Uống nhầm "độc dược" vì tưởng "thực phẩm chức năng"

Tuấn Kiệt Thứ năm, ngày 04/09/2014 12:41 PM (GMT+7)
Sau một thời gian “mở chiến dịch” kiểm tra thực phẩm chức năng (TPCN), Bộ Y tế đã phát hiện hàng nghìn sai phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vẫn chưa có cách quản lý triệt để. 
Bình luận 0

Ăn… độc dược

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thu hồi, tiêu hủy TPCN An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) “độc dược” do Công ty Korea General Mannyon Health Corporation Chongryu No2 (Triều Tiên) sản xuất và được Công ty TNHH Thương mại Mannyon Việt Nam nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư lấy mẫu và tiến hành giám định chất lượng sản phẩm này. Kết quả phân tích cho thấy mẫu ACNHH nói trên có hàm lượng chì, thủy ngân, asen rất cao. Nếu theo quy chuẩn Việt Nam và căn cứ liều dùng ghi trên nhãn sản phẩm, mỗi tuần, lượng kim loại nặng, độc chất mà người tiêu dùng đưa vào người sẽ gấp hàng nghìn lần ngưỡng an toàn cho phép đối với cơ thể, gây nguy hiểm chết người. Ngoài kim loại nặng, thành phần của loại TPCN này cũng có nhiều dược liệu có độc tố như hùng hoàng, thần sa, chu sa và dạ hương… Đây đều là các độc dược mà theo quy định tại điều 5 Thông tư 33/2013/TT-BYT của Bộ Y tế yêu cầu phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đối tượng dùng… Trong khi đó, sản phẩm này chỉ định cho cả trẻ em.

PGS-TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ em bị ngộ độc chì có thể bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Đa số trẻ bị nhiễm độc chì sẽ chậm phát triển cả thể lực và trí tuệ, thấp bé nhẹ cân, suy giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi, tính cách. Còn asen là kim loại nặng rất độc, vào cơ thể với liều lượng lớn sẽ gây ra các bệnh về bàng quang, gan, thận, ruột, da... làm rối loạn di truyền như đột biến gen... hoặc tử vong. Nếu ngộ độc asen với liều lượng thấp cũng sẽ gây ra các tổn thương mãn tính cho cơ thể như vàng da, suy gan, thiếu máu, u hạch…

Có quá nhiều nguy cơ cho sức khỏe như vậy nhưng ACNHH lại được coi là thực phẩm, người dân có thể mua thoải mái tại các cửa hàng, đại lý bán thực phẩm mà không cần kê đơn của bác sĩ. Trong khi đó, theo đông y, ACNHH vốn vẫn được coi là thuốc để điều trị các ca tai biến mạch máu não.

Thị trường thả nổi

Về vụ việc ACNHH có chứa độc dược, PGS-TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam hết sức bất bình. Ông Đáng cho biết không thể để tình trạng mập mờ giữa thuốc và TPCN tồn tại vì điều đó sẽ gây hại đến sức khỏe con người: “Người bệnh muốn uống thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ, còn TPCN chỉ cần hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu có sự nhập nhèm giữa thuốc và TPCN thì sẽ gây hại khôn lường cho sức khỏe, làm mất niềm tin vào thị trường TPCN trong nước”.

TS Trần Đáng cho biết, việc thả nổi thị trường TPCN như hiện nay đang gây hại cho chính sân nhà. Không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã chạy theo lợi nhuận, quảng cáo thổi phồng công dụng (chiếm 50% sai phạm) khiến người dân càng mất niềm tin vào TPCN nói chung và TPCN trong nước nói riêng. Nếu như cách đây 5-7 năm, sản phẩm TPCN nội chiếm tới 66% mặt hàng trong nước thì tới đầu năm 2014 chỉ còn 19%.

“Nếu Bộ Y tế không sớm ban hành các quy định về kiểm soát chất lượng, lưu hành TPCN thì không chỉ Việt Nam mất đi thị trường TPCN tiềm tàng mà người dân còn tiếp tục bị rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” – TS Đáng khẳng định.

Từ cuối tháng 12.2013 đến tháng 6.2014, Cục An toàn thực phẩm đã “ra quân” kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN trên toàn quốc, phát hiện 1.974 cơ sở có vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (chiếm gần 44%). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem