Đào tạo đại học và thạc sĩ bằng Tiếng Anh tại Khoa Quốc tế thuộc ĐHQGHN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Nguyễn Hải Thanh Thứ năm, ngày 25/10/2018 08:05 AM (GMT+7)
Trong cách mạng công nghiệp lần 1 (1784), việc sử dụng sức hơi nước đã giúp cho sản xuất được cơ khí hóa. Cách mạng công nghiệp lần 2 (1870) sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Cách mạng công nghiệp lần 3 (1969) sử dụng công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Còn cách mạng công nghiệp lần 4, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), bắt đầu từ khoảng mười năm gần đây (có thể lấy mốc là 2011, khi khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Đức), là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh.
Bình luận 0

CMCN 4.0 không dựa trên một công nghệ mới nào cụ thể mà dựa vào sự liên hợp – tích hợp các công nghệ mới có tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật và kết nối thông minh, dữ liệu lớn, công nghệ thực tại ảo và thực tại tăng cường, khoa học vật liệu và công nghệ nano, tính toán lượng tử, công nghệ sinh học.

Khái niệm cơ bản của CMCN 4.0 chính là sự mô phỏng hệ kết nối không gian số-thực thể. 'Phiên bản số' của các thực thể cho phép ta kết nối chúng với nhau trên các hệ thống máy tính - internet, và tạo ra các không gian số tương ứng với thế giới thực thể của chúng ta. Những hệ thống kết nối các thực thể và 'phiên bản số' của chúng được gọi là các hệ kết nối không gian số-thực thể (cyber-physical systems). Khái niệm này phản ánh mối liên hệ của sản xuất, kinh doanh tiến hành trong thế giới các thực thể nhưng quá trình tính toán được thực hiện trên không gian số và kết quả tính toán được trả lại dùng cho sản xuất trong thế giới các thực thể. Có hai khía cạnh của công nghệ số, một là việc số hoá và hai là việc quản trị và xử lí các dữ liệu được số hoá (**).

Trong CMCN 4.0, về phía các nhà cung cấp, các đột phá trong công nghệ sẽ nhanh chóng phá vỡ các phương thức sản xuất và kinh doanh trước đây. Điều đó xảy ra do chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng sẽ tốt hơn nhiều nhờ vào việc tiếp cận được các nền tảng (tri thức, công cụ và dữ liệu) được số hóa toàn cầu trong nghiên cứu – phát triển, sản xuất, marketing, bán hàng, phân phối cung ứng sản phẩm. Mặt khác, về phía người tiêu dùng, các kiểu hành vi tiêu dùng sẽ đổi khác, phụ thuộc rất nhiều vào mạng di động và phân tích dữ liệu. Điều này làm cho các công ti phải thích nghi và đổi mới nhanh chóng cách thức thiết kế, quảng bá tiếp thị và cung ứng sản phẩm cũng như dịch vụ. Như vậy, CMCN 4.0 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các phương diện sau: Kỳ vọng của người tiêu dùng, Việc tăng cường chất lượng sản phẩm từ phía nhà cung cấp, các đổi mới do cả hai phía cùng tạo ra, và Các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh này, Khoa học dữ liệu gắn liền với Phân tích sản xuất, kinh doanh giữ một vai trò không thể thay thế. (***)

Các đột phá tạo nên bởi CMCN 4.0 xảy ra với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy, bao trùm hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và có tác động hệ thống sâu sắc lên hoạt động quản trị, điều hành các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. CMCN 4.0 là xu thế tất yếu để đáp ứng chính xác nhu cầu của từng khách hàng, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất và vận hành, đồng thời với việc bảo vệ môi trường sống, giúp phát triển biền vững. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức về đảm bảo việc làm, quản trị xã hội, an toàn và an ninh thông tin. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức lại càng lớn hơn khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để thích ứng và tận dụng cơ hội mà CMCN 4.0 mang đến. (****)

Các trường đại học ở Việt Nam ngày nay đứng trước thử thách lớn lao là cần định hướng lại việc đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bổi cảnh của cuộc CMCN 4.0, cuộc cách mạng đang làm sâu sắc thêm quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Một tấm bằng đại học được tạo ra theo kiểu truyền thống hiện giờ đã không còn đảm bảo một vị trí làm việc đúng nghĩa để người có tấm bằng đó có thể tồn tại, phát triển về mặt cá nhân và đồng thời đáp ứng các yêu cầu của nhà sử dụng lao động. Khoa Quốc tế, đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cũng đứng trước các thách thức như vậy, các thách thức về phát triển, hoàn thiện và thực hiện các chương trình đào tạo để đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng làm việc thành công trong môi trường quốc tế trong bối cảnh CMCN 4.0.

img

Hội thảo khoa học “Phân tích kinh doanh – khai phá dữ liệu để đạt tới giá trị” (Business Analytics - Generating Insights from Data for Value), do Khoa Quốc tế phối hợp với Trường Đại học Deakin - Australia tổ chức, thu hút được sự quan tâm của giảng viên và sinh viên.

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN (tên tiếng Anh: VNU- International School), là đơn vị đào tạo đại học công lập,và là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện tự chủ theo Nghị định 16 ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ. Được thành lập ngày 24.7.2002, Khoa Quốc tế đã trải qua chặng đường 17 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Khoa Quốc tếthực hiện 18 chương trình đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ, toàn bộ được đào tạo bằng tiếng Anh. Trong số đó có 04 chương trình đào tạo trình độ đại học: Kinh doanh quốc tế; Kế toán, Phân tích và Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lí; Tin học và Kĩ thuật máy tính, và 01 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ: Quản trị tài chính, tất cả đều được ĐHQGHN cấp bằng và đào tạo toàn phần tại Khoa (http://www.is.vnu.edu.vn/). Đáp ứng nhu cầu của xã hội về nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0, Khoa đang xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học Phân tích dữ liệu và kinh doanh do ĐHQGHN cấp bằng với dự kiến bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2019 – 2020.

Các chương trình đào tạo trên được thiết kế, phát triển và hoàn thiện dựa trên việc đối sánh với các chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế có danh tiếng tại các nước trong top đầu của CMCN 4.0 như Mỹ, Anh, Úc, Nga… Khoa luôn nhận thức rõ việc đào tạo nhân lực trình độ cao trước hết liên quan tới việc phát triển và hoàn thiện chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên tiếp cận CDIO, với các chuẩn đầu ra: Năng lực giải quyết vấn đề phức tạp; năng lực tư duy phê phán và tư duy hệ thống, năng lực toán học và tính toán, năng lực tìm kiếm, khai phá và xử lí dữ liệu, năng lực số hóa và phát triển hệ thống, năng lực sử dụng thiết bị và áp dụng công nghệ, năng lực tiếng Anh… Đồng thời, Khoa chú trọng tạo ra và phân bố hợp lí nguồn tài chính để đảm bảo tốtcác điều kiện chất lượng đối với các chương trình đào tạo, bao gồm các phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành, thư viện điện tử, địa bàn thực tập kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp lớn.

Sinh viên và học viên theo học các chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN nói chung, và sinh viên thuộc 04 chương trình đào tạo trên đây luôn được đảm bảo các điều kiện về học tập, nghiên cứu cũng như các hoạt động ngoại khóa bổ trợ để phát tiển các kĩ năng cần thiết, trong đó có các kĩ năng mới trong ba khối kĩ năng: cơ bản (chuyên môn và xử lí công việc); kĩ năng về khả năng, nhận thức, thể chất; và kĩ năng về khả năng đa chiều. Sinh viên và học viên được cung cấp môi trường kết nối mạng không dâytrợ giúp việc truy cập tới kho tài liệu khổng lồ trên internet để tìm kiếm và xử lí dữ liệu phục vụ học tập. Thư viện điện tử của Khoa Quốc tế đảm bảo đủ các tài liệu học tập, nghiên cứu, tham khảo bằng tiếng Anh, luôn được cập nhật hàng năm. Ngoài ra, hệ thống thư viện điện tử "single sign on" được sử dụng chung cho các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN cungcấp thêm nguồn tài liệu phong phú phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành và liên ngành bằng tiếng Anh.

img

Một góc Thư viện Khoa Quốc tế - điểm thu hút đông đảo sinh viên do có số lượng sách lớn bằng tiếng Anh về các lĩnh vực khác nhau phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Một trong các yếu tố cơ bản nhất để thực hiện thành công chương trình đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0 là đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa luôn được đảm bảo đầy đủ về số lượng và chất lượng, hầu hết các giảng viên được đào tạo tại các trường đại học nước ngoài, có trình độ tiếng Anh rất tốt, có năng lực sư phạm và phương pháp dạy học hiện đại. Tham gia giảng dạy tại Khoa còn có đội ngũ đông đảo các giảng viên, giáo sư người nước ngoài, góp phần tạo nên một môi trường học thuật quốc tế. Các giảng viên luôn khuyến khích sinh viên học tập thông qua nghiên cứu khoa học và thông qua việc tìm hiểu thực tế sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc trợ giúp, huấn luyện sinh viên, học viên đạt tới các chuẩn đầu ra về kiến thức, kĩ năng của từng học phần và của toàn bộ chương trình đào tạo, các giảng viên của Khoa luôn chú trọng tới các chuẩn đầu ra liên quan tới thái độ và nhận thức của sinh viên và học viên về ảnh hưởng sâu rộng của CMCN 4.0 tới đến sản xuất và kinh doanh, chuẩn bị cho họ cách nhìn nhận cần thiết trên các vị trí nghề nghiệp sau này.

Trong giai đoạn tới, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN với sứ mệnh “Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học liên ngành và chuyển giao tri thức, góp phần cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học - công nghệ chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước”, tiếp tục thực hiện các giá trị cốt lõi đã đề ra “Chất lượng cao, Sáng tạo, Tiên phong, Trách nhiệm và Hội nhập quốc tế” với khẩu hiệu hành động "Học tập và sáng tạo cùng thế giới" trong bối cảnh những biến đổi lớn do cuộc CMCN 4.0 đem đến, trong bối cảnh của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang diễn ra ở qui mô lớn, ngày càng sâu sắc và toàn diện.

(*) PGS.TS. NGƯT Nguyễn Hải Thanh, ủy viên Hội đồng Đào tạo và Khoa học Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, GVCC Bộ môn Khoa học tự nhiên và công nghệ, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐHQGHN (2009 – 2016).

(**) Dẫn theo ý kiến của GS.TS. Hồ Tú Bảo, ủy viên Hội đồng Đào tạo và Khoa học Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, thuộc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), nguyên GS Viện JAI Nhật Bản, Viện trưởng Viện John von Neumann – ĐHQG Tp HCM.

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/hieu-ve-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-3574624.html

(***) Dẫn ý kiến của ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn kinh tế thế giới.  World Economic Forum

https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/ accessed on 27/1/2018

(****) Theo ý kiến trao đổi tại Hội thảo về Hạ tầng viễn thông băng rộng trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông,

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem