Ký ức Tết trong tôi: "Pháo nổ, pháo nang, cả làng chịu chưa?"

Nguyễn Văn Học Thứ năm, ngày 23/01/2020 18:00 PM (GMT+7)
Tuổi thơ mỗi người đều có những trò chơi bổ ích đáng nhớ. Ở đồng bằng Bắc Bộ, trẻ em còn có trò chơi pháo đất rất thú vị. Chẳng những thế, có những ngôi làng còn tổ chức thi pháo đất vào dịp Tết, mùa lễ hội mùa xuân rất đông đúc, thu hút nhiều người tham gia. Bên cạnh những người chơi, là các cổ động viên nhiệt tình, với tiếng loa, tiếng trống cổ vũ.
Bình luận 0

Cười cùng pháo đất

Tuổi thơ tôi và bạn bè đồng lứa, có lẽ lớn lên và phương trưởng, mộtphần nhờ có những trò chơi dân gian rất văn hóa, trong đó có trò chơi pháo đất ngày Tết. Ngày xưa, những kỳ nghỉ hè, chúng tôi vẫn tổ chức chơi theo nhóm, giữa xóm nọ với xóm kia. Những quả báo đất nhỏ xíu, mỗi khi vung lên, đập xuống đất là giòn vang tiếng nổ, kèm theo đó là những chuỗi cười sảng khoái.

Pháo đất, còn gọi là pháo nổ, pháo nang, là pháo làm bằng đất chứ không bằng giấy. Nguyên liệu là các loại đất có độ dẻo như đất sét, đất thịt. Pháo thường có dạng như hình cái chảo hoặc hình bầu dục có thành dày hơn đáy và độ lớn nhỏ phụ thuộc vào lứa tuổi, hoặc tầm cỡ cuộc thi.

Vào mùa xuân, trẻ em xứ Đoài quê tôi lại tổ chức thi pháo đất giữa các nhóm thanh niên với nhau. Pháo của lũ trẻ thường nhỏ như bàn tay. Và chỉ cần pháo nổ to, vết nổ lớn, chứ không quan tâm đến vành pháo cầu kỳ như người lớn. Ai thua sẽ phải lấy phần đất ở pháo mình, tán mỏng ra lấp đầy (gọi là đền pháo) cho vết nổ của người có pháo nổ to hơn.

Đứa thua nhiều, có thể sẽ thiệt hết cả phần đất để làm pháo, và sẽ phải bỏ cuộc chơi. Những cuộc chơi như thế, đứa nào cũng cười sảng khoái đến chảy nước mắt. Sau này lớn lên, đi nhiều tỉnh khác, tôi còn được chứng kiến nhiều cuộc thi pháo đất rất lớn, trong lễ hội xuân tưng bừng náo nhiệt. Có khi pháo đất được chế tác rất to, gọi là “mâm pháo”, nặng đến 20 kg.

img

Trẻ con thôn quê hào hứng với trò chơi pháo đất. (Ảnh minh họa)

Từ mồng một cho tới hết tháng giêng, nhiều xã thuộc huyện Ninh Giang (Hải Dương), du khách vẫn được chứng kiến những màn thi rất lý thú, nhưng nổi tiếng nhất là xã Hồng Phong. Để cho hội thi diễn ra, người dân đã chuẩn bị làm đất từ một tuần trước đó.

Anh Đinh Văn Đưa, một thanh niên mê trò chơi pháo đất ở Hồng Phong chia sẻ: “Khi hội pháo diễn ra, cả làng nô nức kéo nhau tới sân chơi làm không khí đông như hội làng. Những người tham gia hội pháo ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là khéo tay, khỏe mạnh và bình tĩnh. Họ sẽ tham gia thi đấu theo từng loại pháo, tùy vào trọng lượng của đất. Cái nhỏ nhất bao giờ cũng nặng 10kg và lớn nhất là 50kg với hình thù đặc trưng là hình thuyền. Khi thi, thực sự không phải ai cũng giữ được bình tĩnh”.

Làm pháo đất cũng thật lắm công phu vào không phải ai cứ thích là thành công. “Mâm pháo” làm xong, nhìn giống như một chiếc thuyền con, vành pháo to tròn bằng lốp xe đạp. Quyết định sự thắng thua là nghệ thuật gieo pháo. Ai gieo chuẩn sẽ làm cho pháo nổ to, vành pháo đứt một mối, duỗi thẳng ra.

Để làm được điều này, người chơi sẽ nâng pháo lên bằng hai tay của mình, phải thật bình tĩnh, tính toán chính xác độ cao cũng như độ xoáy để khi gieo pháo, pháo phải rơi sao cho tất cả vành pháo cùng một lúc tiếp xúc với mặt sân phẳng.

Tiếng hô, tiếng hò, tiếng trống trong cuộc thi vang lên, có thể làm tim những người thi đập thình thịch mất bình tĩnh. Khi đó, rất nhiều người kém kinh nghiệm, sẽ gieo pháo quá mạnh, làm đứt lìa nhiều đoạn vành pháo. Như thế là thua cuộc.

Các lão niên ở huyện Ninh Giang thì cho rằng, Hội pháo của Ninh Giang trước đây được kéo dài trong suốt 3 tháng liền với phần thưởng là trâu, bò... Cuốn hút cả già, trẻ, gái, trai trong hàng tổng, hàng huyện. Giờ người dân chỉ tổ chức vào các ngày Chủ Nhật sau Tết và phần thưởng cũng không lớn như trước.

Nhưng với người dân, mỗi khi mùa xuân đến là tất cả mọi người lại nô nức chuẩn bị cho hội pháo đất, không phải vì giải thưởng mà vì sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật truyền thống được hình thành từ nghìn năm qua.

Pháo nổ, pháo nang

Ngày xưa, khi chơi pháo đất, ngoài làm nhuyễn đất ra, trẻ con chúng tôi đứa nào cũng làm cho đáy pháo thật mỏng. Vì đáy pháo càng mỏng thì càng dễ nổ. Trước khi cho pháo đất của mình nổ, chúng tôi thường hô to: “Pháo nổ, pháo nang, cả làng chịu chưa?”. Rồi hà hơi vào miệng pháo đất trước khi cho nổ (Động tác hà hơi nhằm cầu mong cho pháo đất của mình nổ to).

Ai cho pháo của mình nổ sau thì đều hô to: “Chưa chịu”, với lý do cho rằng, pháo của mình sẽ nổ to hơn. Người thắng liên tục thì quả pháo mỗi lúc một to, người thua nhiều quả pháo teo dần.

Ngày nay, rất nhiều trò chơi dân gian đã bị biến mất. Không mấy trẻ em hào hứng với pháo đất, chúng đi tìm những trò chơi mang tính bạo lực ở Internet. Và đó cũng là lý do khiến tâm hồn các em không còn được hồn nhiên, trong trẻo và dễ dàng tìm đến những trò chơi không lành mạnh khác.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, pháo đất không đơn thuần là một trò chơi của trẻ nhỏ. Trong trò chơi này còn chứa đựng nét văn hóa dân gian đặc sắc, phỏng theo nghi lễ cầu mùa của người dân, trong quá trình chống lại thiên tai, địch họa.

Năm nào cũng vậy, vào các ngày xuân ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ diễn ra nhiều trò chơi truyền thống như đu quay, pháo bông, thả đèn trời, hát trống quân của các làng quê. Ngoài ra còn có trò chơi pháo đất. Những “nghệ nhân” pháo đất tích cực làm đất, nặn pháo và... nổ trong sựchứng kiến rất hào hứng của nhiều người.

Không ít thanh niên chưa bao giờ thấy pháo đất đã muốn xin thử, nhưng không thể bưng được một “mâmpháo” lớn như các nghệ nhân thuần thục. Các nghệ nhân này đến từ Hải Dương. Họ cho biết, một “mâm pháo” đẹp phải hội đủ các tiêu chuẩn: Khi đập xuống vành đất duỗi dài, không bị đứt đoạn; vành tách ra khỏi thân pháo và nằm vắt ngang thân; tiếng nổ to, âm vang.

Du khách đứng trước những nghệ nhân pháo đất đang nặn pháo, đều muốn xem họ nổ ra sao. Thì quả nhiên, họ đều được tận mắt màn trình diễn khá ngoạn mục. Những chàng trai, cô gái đem theo máy ảnh đều muốn chớp luôn hình ảnh này.

Pháo đất, một trò chơi dân gian độc đáo, bổ ích, nên được phát huyrộng rãi hơn nữa trong nhân dân. Bởi, nhiều nhà văn hóa khẳng định: Pháo đất là một trong những trò chơi mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Thông qua nó người ta “thẩm thấu” nghi lễ cầu mùa một cách tự nhiên và sinh động. Tiếc là ở nhiều vùng quê, trẻ con không còn chơi pháo đất, chẳng biết pháo đất là gì bởi đã bị cuốn vào nhiều thú chơi khác.

Người dự thi: Nguyễn Văn Học
Báo Nhân Dân – 71 Hàng Trống – Hà Nội
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem