Úc rót 11 triệu USD nghiên cứu virus khắc tinh của cá chép

Vũ Duy (Theo RT) Thứ tư, ngày 04/05/2016 13:25 PM (GMT+7)
Trang mạng RT (Nga) đưa tin Úc sẽ chi hơn 11 triệu USD cho một nỗ lực nhằm loại bỏ loài cá chép châu Âu trên lưu vực sông lớn nhất nước này bằng việc nghiên cứu ra biến thể virus herpes, khắc tinh của loài cá chép nói trên.
Bình luận 0

Số kinh phí trên sẽ rót vào dự án loại bỏ cá chép nước ngọt tự nhiên tại lưu vực sông Murray-Darling. Đây là số kinh phí sẽ được tính vào số ngân sách liên bang công bố vào thứ Ba (3.5), các nhà chức trách Úc cho biết ngày 1.5.

Theo RT, điều thú vị là cuộc chiến với loài các chép sẽ được phát động bằng một phương tiện rất khác lạ: đó là nước sông sẽ bị nhiễm bởi loại virus đặc biệt herpes, còn gọi là virus herpes koi.

Các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khoa học liên bang Úc (CSIRO) đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm khác nhau trong gần 1 thập niên qua trên nhiều các loài vật từ gà, chuột, ếch, rùa đến rồng nước nhằm xác định độ an toàn và sự thích nghi của loại virus này trong việc đối phó với sự gia tăng của loài chép trên.

img

Loài chép châu Âu sinh sôi nhanh tại Úc. Ảnh: Reuters

Loại virus này được chứng minh là vô hại đối với con người và nhiều loài vật. Tuy nhiên, nó lại gây suy thận ở loài chép trên, chúng tấn công da và giết chết loài cá này sau khi bị nhiễm trong vòng 7 ngày.

“Loại virus này sẽ gây tỷ lệ tử vong cao ở loài cá chép thông thường và cá chép cảnh. Các loài cá khác, gồm cá vàng cũng bị ảnh hưởng loại virus nói trên”, CSIRO cho biết trên website của mình.

“Loại virus này tấn công cá chép châu Âu vào hệ thống thận, da, mang và khiến chúng ngừng thở”, Bộ trưởng Khoa học Úc Christopher Pyne phát biểu, theo kênh ABC. Bộ trưởng còn cho biết thêm: “Loài cá chép trên bị nhiễm virus 1 tuần trước khi chúng có những triệu chứng và sau đó chúng sẽ chết trong vòng 24 giờ sau đó”.

Chương trình loại bỏ cá chép nói trên của Úc dự tính sẽ được khởi động vào năm 2018 với mục tiêu loại bỏ tới 95% số cá chép này trong vòng 30 năm tới.

Dự án trên vẫn chưa thể áp dụng ngay lúc này bởi cách xử lý các xác cá chép nói trên một cách hiệu quả vẫn chưa được làm rõ. Phần lớn kinh phí nói trên sẽ dùng vào chương trình làm sạch sau đó.

Bộ trưởng Pyne cho biết: “Người ta vẫn còn tranh luận liệu cá chép bị tiêu diệt được dùng làm phân bón, thức ăn cho loài vật nuôi hay đem đi chôn vào các hố lớn hay không”.

Cá chép nói trên được coi là “thỏ nước” bởi chúng sinh sản nhanh và khiến các loài cá khác ở sông Murray trên bờ tuyệt chủng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Barnaby Joyce nói. Ngoài ra, mỗi năm Úc thiệt hại tới hơn 380 triệu USD do loài cá chép này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem