Đọc sách cùng bạn: Nhớ lại từ sách này

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 25/02/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, chúng ta gặp lại nhau. Lần này tôi đọc cùng bạn cuốn hồi ký của một người lính đánh trận ở chiến trường K. hơn bốn mươi năm trước - “Rừng khộp mùa thay lá”. Cuốn sách đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật báo chí 5 năm (2014 – 2019) của Bộ Quốc phòng.
Bình luận 0

Nguyễn Vũ Điền, tác giả sách này, và tôi, là bạn lính cùng nhập ngũ ngày 17/8/1978, cùng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội ra lính (Điền Sử, tôi Văn), cùng huấn luyện tại một đơn vị ở Phủ Lý và Kim Thanh (Hà Nam Ninh ngày ấy, Hà Nam bây giờ).

Nhưng cái "cùng" chỉ đến đấy thì chuyển sang cái "khác". Điền thành lính chiến, tôi làm lính cậu. Sau khi xong ba tháng huấn luyện tân binh, Điền và một số lính sinh viên khác cùng nhiều đồng đội nữa được chuyển vào mặt trận biên giới Tây Nam đang rất căng thẳng, ác liệt cuối năm 1978 và từ đấy sang chiến trường K. đánh quân Pol Pot.

img

Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Cảnh chia tay kẻ ở người đi giữa những thằng lính trẻ chúng tôi hồi ấy đã được Điền ghi lại cảm động và khiến tôi hôm nay đọc thấy bùi ngùi. "Bước ra khỏi hàng quân, tôi ngoái nhìn đồng đội. Mười ba thằng lính cùng trường vây lấy tôi. Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Văn), Nguyễn Trí Sơn (Khoa Sử) Nguyễn Văn Hợp (Khoa Sinh)... và tất cả những thằng lính cùng thời, xuất thân từ sinh viên Tổng hợp... Chúng nó ôm ghì lấy tôi, nắm tay tôi, dặn dò rất nhiều điều mà tôi chẳng biết chúng nó dặn cái gì nữa. Rồi tất cả chúng nó, thằng nào cũng đưa tiền cho tôi, thằng dúi vào tay, thằng nhét vào túi. Tôi không nỡ chối từ dù biết đó là những đồng phụ cấp chúng nó vừa được nhận đêm qua, nay dành hết cho tôi....".

Tôi cùng một số lính sinh viên khác thì ở lại, được Tổng cục Kỹ thuật của quân đội nhận về cho đi học trường nghề cơ khí, quân khí để đưa xuống các đơn vị phục vụ. Nhưng hoàn cảnh sắp đặt hay số phận xoay vần mà số lính sinh viên chúng tôi thay vì làm học viên lại thành giáo viên tại một trường kỹ thuật quân sự ở TP.HCM từ đầu năm 1979. Đời lính đúng là "may hơn khôn" như câu cửa miệng của lính. Khi chiến sự phía Tây Nam thì chúng tôi ở Bắc. Khi chiến sự phía Bắc thì chúng tôi ở Nam. Trong khi đó Điền và các đồng đội đang đánh trận ở xứ người không biết sống chết ra sao. Tôi ghi nhật ký ngày 25/8/1979: “Sắp qua rồi tháng 8. Nào có nỗi nhớ mong gì trong đó. Chỉ buồn thôi. Đơn điệu một nhịp tháng ngày. Trong đêm gần về sáng, mơ gặp lại Vũ Điền. Hai đứa chạy ùa lại ôm lấy nhau. Vui mừng quá. Nhưng rồi chợt tỉnh…”. Cứ thế, cùng đời lính, nhưng bạn đã gánh phần nguy hiểm, chết chóc cho tôi.

Tháng 6/1982 tôi ra quân, về lại trường đại học học nốt năm cuối, sau đó tốt nghiệp ra trường đi làm. Hội lính 17/8 vẫn thỉnh thoảng gặp nhau. Mỗi lần như thế chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ số bạn lính đã sang Miên đánh trận không biết bây giờ ai còn ai mất, ở đâu. Mãi tới vài năm trước nhờ qua facebook tôi mới có liên lạc của Điền. Ban đầu cũng chỉ là một câu Điền hỏi dò trên mạng có phải là Nguyên của 17/8/1978 không. Gặp nhau, tôi nghe Điền kể chuyện đời lính chiến của mình. Rồi Điền viết lại từng mảnh đời đó đưa lên facebook. Tôi đọc thấy rất ý nghĩa và giục Điền hãy viết tiếp, viết hết. Và từ những đoạn viết đó Điền đã có cuốn sách này.

RỪNG KHỘP MÙA THAY LÁ

Tác giả: Nguyễn Vũ Điền

NXB Trẻ, 2019

Số trang: 301

Số lượng: 2.000 cuốn

Đây là những hồi ức của người lính thông tin Nguyễn Vũ Điền thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn 174, sư đoàn bộ binh số 5 đã tham chiến trên đất Campuchia trong gần hai năm, ở khoảng đầu cuộc chiến giúp nước bạn thoát họa diệt chủng rồi ra sẽ kéo dài đến mười năm. Điền viết cho những đồng đội đã chết trong chiến trận và những đồng đội còn sống trở về như mình. Viết như vừa để quên đi vừa để không quên được. Đọc cuốn sách này của Điền, cũng như những sách khác cùng loại của các cựu chiến binh mặt trận 479 được xuất bản gần đây, tôi rùng mình đau đớn. Vì sự khủng khiếp của chiến trận mà các đồng đội mình đã trải qua. Vì cái giá đắt của một cuộc chiến. Vì lịch sử còn đó những góc khuất góc lặng. Tôi có đứa em trai nhập ngũ sau đợt của tôi và Điền bốn năm. Em cũng sang chiến trường K. và đã hy sinh khi mới hai mươi tuổi. Từ những gì Điền kể lại tôi càng thấy thương em mình và thương những người lính chiến. Tôi ghi lại đây những câu thơ tôi viết cho em mình để chia sẻ cùng Điền, cùng các đồng đội, cùng những ai sẽ đọc sách này, sự tiếc thương những người lính đã ngã xuống cho hòa bình của đất nước.

Em tôi

(Tưởng nhớ em Phạm Xuân Minh)

Sinh hai bảy tháng bảy (27/7)

Năm một chín sáu tư (1964)

Năm tám hai vào lính (1982)

Hy sinh năm tám tư (1984)

*

Tám hai anh ra lính

Anh em không gặp nhau

Thế là em đi mãi

Chưa kịp mối tình đầu.

*

Ngã xuống chiến trường K

Ba mươi năm đằng đẵng

Em mới trở lại nhà

Ở quê hương Hà Tĩnh.

*

Em như bao người lính

Chết trận cho nước mình 

Ở trong cõi vô hình

Nhưng không hề vắng mặt.

*

Nghe như em vẫn nhắc

Cho anh ngày mỗi ngày

Máu xương tan vào đất

Còn lại gì hôm nay.

(7/2017)

Nhật ký của tôi ghi ngày 15/12/1979: "Một năm rồi xa Phủ Lý, xa Phù Vân, xa Liêm Cần, xa vùng quê ấy – Hà Nam Ninh. Càng dài xa tháng ngày càng nhớ nhiều gia đình mẹ Phương. Nhớ các đứa em ngoan và dễ thương. Nhớ cái buổi đầu vào lính của mình và đồng đội. Nỗi nhớ kéo sự suy nghĩ về Vũ Điền. Điền ơi, giờ này mày còn không? Mày đang ở đâu? Mày làm gì giờ này Điền ơi! Tao nhớ mày thầm lặng và day dứt kể từ buổi chia xa sáng đông lạnh ấy trên cái sân đình có cây hoa lan thoảng thơm theo gió. Tao nhớ cả cô người yêu của mày – Đinh Thị Thêu, cô bé trong trắng dành phần tình cảm non tơ trinh nữ buổi đầu cho mày – bây giờ cô ấy và mày thế nào, tao tự hỏi mà cồn cào lòng không lời đáp. Càng nhớ mày, khi chỉ mới chủ nhật trước tao và Hồng Sơn đã lại gặp nhau trong này. Nghe Sơn nói tin phong thanh, tao lo và nhớ mày nhiều… Vậy đấy, một năm qua không vắng vẻ và bình lặng đối với các bạn bè và đồng đội. Mình thì quá êm ả và yên ổn – cái hoàn cảnh dễ biến con người thành vật cản của chính nó, yên ổn quá đến muốn phóng lao đi, tìm lấy một nơi thử thách nào đấy. Mình mong ngày được gặp lại Điền. Chắc chắn là Điền sẽ còn về họp mặt với bạn bè”.

Em tôi đã không về được. Nhưng Điền đã trở về như niềm tin của tôi mong cho bạn từ bốn mươi năm trước. Từ chiến trường K. trở về, Điền tiếp tục phục vụ trong quân ngũ một thời gian nữa rồi chuyển ra dân sự và đến nay đã làm xong bổn phận công việc của một công chức. Chính lúc nghỉ ngơi này ký ức chiến trận lại bùng lên trong Điền. Hai năm làm một người lính chiến thực thụ đã in một dấu lửa vào cuộc đời anh. Dấu lửa đó giờ đây đang đỏ lên trên từng trang sách này. Anh sinh viên lịch sử Nguyễn Vũ Điền ra lính đã ghi lại đời mình và đồng đội như một chứng tích lịch sử.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình / Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc / Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo). Những câu thơ này đúng cho Điền, cho em tôi, cho tất cả những người lính đã đi qua những mùa xa nhà, mùa ra trận, mùa rừng khộp thay lá.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem