Tìm lại căn tính văn hóa cho áo dài

Nhật Lệ Thứ hai, ngày 27/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Vẻ đẹp của chiếc áo dài không chỉ tôn lên vóc dáng và nét gợi cảm của người phụ nữ, mà còn bộc lộ chiều sâu văn hóa cùng phẩm cách của họ. Mang chiếc áo dài Việt ra thế giới là những cơ hội để đánh dấu và làm sống động vẻ đẹp mang đậm hồn dân tộc ấy.
Bình luận 0

Sáng tạo trên chất liệu lụa Việt

Là người đưa chiếc áo dài Việt đi khắp năm châu, sứ giả thời trang Việt - nhà thiết kế Minh Hạnh luôn trăn trở để vừa bảo tồn được nét truyền thống, vừa khoác lên bộ quốc phục này tinh thần mới hiện đại, cá tính. Chính bà là người tìm ra điểm nhấn của tinh thần chiếc áo dài: Vừa phóng khoáng, tự do, vừa khuôn khổ, chừng mực; vừa táo bạo lại vừa e ấp; mạnh mẽ mà cũng hết sức dịu dàng. Và trên tất cả, bà muốn vực dậy những làng nghề truyền thống cho chất liệu chiếc áo thật độc đáo, từ thổ cẩm, cho đến lụa tơ tằm…

img

  Nhà thiết kế Minh Hạnh. Ảnh: T.L

Trước đây, Minh Hạnh là người tiên phong trong việc sử dụng chất liệu thổ cẩm để thiết kế áo dài. Tuy nhiên, hai năm qua, bà tập trung vào chất liệu tơ lụa của vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng).

“Gần 2 năm qua, sau vụ khủng hoảng tơ lụa (từ vụ hàng lụa giả của Khải Silk), tôi nghĩ mình bỏ quên một lĩnh vực rất quan trọng trong thời trang, đó là tơ lụa. Tôi muốn chứng minh tơ lụa của Việt Nam rất đẹp, bản thân người Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Nga… đều đánh giá cao chất liệu của tơ lụa Việt. Tơ lụa là gì?  Là “lớp da thứ hai của con người”. Bao nhiêu năm nay, có nhiều người đã làm giả tơ lụa, chính vì thế người ta không còn tin vào tơ lụa Việt, những người sản xuất chân chính thì bị thiệt thòi, tơ lụa không phát triển được đúng như giá trị vốn có” - nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Các nhà thiết kế Việt Nam  phải ý thức về tính dân tộc sâu sắc thì mới đủ sức mạnh để  bảo vệ hình tượng chiếc áo dài Việt.

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Theo Minh Hạnh, Lâm Đồng có hoa, có trà, có cà phê và quan trọng là có lụa. Chính vì thế, Festival Hoa Đà Lạt cũng nên đưa tơ lụa vào giới thiệu như một đặc sản. Bảo Lộc có một quy trình khá hoàn chỉnh là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, in nhuộm... chỉ thiếu mỗi khâu thiết kế, và bà tự nguyện cống hiến những thiết kế để mong tạo diện mạo mới của tơ lụa Bảo Lộc.

Những chiếc khăn lụa của Bảo Lộc được thiết kế bằng những ý niệm thuần Việt như: Ký họa về sinh hoạt hàng ngày của người Việt, những đứa bé chăn trâu, đồng ruộng, cô gái mặc áo dài hoặc tranh của các hoạ sĩ trẻ ở Huế, những bông hoa sen... Theo bà: “Phải lấy lại danh dự cho tơ lụa Việt bằng thiết kế và bằng cách làm nghề chân chính, cộng thêm áp dụng quy trình khoa học tốt hơn giúp giảm giá thành. Hiện giá của tơ lụa Việt rẻ hơn rất nhiều so với các nước, người Việt chưa nhận ra giá trị này nên chưa thật sự trân trọng”.

Khi nói đến chiếc áo dài, người ta sẽ nghĩ ngay đến kiểu dáng, chất liệu, màu sắc. Nhưng, khâu chất liệu - với các nhà thiết kế Việt dường như không được chú trọng lắm. Tất cả mọi loại vải từ cao cấp, đến rẻ tiền đều có thể dùng để may thành chiếc áo dài. Nhưng câu chuyện chất liệu lại chứa đựng một phần văn hóa của người Việt.

img

img

  Trình diễn áo dài do Minh Hạnh thiết kế tại Hoàng cung Nga ở Tsaritsyno, tháng 10/2019. Ảnh: T.L

img

  Hoa hậu Việt Nam  2018 Trần Tiểu Vy với trang phục áo dài.T.L

Lý giải về điều đó, nhà thiết kế Minh Hạnh chỉ rõ: Ở thị trường chất liệu của Việt Nam, nhiều người tiêu dùng không phân biệt được thật giả, rất dễ dãi và ngây thơ, dễ bị sự xa hoa, phù phiếm làm mờ mắt, và nghĩ rằng đó mới chính là chất liệu tốt nhất. Cũng với giá thành đó, nếu người Việt hiểu được giá trị thật của chất liệu thì họ sẽ chọn lựa đúng nghĩa là người tiêu dùng thông minh.

 Cụ thể, theo bà, khi làm một cái ghế, một cái bàn hay bất cứ thứ gì thì phải có tinh thần dân tộc trong đó. Những nước phát triển về thời trang coi bản sắc là hàng đầu. Ngay trong châu Á, văn hóa bản địa của mỗi nước cũng đều có sức mạnh tối thượng, và phải như vậy thì những người làm sáng tạo mới được tôn trọng. “Đi ra nước ngoài giới thiệu một bộ sưu tập thì điều gì khiến cho người ta nhận ra anh là nhà thiết kế  thời trang Việt Nam? Không chỉ  là áo dài, mà chính là là chất liệu truyền thống. Bạn có thể mua vải Ý, Pháp, rồi thiết kế, thì người ta vẫn khen đẹp nhưng không đủ sự  tôn trọng. Khi tôi làm bộ sưu tập túi cá sấu, người ta hỏi nguồn gốc da ở đâu, tôi nói ở Việt Nam...  Rõ ràng, thời nay, nhà thiết kế phải bộc lộ rõ nét về nguồn gốc để dễ dàng nhận diện tính dân tộc, bản sắc riêng biệt mà sự sáng tạo vẫn song hành với trào lưu thế giới”.

Đưa áo dài Việt ra thế giới

Những gì nhà thiết kế cần làm khi đưa chiếc áo dài ra nước ngoài, là cho người ta thấy được những chuẩn mực của truyền thống, không bị xưa cũ, lạc hậu, mà luôn luôn được cập nhật với tinh thần thời đại. Và làm sao thông qua chiếc áo dài, người Việt không để mất căn tính về văn hóa của  mình, tránh bị xâm thực về văn hóa.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, bây giờ, người ta cho chiếc áo dài một cái nhìn khác, thậm chí được tự do hơn. Áo dài có thể may bằng vải jeans, bằng bất kỳ chất liệu nào, kết hợp với giày thể thao, bốt... Nhưng áo dài không được trở thành chiếc áo biến thái, thiếu thẩm mỹ, trở nên dị hợm, dung tục; mà phải thể hiện tinh thần thanh lịch, duyên dáng, sang trọng và gợi cảm. 

“Tôi muốn khi chiếc áo dài Việt mang hồn dân tộc khi đi ra thế giới thì phải mang vẻ đẹp toàn diện, tao nhã, được người nước ngoài công nhận và trân trọng, chứ không phải là một kiểu thời trang chắp vá, thiếu triết lý, vô hồn và thiếu sáng tạo” - Minh Hạnh chia sẻ.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem