Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải lên án, đấu tranh với mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh

Thanh Hà Thứ năm, ngày 06/06/2019 11:35 AM (GMT+7)
Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.
Bình luận 0

Sáng 6/6, sau phần trở lời các câu hỏi của Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời 4 câu hỏi của 4 đại biểu và về vấn đề lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan để trục lợi - một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quốc hội đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trả lời câu hỏi của đại biểu Minh Hiền về việc đã đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hoá khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức nét đẹp truyền thống của dân tộc trong quá tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý nhà nước bằng ngôn ngữ tiếng Việt trung tính và khách quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta đã có khung pháp lý với rất nhiều các quy định kể cả luật và thậm chí là hiến pháp, các nghị định, các quy định thậm chí là hương ước mang tính cục bộ ở địa phương. Những quy định đó không ngừng được hoàn thiện, bổ sung và khi đã ban hành thì tổ chức thực hiện cho nghiêm, nếu có vi phạm thì xử lý.

“Đối với Tiếng Việt, tôi rất đồng tình kiến nghị này. Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này, đã giao Viện hàn lâm, Viện ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp Bộ về các khía cạnh khác nhau, chuẩn bị luận cứ, đến thời điểm thích hợp để trình cấp có thẩm quyền dự án Luật về ngôn ngữ tiếng Việt. Trong chương trình sách giáo khoa mới, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Giáo dục đặc biệt lưu ý trong sáng của tiếng Việt ngay trong sách giáo khoa từ mẫu giáo trở lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

img

Trả lời về việc lợi dụng uy tín của các chi hội, tổ chức như hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ, người cao tuổi... để tổ chức các tour du lịch giá rẻ, miễn phí, Phó Thủ tướng cho rằng đây là hành vi cũng giống như như hành vi bán hàng đa cấp. Trước hết mỗi người dân cảnh giác mỗi chiêu bài của họ. Đồng thời nên tham khảo giá cả, mua bán các tour du lịch trên các phương tiệni. Những tổ chức nêu tên ở trên cũng cần hướng dẫn xuống người dân để không bị lợi dụng. Người dân khi bị lừa thì nên báo tới cơ quan quản lý. Theo quy định, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý theo hình sự.

Bên cạnhđó, Phó Thủ tướng cũng trả lời thêm về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần lên án, phản đối, đấu tranh những hành vi dùng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan, đồng thời các vi phạm cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tôn giáo cũng cần xử lý nghiêm.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hình dung vấn đề này không chỉ pháp luật mà còn liên quan tới tuyên truyền phổ biến, vận động. Đặc biệt vai trò của chính các tổ chức tôn giáo và trong quá trình đó cần lưu ý. Thứ nhất chủ trương của Đảng và Nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc.

Nhìn trên góc độ văn hoá, khi một tôn giáo vào Việt Nam cũng có những sự ảnh hưởng qua lại với những nét truyền thống của cộng đồng dân cư của dân tộc đó. Ví dụ Phật giáo khi vào Việt Nam, thì Phật giáo ở Việt Nam chúng ta bây giờ hay gọi là Tam Giáo đồng nguyên. Có rất nhiều tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam dần dần có sự dung hoà. Chúng ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên, truyền thống thờ đạo mẫu đã dung hoà.

Khi nói về các vấn đề giáo pháp, thực hành tín ngưỡng nên lưu ý vấn đề này. Vì đây là niềm tin, thực hành thường nhật của bộ phận lớn của người dân Việt Nam và chúng ta cần coi trọng. Trong quá trình đó, những gì thực hành tín ngưỡng mà không phù hợp, chúng ta cần chỉ ra, vận động để loại bỏ dần. Thực tế chúng ta đã làm được, tôi ví dụ trước đây truyền thống ở vùng Đồng Bằng Bắc bộ hay cơ bản trên cả nước khi người chết thì địa táng, bây giờ chúng ta vận động là hoả táng", Phó Thủ Tướng cho hay

Cuối cùng Phó Thủ tướng nhấn mạnh về vấn đề mê tín dị đoan. Theo Phó Thủ tướng, mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết. Điều quan trọng là chúng ta cần chú ý hơn tới giáo dục, tới văn hoá để nâng cao dân trí, để mọi người dân hiểu rằng hành vi này là đúng với tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đúng với giáo lý, hành vi kia là không đúng, bây giờ không phù hợp với thế giới văn minh.

"Tất cả những vấn đề này cần có sự phân tích có tình, có lý của các nhà chuyên môn tôn giáo, những người thực hành tôn giáo, đặc biệt là những nhà nghiên cứu về văn hoá. Chính vì vậy chúng tôi đã yêu cầu Bộ VHTTDL cũng như các địa phương cần tăng cường công tác để nêu gương những việc tốt, những việc phù hợp, việc chưa tốt, không phù hợp, để từ đó cùng phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hoá và nêu gương điều tốt, cái nào xấu thì loại bỏ.

Tôi rất mong đại biểu quốc hội, cũng như toàn thể nhân dân chúng ta hãy gìn giữ, phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo mà mình đang theo, mình đang tín ngưỡng, nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp thời đại mới", Phó Thủ tướng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem