Tuyên thệ nhậm chức – Nhân dân sẽ giám sát lời hứa của các vị lãnh đạo

Lương Kết Chủ nhật, ngày 10/04/2016 16:35 PM (GMT+7)
"Nếu như nhiệm kỳ sau người được bầu cũng tuyên thệ đúng như người ở kỳ trước thì nó lại trở thành hình thức chứ không phải là nghi thức. Lời tuyên thệ phải có dấu ấn của từng con người".
Bình luận 0

Lâu lắm rồi, Quốc hội và nhân dân cả nước mới được nghe những vị lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên thệ nhậm chức. Nhân sự kiện này, Dân Việt đã trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang để bàn luận sâu hơn về giá trị của việc tuyên thệ nhậm chức.

img

GS.TSKH Vũ Minh Giang.

GS Vũ Minh Giang cho rằng, từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã có việc tuyên thệ. Từ thời kỳ Hùng Vương người ta đã thấy di tích là những hòn đá thề để lại. Đến các thời đại phong kiến sau này trước mỗi dịp hệ trọng nào đó cũng diễn ra nghi thức tuyên thệ.

“Không chỉ người lên ngôi vua mà hằng năm vào một ngày nhất định nào đó nghi thức này cũng diễn ra. Ví dụ những người chức vụ cao nhất trong triều đình đã tới núi Đồng Cổ (Hà Nội) để làm lễ thề anh em đoàn kết, chung sức đồng lòng để phục vụ đất nước...”, GS Giang nói.

Cũng theo ông, nghi thức tuyên thệ đến năm 1946 cũng được thực hiện, khi được Quốc dân đồng bào (thông qua tổng tuyển cử) bầu làm Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Chính phủ được bầu thề trước Quốc dân đồng bào.

Ngoài những lời thề chung còn có lời thề thà hy sinh tất cả nhưng phải đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng (khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp).

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, cuốn sách có bìa đỏ đặt trang trọng trên bục tuyên thệ đó là quyển Hiến pháp năm 2013. Khi thực hiện nghi thức, người tuyên thệ tay trái đặt lên cuốn Hiến pháp, tay phải giơ lên và đọc lời tuyên thệ. Cuốn Hiến pháp được chuẩn bị để chuyên phục vụ cho nghi thức tuyên thệ, có kích thức khác so với những cuốn Hiến pháp in thông thường. Ông Lê Minh Thông nhận xét, quyển Hiến pháp này có thể coi là quyển Hiến pháp lịch sử khi được sử dụng trong nghi lễ tuyên thệ đầu tiên của bốn chức danh là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND Tối cao trước Quốc hội. Cuốn sách sẽ được lưu giữ để thực hiện cho những nghi lễ tuyên thệ ở các khóa Quốc hội sau.

Dưới góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, GS Vũ Minh Giang đánh giá về việc nghi thức tuyên thệ nhậm chức đã bị lãng quên cho đến nay: Có thể có người nghĩ rằng nghi thức có phần rườm rà. Sau năm 1946, dân tộc ta phải bước ngay vào cuộc kháng chiến, phải ở trong rừng sâu, núi cao. Hoặc cũng có thể lúc đó mọi người cho rằng, không phải là nghi thức này phiền hà tới mức không thể làm được, nhưng mọi người muốn suy nghĩ đơn giản đi, rằng bây giờ phải tận tâm, tận lực cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến.

Ông nói tiếp, sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đến năm 1960, chúng ta mới bầu lại Quốc hội khóa mới. Lúc đó cũng vì nhiều lý do nghi thức tuyên thệ không có nữa.

“Nói gì thì nói tôi vẫn cho rằng đó là một sơ suất, nếu không muốn nói là khiếm khuyết, có thể là do suy nghĩ đơn giản... Nhưng điều đáng mừng sau chừng đấy năm chúng ta không bỏ đi mà đã nhận thức, ở một tầm cao rằng, nghi thức đó là cần thiết. Rất nhiều nghi lễ, nghi thức trước đây chúng ta bỏ qua hết có lẽ vì cách nghĩ đơn giản rằng còn khó khăn, phải tập trung vào cái thực chất”, TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Về ý nghĩa chính trị, cũng như văn hóa của nghi lễ tuyên thệ nhậm chức, GS Vũ Minh Giang cho rằng: Đây là một nghi thức nhắc nhở những người được dân tín nhiệm bầu ra giữ những cương vị trọng trách của đất nước thì phải ý thức được rằng mình tự nguyện nhận trách nhiệm đó, tránh tình trạng làm thì ai cũng muốn có được một chức vụ nào đó nhưng khi có vấn đề gì lại nói tôi được phân công, do cấp trên giao, giờ không được phép nói như vậy.

Tuyên thệ cũng là lời cam kết của lãnh đạo trước toàn dân. Trước đây không có cam kết, bầu một vị nào lên rồi không biết vị đó nói gì, có vui vẻ nhận lời hay không. Chính vì thế tuyên thệ cũng là biểu hiện sự phản hồi trở lại của người được bầu trước nhân dân bằng một cam kết nào đó.

“Những lời tuyên thệ của những vị nguyên thủ quốc gia, người giữ chức vụ chủ chốt đều đi vào lịch sử. Sau này tất cả những điều đó sẽ được lịch sử ở giai đoạn sau soi xét”, GS Giang nói.

Một lý do nữa mà theo GS Vũ Minh Giang cũng rất quan trọng là “nghi thức tuyên thệ còn thể hiện tính chính danh, hiểu theo nghĩa đó là sự công khai, rõ ràng. Lời tuyên thệ biểu hiện một sự hành xử mà như ngôn ngữ người dân Việt Nam hay dùng đó là "đàng hoàng".

Về mong muốn có những lời tuyên thệ với nội dung cụ thể hơn, mang đậm dấu ấn cá nhân hơn nữa, GS Giang cho rằng, đó cũng là mong muốn chính đáng với người dân. Nhưng ngược lại chúng ta cũng phải hiểu chắc thời gian sau lời tuyên thệ sẽ cụ thể hơn. Nếu như nhiệm kỳ sau người được bầu cũng tuyên thệ đúng như người ở kỳ trước thì nó lại trở thành hình thức chứ không phải là nghi thức, nó phải có dấu ấn của từng con người.

“Tôi nghĩ trong một tương lai không xa, có thể như nhiệm kỳ sau lời tuyên thệ của người được bầu đứng đầu Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ sẽ khác, cụ thể hơn, mang dấu ấn đậm nét hơn. Cái đó cần phải có thời gian”, GS Vũ Minh Giang nhận định.

img

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Kể từ giờ phút này tôi xin khắc ghi lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội".

Lời tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

img

"Tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".

Lời tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

img

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", tân Thủ tướng tuyên thệ.

Lời tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

img

“Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào chiến sỹ và cử tri cả nước, tôi tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Không ngừng học tập, rèn luyện hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Lời tuyên thệ nhậm chức của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem