Tự ý san gạt, mở đường lên đất rừng sản xuất sẽ bị xử lý sao?

Quang Minh Thứ năm, ngày 14/12/2023 10:44 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp người dân tự ý san gạt đất, thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất mà không thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định thì được hiểu là hành vi huỷ hoại đất…
Bình luận 0

Câu hỏi: 

Bạn đọc Thanh Hương, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội hỏi: Hành vi tự ý san gạt mở đường lên đất rừng sản xuất có vi phạm quy định và có thể bị xử phạt như thế nào? 

Trả lời:

Luật sư Luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, hành vi san gạt đất được hiểu là sử dụng phương tiện như máy xúc, máy ủi và các công cụ thô sơ khác tác động lên đất làm thay đổi kết cấu, bề mặt đất theo ý muốn của người thực hiện.

Người dân khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất đang sử dụng sang một loại đất có mục đích sử dụng khác hoặc người được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Trường hợp người dân được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất, thực hiện hành vi san gạt đất, thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất nhưg không thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định thì được hiểu là hành vi huỷ hoại đất được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tự ý san gạt, mở đường lên đất rừng sản xuất sẽ bị xử lý sao? - Ảnh 2.

Việc người dân tự ý mở đường lên đất rừng sản xuất sẽ bị xử phạt theo quy định. Ảnh: Quang Minh.

Với hành vi này, người thực hiện hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, theo đó mức phạt là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 150 triệu đồng tuỳ thuộc vào diện tích đất bị huỷ hoại. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Trường hợp người sử dụng đất trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể đối diện với tội danh vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

Với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Chưa hết, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem