ nói trên nhưng nhìn vào thực tế thì chưa thể an tâm.

Giả định, thay vì dầu, kẻ xấu cố tình đổ hóa chất kịch độc như cyanua, thủy ngân, cadimi... xuống con suối đầu nguồn với chủ đích phá hoại thì liệu công nghệ xử lý nước hiện nay ở ta có làm sạch nổi hay không? Và thử hình dung hậu quả sẽ khủng khiếp tới mức nào.

Tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 80,6 tỷ m3, trong đó hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm).

Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thiếu nước. Chúng ta hiện có 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ m3, trong khi nhu cầu nước dự kiến đến năm 2020 của một số lĩnh vực lên tới khoảng 125 tỷ m3.

Như vậy, so với nhu cầu cấp thiết thì lượng nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào lượng nước mưa tự nhiên và nguồn cung từ các con sông.

Mấy năm nay người dân đã phải nếm trải hậu quả do tình trạng ngăn đập làm thủy điện và xả chất thải chưa qua xử lý ra sông. Thiếu nước sinh hoạt hay phải dùng nước bẩn, cư dân ở ven sông hoặc hạ lưu còn bị mất sinh kế. Từ đó thấy rằng bảo vệ an ninh nguồn nước luôn là nhiệm vụ tối quan trọng.

Việc để Nhà nước quản lý các công ty nước sạch, theo tôi là ý tưởng hay. Một số nước cũng áp dụng mô hình này nhưng họ có chế tài cụ thể và phải dựa trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước sinh hoạt.

 Xin cảm ơn PGS-TS! 

TS chuyên gia vật lý Nguyễn Văn Khải: Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan

Cả một nhà máy nước lớn như vậy, cung cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân mà không ai đi kiểm tra, biết nước bị nhiễm dầu thải cho đến khi người dân bức xúc? Do hạn chế về năng lực hay là hành động lấp liếm, coi thường sức khỏe của người dân? Có thể khẳng định sự vô trách nhiệm của Công ty Nước sạch Sông Đà thể hiện rất rõ trong vụ việc này.

Theo tôi, Hà Nội phải xác định những cá nhân nào đã không làm tròn trách nhiệm, không đảm bảo được chất lượng nước cung cấp cho người dân để xử lý nghiêm. Đối với những hộ dân đang không có nước sạch, nhà máy nước phải có trách nhiệm cung cấp từ các nguồn khác để phục vụ.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Cơ quan quản lý bị động

Việc người cung cấp dịch vụ nước sạch mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng. Thực tế ở Việt Nam, không thiếu những điều luật để xác định trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch. 

Tuy nhiên, qua sự cố này chúng ta thấy phản ứng hết sức bị động và chậm chạp của các cơ quan chức năng của Hà Nội, đặc biệt là đơn vị cung cấp nước. Công ty Viwasupco đã có nhiều tai tiếng trước đây như sự cố vỡ đường ống nước…

Việc này có thể là hệ quả của sự thiếu cạnh tranh, thiếu giám sát trong lĩnh vực nước sạch. Vai trò quản lý của cơ quan nhà nước trong việc này không có hiệu lực nên nó cứ lặp đi lặp lại. Do đó cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan...

Thành An (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem