Cảnh nóng - một phần tất yếu của phim Việt?

Thúy Phương Thứ bảy, ngày 22/06/2019 06:00 AM (GMT+7)
Không phải sau sự việc rùm beng liên quan đến bộ phim “Vợ ba”, câu chuyện cảnh nóng trong phim Việt mới lại được bàn luận rôm rả đến vậy. Dường như các nhà làm phim giờ đây thích thêm cảnh nóng vào phim của mình, càng ngày càng táo bạo và chân thực, theo đúng nghĩa đen của từ này…
Bình luận 0

Phim Oscar cũng có cảnh nóng

Khía cạnh được bàn nhiều nhất về cảnh nóng trong phim chính là: Tác dụng của nó với bộ phim. Nói cách khác, cho xuất hiện cảnh nóng để làm gì? Thực ra, cảnh nóng trong phim là điều bình thường, như bất cứ cảnh nào khác.

img

 Một cảnh trong phim: Đảo của dân ngụ cư. 

Nhìn ra thế giới, không thiếu những bộ phim nổi tiếng với doanh thu cao và đoạt giải Oscar cũng có cảnh nóng. Như “Titanic” là ví dụ. Cảnh nóng thứ nhất trong phim là cảnh nhân vật Jack vẽ Rose và nhân vật Rose khỏa thân hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hình ảnh này (Rose khỏa thân) chỉ xuất hiện trên màn ảnh với thời lượng cực ngắn và là chi tiết quan trọng trong toàn bộ câu chuyện. Bởi khi đó, nhân vật Rose đang đeo sợi dây chuyền có viên kim cương mà sau này nhóm thám hiểm xác tàu Titanic đã tìm thấy. Từ đó, đối chiếu với bức họa lưu lại, họ mới tìm được Rose còn sống và bà trở thành người dẫn chuyện thiên tình sử trên tàu Titanic.

Cảnh nóng thứ hai cũng là cảnh cuối cùng của bộ phim dài hơn 3 giờ đồng hồ này là cảnh Jack và Rose ân ái trong chiếc xe cổ ở kho hàng tầng hầm tàu Titanic. Chi tiết này thể hiện sự hòa hợp thực sự giữa hai con người ở hai tầng lớp khác nhau nhưng đã có sự tương đồng cả về tinh thần và thể xác, để rồi dẫn đến logic ở phần tiếp theo lúc con tàu gặp nạn, đâm vào núi băng trôi sắp chìm, họ không thể chia lìa, cho dù phải đối mặt với cái chết cận kề.

Vậy trong phim Việt thì sao? Dường như cảnh nóng chỉ dừng ở vai trò là một phần thiết yếu để nhà làm phim tạo độ hấp dẫn cho phim. Có rất ít phim Việt mà cảnh nóng xuất hiện mang ý nghĩa thực sự liên quan đến câu chuyện và nhân vật như “Mùa len trâu”, “Sống trong sợ hãi”, “Đảo của dân ngụ cư”… Các phim này đều có cảnh nóng mô tả những ẩn ức trong tâm hồn con người (cụ thể ở đây là nhân vật trong phim) và họ phải mượn sex để giải tỏa sự bức bối. Ngoài ra, những cảnh nóng trong các phim này đều là nút thắt để mô tả diễn tiến tâm lý nhân vật: Kìm trong “Mùa len trâu” chính thức trở thành đàn ông, Tải trong “Sống trong sợ hãi” muốn quên đi những nỗi sợ hãi bao trùm xung quanh, còn Chu trong “Đảo của dân ngụ cư” được giải phóng bản thân khỏi những kìm hãm.

img

Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Cũng như vậy, có không ít phim nước ngoài nổi tiếng ăn khách mà không cần cảnh nóng, và ngược lại, có những bộ phim Việt cố tình đưa cảnh nóng một cách gượng ép vào phim nhưng vẫn không cứu vãn được cả bộ phim. Và theo xu hướng, giờ đây hầu như phim nào cũng có cảnh nóng để tạo độ “ép phê”. Xã hội hóa điện ảnh tạo điều kiện cho các công ty tư nhân có thể sản xuất phim mà không cần duyệt kịch bản. Số lượng phim nhiều lên cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh gay gắt hơn, buộc các nhà làm phim phải có chiêu trò. Và cảnh nóng là một trong những công cụ để gây tò mò cho khán giả, thậm chí nhiều phim còn đưa thông tin phim có cảnh nóng lên hàng đầu trong loạt bài giới thiệu trước khi phim công chiếu. Chỉ đến khi Hội đồng duyệt phim quốc gia làm nhiệm vụ của mình, nhận thấy những cảnh đó không cần thiết và phản cảm, họ buộc phải mạnh tay. Báo chí từng đưa tin bộ phim “Lời nguyền gia tộc” của đạo diễn Đặng Thái Huyền đã bị cắt cảnh nóng giữa hai diễn viên chính Phi Huyền Trang và Lâm Vissay chỉ còn đúng 5 giây trên màn ảnh theo quy định.

img

Trở lại với câu chuyện “Vợ ba”. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm, ngoài việc diễn viên đóng cảnh nóng trong phim mới 13 tuổi vào thời điểm quay phim, thì cảnh nóng đó rõ ràng chưa tới tầm nghệ thuật đủ để khán giả chấp nhận. Hoặc nó quá đà (với một diễn viên nữ 13 tuổi) hoặc nó thừa thãi chẳng để làm gì. Từ khía cạnh này, tròng thêm yếu tố diễn viên 13 tuổi nên mới ra cơ sự. Có thể nói rằng phim ảnh là nghệ thuật nhưng cũng là đời, nghĩa là cần phải đạt đến độ chân thực nhất có thể. Vì vậy, nếu quyết định cho cảnh nóng xuất hiện trong phim, các nhà làm phim cũng cần phải đưa một cách nhuần nhị, không nên khiên cưỡng, gò ép mà phải logic với câu chuyện, mức độ nóng nhiều hay ít phải phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật. Cuối cùng là dàn dựng phải tự nhiên, không nên nặng nề, giả tạo. Cảnh nóng, xét cho cùng, là một từ để nói về những cảnh mô tả sự thân mật giữa các nhân vật trong phim và điều đó thuộc về cảm xúc của con người nên rất đỗi bình thường…

5 giây là quá dài hay quá ngắn?

Trong khi các nhà làm phim chưa khéo tay xử lý kịch bản có cảnh nóng thì ngay cả quy định về mức độ của cảnh nóng trong phim cũng còn gây nhiều tranh cãi cho chính giới làm nghề. Theo đó, dù đã dán nhãn không dành cho khán giả dưới 18 tuổi, nhưng một bộ phim được phát hành ở Việt Nam vẫn chỉ được phép tối đa 3 cảnh tình dục, mỗi cảnh không quá 5 giây. Một số nhà làm phim cho rằng như thế là cứng nhắc. Nhưng thiết nghĩ ngay cả một bộ phim quy mô như “Titanic” mà cũng chỉ có 2 cảnh ngắn tạm gọi là nóng thì xem như có thể kết luận vai trò của cảnh nóng là không đáng kể để một bộ phim có thể chinh phục được khán giả bằng chất lượng nội dung và nghệ thuật kể chuyện.

Rõ ràng, cảnh nóng trong phim là chủ đề khá đa dạng, phức tạp, khó thể gói gọn trong thời lượng nhất định 5 giây hay 5 phút, nhưng cũng không cần thiết phải dài nếu nhà làm phim không biết cách xử lý khéo léo. Thậm chí, ngay cả những nhà làm phim đã rất thành công với cảnh nóng trong phim trước nhưng vẫn có thể ngã ngựa với phim sau. Đạo diễn người Mỹ gốc Đài Loan Lý An là một ví dụ. Bộ phim “Brokeback Moutain” của ông rất ấn tượng với cảnh âu yếm của hai chàng trai trên đỉnh yên ngựa, nhưng với phim “Lust: Caution”, các cảnh giường chiếu của hai diễn viên Lương Triều Vỹ và Thang Duy bị phản đối gay gắt. Khán giả cho rằng không cần thiết phải quay nhiều và để xuất hiện lâu như vậy trên màn ảnh. Như thế để thấy rằng, với một bộ phim hay thì thời lượng 5 giây có thể là quá ít cho cảnh nóng có thẩm mỹ cao và được đưa vào phim để truyền tải ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng nếu là cảnh nóng gây phản cảm thì chỉ 1 giây thôi khán giả cũng không chịu nổi.

Phim dùng chiêu trò cảnh nóng đa phần thất bại

“Việc sử dụng yếu tố cảnh nóng để quảng bá phim không phải mới mà đã có từ hàng chục năm trước. Mỗi khi chuẩn bị ra mắt một phim điện ảnh hay truyền hình, một số đạo diễn có xu hướng hơi lạm dụng cảnh nóng – yếu tố mà họ nghĩ rằng sẽ câu khách nhờ vào những hiệu ứng mà diễn viên thể hiện trên phim.

img
Nhưng thực tế không phải phim nào sử dụng cảnh nóng cũng đạt được những hiệu quả như mong muốn, cá biệt trong một số phim, cảnh nóng còn khiến khán giả la ó và hiệu quả bộ phim giảm đi rất nhiều, thậm chí gây phản ứng ngược”.

Nhà báo Ngô Minh Nguyệt - Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam

img

“Cảnh nóng quá đà, câu khách nên bị cắt bớt”

Điện ảnh không có nghĩa là thật, tất cả những gì mà khán giả xem trên màn ảnh không có nghĩa là thật. Nếu cảnh nóng được sử dụng trong phim một cách quá đà để câu khách thì nên cắt bớt sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định về văn bản cho thấy như thế nào là quá đà và không thể cấm một bộ phim nếu như phim đó không vi phạm về mặt nội dung, chỉ có thể yêu cầu cắt bớt thời lượng hoặc giảm số lượng cảnh nhạy cảm.

Đạo diễn Trần Hoài Sơn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem