Tường trình giữa bão lửa

Thứ tư, ngày 10/03/2010 12:37 PM (GMT+7)
NTNN - Cây đổ! Một tiếng hét thất thanh vang lên. Hàng chục người vội dạt ra các ngả rồi lại ùa vào thân cây đang bùng bùng lửa cháy ấy. Người dập lửa, người phạt cây, người vần gỗ khô mục ra xa đám cháy.
Bình luận 0

img
Những thân cây bị cháy xém.

Thiêu rụi những cánh rừng trăm năm

Chỉ vào những ngọn đồi đen kịt tro bụi, ngổn ngang thân, gốc cây đen nhẻm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (Sơn La), thượng tá Mai Lưu - Phó Tham mưu trưởng Đoàn B16 (Quân khu 2) cho biết: Sau hàng chục tiếng hành quân bộ, 16 giờ chiều ngày 6-3 chúng tôi mới tiếp cận được khu vực này.

Chiều hôm ấy, đứng trên đỉnh ngọn đồi trước mặt kia, tôi phân công nhiệm vụ cho anh em ngày mai phát quang đường băng cản lửa dưới chân nó để chặn đám lửa hung tàn đang lan ra. Vậy mà dựng lán trại xong, sáng 7-3, quay ra thì cả ngọn đồi đã cháy sạch. Ngọn lửa đã thiêu thêm 600-700m. Gỗ tươi, gỗ khô, cây nằm, cây đứng đều thành tro than cả, thấy mà đau lòng!

Chúng tôi tiếp tục đi theo những cán bộ chiến sĩ đang phát đường băng cản lửa tại khu đồi dốc dứng ở khu vực Háng Đề Chơ (tiếng Mông nghĩa là nơi dốc đứng có thác suối) mà anh em vừa hóm hỉnh cải biên thành cái tên mới: Háng Đợi Chờ, chứng kiến cảnh những thân gỗ cháy dang dở vừa được cứu mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp của thần lửa.

Dù khu vực làm đường băng cản lửa cách những khu vực cháy tới 50-70m nhưng chỉ loáng sau, lửa đã táp ngay cạnh người như muốn thiêu cháy lực lượng cứu hộ. Những thân cây to cả người ôm không hết vừa mới đứng san sát bên nhau mà ầm một cái là đổ gục như thân chuối bị phạt bởi dao sắc.

img
Bộ đội sư đoàn 316 - QK2 làm đường băng cản lửa ở Háng Đê Chơ. Ảnh chụp chiều 8-3.

Binh nhì Thào A Và (phân đội 7, Trung đoàn 98, Sư 316) gạt mồ hôi trán, hét bảo tôi: Coi chừng những gốc cây to! Nó có thể đổ bất cứ lúc nào, tử nạn như chơi. Chúng em vừa làm vừa phải có người canh chừng đá lăn, cây đổ, lửa bốc sang.

Chỉ trong mấy ngày nắng nóng, ngọn lửa đã thiêu trụi cả trăm ha cánh rừng già khu vực Háng Đề Chơ. Chưa thể thống kê được chính xác về diện tích rừng cháy, nhưng nhìn những lớp tàn tro và thân xác gỗ cháy dở chất lên nhau trên những cánh rừng vừa được dập lửa mà thấy xót xa, bàng hoàng. Dân quân  Vàng A Sáy thốt lên: Phải cả trăm năm nữa mới có thể khôi phục lại được cánh rừng này!

Đẩy lùi gặc lửa

 

Anh Nguyễn Văn Trang - cán bộ Kiểm lâm khu vực I (vừa lên tăng cường cho Sơn La trong dịp cháy rừng này) chỉ vào lớp đất bùng nhùng dưới chân, nói với tôi: Những chỗ mà thảm thực vật dày tới nửa mét như thế này thì dù dập được ngọn lửa trên mặt đất cũng chưa phải là hết nguy cơ tái cháy, chỉ có cách đào hào rộng và sâu mới ngăn được lửa cháy ngầm. 

Anh Trang cho biết, suốt mấy ngày qua,  lực lượng kiểm lâm luôn bám sát bộ đội để hướng dẫn, tham mưu cho công tác cứu hộ đạt hiệu quả cao. Chỗ cần đào hào, chỗ  cần phạt cây làm đường băng cản lửa; có chỗ phải lợi dụng hướng gió để đốt cho lửa cháy lan ngược trở lại. Nếu địa bàn dốc đứng thì phải làm đường băng xa chân dốc để tránh cây đổ, đá lăn vào người...

Anh Phạm Văn Phong ở đoàn Kiểm lâm khu vực I nhận định: Rừng Sơn La có nhiều thân gỗ to bị cháy ngầm, dốc đá, giao thông rất khó khăn và đặc biệt là thiếu nguồn nước, vì vậy nguy hiểm rất lớn đối với lực lượng cứu hộ. Thông tin liên lạc ở đây không có, nếu không có người bản địa dẫn đường là lạc ngay.

Cũng theo các cán bộ Kiểm lâm khu vực I, để giúp Sơn La cứu rừng, họ đã mang lên đây nhiều máy thổi gió nhưng đành để chơi, không dùng được vì địa hình dốc và thảm lá kim quá dày được tích tụ hàng trăm năm. Lực lượng kiểm lâm đành xắn tay dập lửa bằng những phương tiện thô sơ như cành cây, gậy, cuốc...

Ròng rã mấy ngày cùng dân quân, công an viên, người dân các xã, bản đi tham gia cứu rừng trở về, tôi cảm nhận được sự cố gắng tưởng chừng như kiệt sức của họ.

Cả trăm cán bộ, chiến sĩ hừng hực lao vào những nơi lửa đang bốc ngất trời với những dao, cuốc xẻng, gậy gộc. Sức người rồi cũng được đền đáp: Sau 3 ngày quần với giặc lửa, mấy trăm cán bộ, chiến sĩ quân khu 2 cùng lực lượng kiểm lâm đã từng bước khoanh vùng, hạn chế lây lan và từng bước dập tắt đám lửa rừng hung hãn. 

Chính nhờ những quyết tâm ấy mà đến chiều ngày 8-3, ngọn lửa cháy suốt mấy ngày qua tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa của Sơn La đã được khống chế và dập tắt. Hiểm nguy đã không còn đe doạ trực tiếp tới những sinh mạng và cánh rừng, những người tham gia cứu hộ có được phút nghỉ ngơi sau cả tuần căng thẳng.

Một dân quân hy sinh

Theo tin từ Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lai Châu, ngày 7-3, trong khi tham gia dập lửa cứu rừng tại địa phương, anh Lý Dẩu Quẩy, 24 tuổi, dân quân xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ đã hy sinh. Nguyên nhân ban đầu xác định, do cháy rừng xảy ra vào đêm tối, ở khu vực có độ dốc lớn nên đá từ đám cháy rừng trên khu vực đỉnh núi lăn xuống, rơi trúng người làm anh Quẩy tử vong tại chỗ. Bên cạnh đó, còn 1 thanh niên khác bị thương do vào cứu anh Quẩy bị cây rừng cháy đổ đè lên người. Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Phong Châu và chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân đã hỗ trợ gia đình anh Quẩy 20 triệu đồng, hỗ trợ nạn nhân bị thương 1 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem