Truyện dự thi: Chuyện làng Thạch Ngọc Bích

Nguyễn Trọng Văn Thứ bảy, ngày 30/11/2019 07:01 AM (GMT+7)
- Con chào cụ trẻ ạ. Cụ trẻ quyết về làng để dưỡng già thực là sáng suốt. Mà làng mình đang rất cần những người có tiếng nói, có quan hệ rộng như cụ trẻ. Con nói thật, làng mình lên phường đã mười năm rồi đấy nhưng còn nhiều chuyện để bàn, để khắc phục lắm.
Bình luận 0

Hãy còn đứng ngoài cửa ông Tỵ đã nói một thôi dài. Những câu nói liền mạch dường như đã được “chuẩn bị” trước. Tôi cười thầm “Gớm ghê chưa, cái nhà ông từng là lính lái xe năm năm chín (đoàn 559 Trường Sơn), cái nhà ông thượng tá nghỉ hưu này trở thành người “nhà quê” từ khi nào chẳng biết, một câu là gọi “cụ trẻ” hai câu là xưng “con” nhưng tôi cũng vội bước ra cửa. Tôi chìa bàn tay ra bắt.

- Bác Túy xưng hô như thế tôi ngại chết. Mà cứ vào nhà đã. Có gì từ từ nói vẫn kịp kia mà.

- Thưa cụ trẻ - Ông Tỵ sau cái chỉ tay ra hiệu của tôi thì ngồi xuống ghế. Ông chỉnh tư thế ngồi cho ngay ngắn thì nói tiếp - Làm quan làm tướng ở đâu không biết chứ đã về làng thì phải có tôn ti trật tự. Mất tôn ti trật tự là mất gia phong. Con nghĩ vậy phải không cụ trẻ.

Ông Lê Đình Tỵ hơn tôi bốn tuổi nhưng xét về góc độ gia đình thì đúng là ông gọi tôi là cậu. Đâu như hồi giữa năm bốn nhăm (1945) mẹ tôi đi chợ Đường Cái (một chợ  nhỏ bám ven đường Quốc lộ số 5 ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thăm người nhà bên đó có nhặt được một cô bé chừng mười một mười hai tuổi. Ban đầu là mẹ tôi nhìn cô bé gày như que củi đang ngồi bệt dưới đất, thở thóp bụng bên người mẹ đã chết vì đói thì bà thấy mủi lòng. Lại cám cảnh mồ côi giống như mình ngày xưa nên mẹ tôi đem cô bé ấy về nhà. Bà bảo với mọi người “Nó không chết được, nó chả lớn vù lên ấy. Tôi mang nó về làm chị con Na nhà tôi”. Mẹ tôi nói thế rồi cố đút cho cô bé vài ngụm nước mía mà bà vừa lấy cán dao cố giập giập từ mấy đầu mẩu mía người ta mới vứt bỏ.

Đúng như như lời mẹ tôi nói, chị cả Mía (mẹ tôi cứ thật thà gọi cô bé nhặt được là con Mía) từ khi mẹ tôi đưa về nhà phổng nhanh như thổi. Chị mới mười lăm tuổi mà bao trai tráng trong làng nhắn nhe. Mẹ tôi bảo “Nó là đứa con giời cho nên tôi phải tìm được nơi đáng mặt mới gả”. Mẹ tôi nói thế và làm như thế, năm chị cả Mía hai mươi mốt tuổi thì mẹ tôi cho chị đi ở riêng. Hôm nhà trai đem cơi trầu sang rước dâu (sau này tôi được nghe mẹ tôi kể lại) chị cả Mía trốn biệt trong buồng gọi thế nào chị cũng dứt khoát không chịu ra. Chị ngồi gục mặt vào hai đầu gối chân ở cuối giường, người chị nấc lên ngắt quãng nhưng không thành tiếng khóc. Mẹ tôi vội vào khuyên nhủ, chị cả Mía van “Mẹ đã đón con về nhà, phận làm con con chưa trả được, mẹ cho con ở với mẹ để con báo đền”. Mẹ tôi nghe chị cả Mía nói vậy thì mừng lắm nhưng bà nói gắt “Gái lớn thì phải lấy chồng. Mau nghe lời u ra ngoài chào người ta rồi người còn đón về kẻo trễ giờ”. Nhìn thái độ mẹ tôi rất cương quyết vả lại thấy mẹ tôi che tay lau nước mắt nên chị cả Mía thút thít đứng dậy. Chị đi lấy chồng, nhà chồng chị vào loại khấm khá và chẳng đâu xa, ở ngay đầu làng. Mẹ tôi bấy giờ mới cười cười bảo “Xa xôi gì đâu. U ới một câu là con đã về với u rồi”.

img

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Chị cả Mía lấy chồng dịp thu năm Nhâm Thìn thì giữa năm Quý Tỵ sinh con trai đầu lòng, đó chính là ông Lê Đình Tỵ, mẹ tôi vui lắm. Bà lên chức bà ngoại khi mới ngoài ba mươi nên cũng tự hào. Chẳng hiểu vì mẹ tôi “lây” chuyện đẻ đái hay vì như lời mẹ tôi nói năm nào mà bốn năm sau thì mẹ tôi sinh thêm tôi. Mẹ đặt tên tôi là Thêm, cái tên cũng còn ngầm ý chuyện tôi kém chị Na mười lăm tuổi, còn với chị cả Mía thì kém những hơn hai giáp. Chị cả Mía tuy bận bịu việc chồng con nhưng thường về lại nhà đỡ đần mẹ tôi. Chị dắt thằng cu Tỵ về ngoại. Cu Tỵ đưa tay rờ rờ mặt mũi tôi rồi ngây thơ hỏi mẹ nó “Con phải gọi em bé này là cậu hở u?”. Chị cả Mía xoa đầu bảo “Con gọi em bé là cậu và xưng con vì cậu vai ngang với thầy con”.

- Cụ trẻ tính - ông Tỵ ngần ngừ, kiểu cách khác hẳn lúc mới tới nhà - cụ trẻ tính làng mình giờ ăn gạo chợ, uống nước máy hết cả rồi…

- Thế thì phấn khởi chứ. Bác Tỵ uống cà phê đi để lâu đá nó tan ra loãng toẹt uống nhạt thếch.

- Con mời cụ trẻ ạ. Cụ trẻ tính xem xem. Làng không còn ruộng. Người làng được tiền đền bù, tiền bán đất đua nhau xây nhà to cao. Sợ lắm cụ trẻ ạ. Miệng ăn núi lở. Sau này hết tiền biết sống bằng gì?

- Tôi thấy ai cũng vui cả. Đấy, xe máy phóng suốt ngày, hàng quán sáng đèn nhộn nhịp như bên phố ấy. Đời sống nâng lên đấy chứ? Mà có thể thì tôi mới về làng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu chứ.

Ông Tỵ ngồi im tâm trạng dường như dành cho chuyện thưởng thức cà phê vậy. Nét mặt lúc ưu tư khi phân vân làm tôi thấy khó vào tiếp câu chuyện.

- Vâng - Chợt ông Tỵ ngẩng mặt nhìn ra sân nói - Năm nay nắng quá cụ trẻ nhỉ? Nắng thế này lại nhớ những bóng cây.

*        *       *

Làng tôi tên là Thạch Ngọc Bích, cái tên nghe rườm rà và hơi hoa mỹ thực chẳng hợp với tạng đồng đất làng quê. Đâu như quãng hơn ba trăm năm trước vùng này còn lau sậy um tùm, cỏ giả hoang vu chẳng một bóng người. Cái vùng đất trũng nằm ven chân đê sông Hồng thuở ấy cứ xa lắc xa lơ và tách biệt hẳn với bên kia sông là phố phường Hà Nội. Cho đến một ngày có một nhóm người ở dưới mạn Văn Giang (Hưng Yên bây giờ) tìm đến. Những người Văn Giang vốn năng khai khẩn nên từ lâu quanh vùng truyền nhau câu nói “Thấy Văn Giang là thấy làng. Thấy Bát Tràng là thấy chợ”. Những người Văn Giang tìm đến phát lau, đắp đất be bờ. Chuyện xưa kể lại: Dạo ban đầu khi người dân vỡ đất làm ruộng đã làm lồi lên một tảng đá lớn hình chữ nhật to như chiếc bàn. Điều lạ kỳ không ai dám nghĩ tới là giữa vùng lầy lội toàn rắn rết với cỏ lau lại có một tảng đá. Tảng đá vừa phát lộ có màu ngọc bích sáng óng ánh dưới ánh mặt trời. Cho rằng là điểm tốt nên những người đi khai khẩn đã quyết định ở lại lập làng. Tên làng ra đời từ đó, làng Thạch Ngọc Bích. Khu đất chỗ tảng đá phát lộ được người dân sau này dựng nên một ngôi chùa.

Chùa Thạch Ngọc Bích xưa thấp và nhỏ, nằm khem khép ở cuối làng, giáp với cánh đồng. Chẳng hiểu sao sau khi phát lộ tảng đá tự chồi lên khỏi mặt đất rồi phơi mình ở đấy, ai vần cũng không chuyển, ai lay cũng không dời. Người làng cho trồng xung quanh tảng đá những cây nhãn. Nhãn vườn chùa Thạch Ngọc Bích ngọt và thơm phải biết. Vào mùa nhãn chín, mùi nhãn thơm ngọt tỏa khắp làng. Các đời sư trụ trì đến ngày hái quả lại mời cả làng cùng thưởng. Những cây nhãn xum xuê cành lá che rợp cho tảng đá. Hồi còn ở làng lũ trẻ con chúng tôi thường đến chùa làng và tảng đá màu ngọc bích chính là chỗ chơi yêu thích nhất vì chỗ ấy rất mát. Chà chà tay lên tảng đá thấy mát rượi, luồng khí mát lan khắp cơ thể. Chơi ở đấy chẳng lo bị rầy la, chẳng sợ bị nắng. Lấy mẩu than củi chúng tôi vạch vạch lên bề mặt tảng đá những hình vuông vuông nối nhau. Trò chơi ô ăn quan diễn ra ở đó. Lớn lên một chút thì chúng tôi lại lấy than củi vạch vạch thành bàn cờ tướng. Những quân cờ “tiện” từ những mẩu khoai lang hóa ra lại là những cuộc chơi quên cả ăn cả uống. Hồi ấy ông Tỵ rất sáng dạ và là tay “cao cờ” số một trong đám trẻ con. Những nước cờ tựa như có phép biến hóa khiến chúng tôi dù có năm sáu thằng chụm đầu lại cũng đành chấp nhận thua. Chơi thua là tôi bỏ về khóc giận dỗi. Ông Tỵ lại phải chạy theo dỗ dành “Cậu ơi. Lần sau con với cậu về một phe nhé”.

Làng Thạch Ngọc Bích thực ra là xã Thạch Ngọc Bích, bây giờ là phường Thạch Ngọc Bích. Một ngôi làng to vào loại nhất nhì tả ngạn sông Hồng. Làng có bảy thôn, ngoại trừ thôn Hội và thôn Ngô hơi tách một chút còn năm thôn còn lại quay quần nên làng khá đông đúc, người làng Thạch Ngọc Bích quanh năm chỉ có mỗi một nghề, đó là trồng lúa. Dịp tháng năm tháng mười khi những cây lúa chín, đứng trên đê sông Hồng nhìn về làng chỉ thấy một màu vàng rực. Thứ màu ấy tôi mang suốt quãng thời thơ ấu. Dịp tháng năm tháng mười khi những cây lúa chín khắp trong làng ngoài đồng dậy lên một mùi rơm mới, âm ấm ngai ngái. Thứ mùi ấy mang nhớ đến tận bây giờ. Vẻ quê hiền hòa và thanh bình cứ êm đềm trôi qua bao năm tháng. Dạo chiến tranh phá hoại, bom Mỹ nổ dậy đất long trời nhưng dường như chẳng làm làng Thạch Ngọc Bích bị chút gì gọi là hề hấn cả. Người làng vẫn ra đồng, vẫn chiều chiều vẳng lên tiếng gọi trẻ về ăn cơm. Người làng vẫn như thế, bao bọc và chia sẻ như chẳng hề có chuyện vấn vương. Người làng vẫn thế nghĩa là vẫn trọn chất quê ngay nơi sát nách đô thành.   

*        *        *

- Bác Tỵ vẫn còn chơi cờ tướng đấy chứ? - Tôi chuyển hướng câu chuyện.

- Có cụ trẻ về làng thì may ra ông con mình còn chơi cờ tướng chứ bọn trẻ bây giờ chúng nó toàn chơi trò chơi điện tử với cắm mặt vuốt miết sờ mát phôn thôi.

Nắng chiếu ong ong. Tiếng nắng nổ lép bép ngoài sân, nổ lép bép trên mái nhà, nổ lép bép trên những tán lá. Ông Tỵ thấy tôi nhắc lại chuyện chơi cờ tướng thì mừng ra mặt. Hình như cái máu tính toán nước tiến nước lùi ngày nào đang trở về.

- Cụ trẻ biết đấy, làm ăn thường ngày cũng như mưu tính dài lâu đều như cách người ta chơi cờ vậy.

- Bác nói tôi chưa hiểu.

- Dạ. Thưa cụ trẻ. Tức là nếu ta tính một nước tiến thì phải nghĩ tới ba nước lùi. Thế mới là người biết chơi cờ giỏi. Ngày xưa cánh cụ trẻ chơi toàn thua bởi chỉ nhăm nhăm đến một nước tiến, nhăm nhăm muốn ăn của người ta con cờ gì chứ không tính đến phải chơi chắc. Các cụ ta có câu “Dục tốc bất đạt” đó sao. Chuyện chơi cờ ngày xưa với chuyện ngày nay cũng thế. Cụ trẻ bảo con nói có đúng không?

- Bác nói chuyện ngày nay?

- Dạ vâng ạ. Làng mình giờ lên phường. Cái được là đường sá trong xóm ngoài ngõ trải nhựa phẳng lỳ. Cái được là nhà nào nhà nấy nhìn bề ngoài đều ngỡ phất lên.

- Còn cái chưa được?

- Thì đấy. Thưa cụ trẻ. Cái được cứ tạm gọi là “nước tiến” trong chơi cờ đi. Còn cái chưa được tức là ta chưa nghĩ đến vài ba “nước lùi” cho một thế cờ. Chơi cờ mà bỏ quên nước lùi là thua ngay. Không có lùi tức là khi bị tấn công chẳng biết đường nào mà tính.

Tôi ngả người tựa hẳn lưng vào thành ghế, kiểu như đang thư giãn chứ thực ra nghe ông Tỵ nói tôi thấy đáng suy nghĩ lắm. Từ khi làng Thạch Ngọc Bích được nâng cấp thành một phường tôi mừng lắm. Mừng là quê hương được đổi mới, được khang trang. Từ nội thành bây giờ về làng tôi dễ như trở bàn tay. Mất chừng mươi mười lăm phút chạy xe máy là tới. Đấy cũng là lý do để tôi về lại làng tiếp nhận lại phần đất cùng căn nhà cũ do cha mẹ để lại.

- Cụ trẻ mới về lại làng chắc chưa ra thăm chùa được?

- Tôi cũng đinh ninh bữa nào mát trời sẽ ra thăm chùa. Lại nhớ hồi bé nếu mà vào buổi tối có cho kẹo tôi cũng không dám ra chơi chùa.

*        *       *

Cuối hè năm 1971, vừa học xong lớp 10 và cũng tròn 18 tuổi, cậu trai làng Lê Đình Tỵ có giấy gọi nhập ngũ. Chồng chị cả Mía khi ấy đang ở chiến trường nhưng chị không ngăn cản hay thắc mắc gì nhưng chị lên “xã” nằng nặc đòi cưới vợ cho Tỵ bằng được. Chị cả Mía “lý sự” rằng “Đủ tuổi đi bộ đội cũng nghĩa là đủ tuổi lấy vợ”. Chị lý sự, đấy như chồng tôi đấy, hồi lấy tôi ông ấy cũng mới 18 tuổi (ở quê tôi xưa có lệ lấy vợ phải lấy người hơn tuổi). Rồi chị bảo với “xã” rằng “Cứ cho nó cưới vợ để ở nhà cho tôi rồi nó đi bộ đội đến bao giờ về cũng được”. Chính quyền xã hồi ấy đành thỏa hiệp. Lê Đình Tỵ cưới vợ “chỉ trong vòng một nốt nhạc”, ở với vợ mới ba đêm rồi đi. Làm lính lái xe năm năm chín một mạch tới ngày hòa bình mới về lại thăm nhà. Anh lính trẻ ngỡ ngàng nhìn cô con gái hơn ba tuổi của mình đứng mở tròn đôi mắt nói to “Cháu chào chú bộ đội ạ”. Con bé mãi không chịu gọi “bố” nó cứ “chú bộ đội” mà gọi. Chị cả Mía, tức bà nội nó, khuyên nó vẫn chưa chịu. Cho đến khi nửa đêm hôm ấy nó chợt tỉnh giấc và thấy bố mẹ nó âu yếm nhau thì nó mới gọi là “bố”.

Tôi nhắc lại chuyện cũ làm ông Tỵ đỏ mặt. Ông Tỵ vòng tay ra sau gáy năn nắn lại cổ áo, nắn cổ áo xong thì lại cài lại từng chiếc cúc nắp túi. Động tác rất chi là chỉn chu bộ đội nhưng ẩn vẻ ngượng ngùng, lúc sau ông nói.

- Xấu hổ chết đi được. Nó thấy bố đang ôm chặt mẹ nó nên nó sợ. Nó kêu váng nhà làm mình không biết giải quyết thế nào, may mà mẹ nó kéo nó vào lòng vỗ về “Con muốn có em bé để cùng chơi không?” con bé gật gật đầu. Mẹ nó nói tiếp “Ngày trước bố mẹ cũng làm như thế mới có con đấy. Sắp tới con sẽ có em bé. Sướng nhé. Con gọi một câu “bố” đi”.

- Bác là nhất đấy. Đi biền biệt. Dăm ba năm mới về phép thăm nhà. Mỗi lần về nhà là có thêm một đứa con. Vị chi là bốn cô con gái. Đủ tứ tử trình làng rồi. Nhất bác đấy - Tôi rót thêm nước chè vào chén của ông Tỵ - Cháu ngoại thì nửa tiểu đội lại toàn cháu trai nữa mới vui. Đúng là người ta bảo “ông giời có mắt”, giời chẳng cho ai thiệt bao giờ. Mà tôi vẫn còn chưa có con dâu đây này.

- Thời buổi nó bảo vậy thì mình làm như vậy. Cũng thương vợ của con lắm, bao năm cũng chỉ mỗi cô ấy một thân một mình, tự đẻ đái và tự nuôi con. Còn may là còn có cụ cố nhà mình, có mẹ con ở gần. Không biết nếu không được thế không hiểu vợ con xoay sở ra sao nữa - Ông Tỵ trầm ngâm - Cụ trẻ biết rồi đấy. Đẻ nhiều con tức là vi phạm chính sách, vi phạm chính sách nên đến khi về hưu con vẫn là thằng thượng tá chuyên nghiệp. Cấp trên nhắc nhở suốt. Cũng tại vợ con, cô ấy cũng “hăng hái” lắm kia.

- Vợ bộ đội nào mà chẳng hăng hái. Xa chồng đằng đẵng thì nhiều. Bên nhau thì ngắn ngủi. Không hăng hái mới là lạ.

Đúng là ông Tỵ cả đời chỉ biết có mỗi hai nơi. Một là làng mình và hai là đơn vị bộ đội. Ông từng tâm sự “Chẳng đâu bằng làng mình cả”. Tôi từng vặn hỏi “Vì lý gì chứ?”. Ông Túy trả lời “Vì ở làng có vợ có con mình”. Lại đúng như thế. Ông Tỵ đi bộ đội liền tù tì ba mươi bảy năm thì được nghỉ hưu. Về làng lại cũng đúng vào dịp cả vùng quê ngoại thành Hà Nội có cuộc “chuyển đổi” cả về chất và về lượng. Ông Tỵ được giới thiệu làm bí thư chi bộ thôn liền ba khóa, làm chủ tịch Hội cựu chiến binh phường hai khóa. Chất lính xông pha những nơi khói lửa ngày nào được đem ra thi thố.

Tuy ở nội thành nhưng mỗi năm tôi về làng đôi ba bận. Khi thì giỗ chạp. Lúc trong họ có đám hiếu đám hỷ. Lần về nào cũng nghe mọi người nói chuyện ông Tỵ. Người khen có. Người có ý khác cũng có. Đặc biệt nhất là được nghe mọi người cho hay “Làng này không có ông Tỵ thì “nát” lâu rồi. Đấy cái chuyện ông Tỵ tập hợp bà con trong làng cương quyết đấu tranh với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị để giữ lại khu đất làm sân chơi cho trẻ con cho người già. Nếu không có khu đất ấy thì giờ người làng chẳng còn có nơi mà sinh hoạt cộng đồng với tổ chức hội làng.

Những năm đổi mới sân kho hợp tác với nhà kho hợp tác đã mai một. Nơi thành đất giãn dân, chỗ thành được chia cho những hộ chưa có nhà. Buồn nhất là ruộng vườn cũng mất. Trào lưu  lập khu công nghiệp với khu đô thị rầm rộ nên tấc đất tấc vàng càng đúng với ý nghĩa của nó, đất vườn đi đằng đất vườn, đất ruộng đi đằng đất ruộng. Khắp làng chỗ nào cũng thấy dán giấy rao bán nhà bán đất. Khắp làng chỗ nào cũng thấy nói chuyện giá cả đất cát. Làng giờ nửa phố nửa quê, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt. Về làng giờ hỏi tìm nhà ai có mấy ai hỏi ở xóm chùa hay xóm đình, hỏi gần nhà ông nào bà nào mà hỏi ở tổ bao nhiêu, ở chung cư hay ở khu biệt thự. Cái tên làng tên xóm giờ ít người nhớ. Bọn trẻ lại càng không biết.

Tuần trà thứ hai được nối tiếp. Tôi với tay vặn tăng số chiếc quạt trần. Tiếng gió vù vù. Luồng gió tản ra nhanh chóng xua đi hơi nóng từ ngoài sân hắt vào.

- Bác cứ cởi áo ra cho mát. Nhà chỉ có hai ông già với nhau chứ có ai đâu mà ngại. Mà bác cứ ăn vận như hồi tại ngũ ấy? Sao không mặc áo đông xuân hay đại loại áo bằng chất vải cho mát. Chứ áo bộ đội dầy cộp mặc nóng chết, hơn nữa bác lúc nào cũng cài đủ cúc, lúc nào cũng gọn gàng như đứng trong đội ngũ vậy.

- Dạ thôi cụ trẻ ạ. Mấy chục năm bộ đội nên con quen mất rồi. Vả lại cái áo này tuy cũ nhưng được cái nó bền. Thưa cụ trẻ. Phàm là những thứ gì bền thì ta không nên bỏ. Cái gì bền đều quý. Những thứ mầu mè tưởng hay nhưng nhanh hư làm sao sánh được.

Lại một thôi dài. Giọng điệu ông Tỵ bất ngờ chuyển sang thâm thúy. Tôi hơi nhíu mày. Động tác ấy không qua được con mắt của ông Tỵ, ông vội xua tay.

- Con xin lỗi cụ trẻ. Thực con không có ý gì. Chẳng qua là con đang nghĩ đến một chuyện khác nên con buột miệng nói ra thôi.

- Tôi có nghĩ gì đâu. Thấy bác nói bền với mau hư nên tôi có chút để tâm thôi.

- Cụ trẻ là nhà báo. Nhà báo biết nhiều nên có nhiều phân tích sâu sắc. Cụ trẻ nói hộ con xem.

- Bác cứ hỏi.

- Dạ vâng. Đơn cử như chuyện làng mình trở thành phường đi. Chuyện tiến bộ hay phát triển đi lên ai mà chẳng thích.

- Rồi sao nữa?

- Thì đấy. Thưa cụ trẻ. Con lại cứ đơn giản ví dụ thế này. Làng mình có từ ngày xưa. Từ ngày xưa người làng mình gắn bó thương yêu nhau, cùng nhau sống cùng nhau sinh con đẻ cháu. Mấy trăm năm rồi, làng mình ví như cái áo bền chắc ấy. Giờ chợt nó được khoác lên mình một chiếc áo mới. Đẹp hơn đã đành rồi nhưng bền hơn thì còn phải đợi.

- Ý bác thế nào?

- Dạ. Thưa cụ trẻ. Hồi xưa người làng mình thấy nhà ai khấm khá lên thì đều mừng đều hoan hỉ cứ như nhà mình khấm khá vậy. Nào là sang giúp, nào là sang hỏi thăm. Con nhớ cái đêm trước khi con nhập ngũ ấy bà con hàng xóm kéo đến chơi thăm đông như hội. Hì hì, nói cụ trẻ đừng cười. Cái thằng trai mới cưới vợ lại có mỗi đêm nay là đêm cuối để sáng mai lên đường rồi mà bà con cứ ngồi chơi, thế cụ trẻ bảo có sốt ruột không kia chứ. Miệng cười vui vẻ nhưng đầu óc cứ hướng về buồng trong. Sốt ruột vậy thôi nhưng con thấy bà con có nghĩa có tình có sau có trước thì bà con mới tới. Thôi chuyện ấy con không nói nữa. Con nói chuyện hôm nay kia. Dạ. Chuyện là như thế này.

- Bác cứ nói.

- Giờ ấy á. Thấy nhà bên xây nhà cao to thì lườm với nguýt. Rồi cãi nhau tranh giành từng ly đất. Rồi không cho nhau để nhờ gạch cát. Tệ nhất là có nhà còn không cho nhà bên trát tường giáp với nhà mình nữa. Có nhà còn xây lấn ra bịt lối đi chung. Hỏng hết rồi cụ trẻ ạ. Mất hết nghĩa tình. Mất hết láng giềng. Tất cả chỉ vì lợi nhuận riêng. Hở ra chỗ đất trống nào là xây nhà cho công nhân thuê. Hở ra chỗ đất trống nào là nhẩy vào lấn chiếm. Đến đất chùa họ cũng không tha. Vườn tược chặt bỏ. Cứ xây nhà và xây nhà. 

*    *    *

Làng Thạch Ngọc Bích bây giờ nằm kẹp giữa ba bề bốn bên là đường sá với nhà xưởng. Con đường quốc lộ số 5 chắn ngang phía bắc làng có từ lâu lắm rồi thì đã đi một nhẽ. Đường quốc lộ 1B, con đường dẫn lên cầu Thanh Trì, trông như một con đê quai che ở phía đông ngày đêm ầm ầm xe chạy. Còn phía nam là con đường 40 mét đền đuốc sáng choang. Phía tây là khu công nghiệp nhộn nhịp người xe vào ra hố hả. Tựu trung lại làng Thạch Ngọc Bích bây giờ như nằm lọt thỏm trong một cái giỏ khổng lồ. Những ai đã vào đấy sẽ có cảm tưởng một bầu không khí nhột nhạt đến tức thở.

- Mọi người cứ nói với nhau là làng mình giờ nằm trong “Sáu cái hóa”. Đó là “Đô thị hóa” là “Đường sá hóa” là “Công nghiệp hóa” là “Dân số hóa”, là “Du nhập hóa” và đặc biệt là “Dự án hóa”. Sáu cái hóa trong thời buổi kinh tế thị trường với phát triển nông thôn thành ra một sự “biến hóa đáng lo ngại” cụ trẻ ạ.

- Biến hóa đáng lo ngại?

- Vâng. Thưa cụ trẻ. Biến hóa về vật chất sẽ làm biến hóa về lối sống. Đấy chuyện tình nghĩa hàng xóm láng giềng phôi phai như con đã nói. Lo nhất là chuyện “Du nhập hóa” vì không khéo có làng đấy mà chẳng còn làng nữa.  

- Theo tôi biết thì du nhập tức là ta đón cái mới đến để hội nhập với trào lưu chung. Chẳng lẽ cứ quẩn quanh với bốn góc bờ. Tiến bộ và hiện đại đang là xu thế. Nông thôn phát triển từng là ước ao của bao đời đó sao? Tôi thấy bác hơi quá lo xa đấy.

Ông Tỵ im lặng. Ông ngọ nguậy người. Hình như chiếc áo bộ đội cũ đã trở nên chật chội hay chí ít nó đang cho thấy một sự khó chịu khi cơ thể gặp nóng đang như nở ra mà vẫn phải ở trong đó. Hồi lâu ông Tỵ mới thong thả.

- Mai con với ông trẻ ra thăm chùa làng nhé. Con quên phắt mất việc vợ con giao, bà ấy bảo tìm xem xem nhà nào tí vườn để hỏi xin nắm lá nhọ nhồi về giã ra đắp trán cho thằng cháu con đứa con gái thứ ba. Nắng quá nên nó sốt. Đấy giá mà vườn tược còn, cây cối còn thì đâu đến nỗi. Con là lái xe Trường Sơn nên con thấm lắm. Cây cối nó đỡ đạn bom cho mình. Hồi Mỹ đánh phá đường Trường Sơn đấy. Xe chạy đoạn nào không có cây rừng là ăn bom ngay. Chỗ nào có rừng thì tốt rồi. Cứ gọi là vừa chạy vừa tranh thủ ngủ ấy. 

- Bác Tỵ có gì giận tôi à?

- Ấy chết. Con đâu có dám. Chuyện còn dài lắm. Hôm nay quấy quả cụ trẻ hơi nhiều rồi. Mà cụ trẻ bà với các ông trẻ độ này thế nào rồi ạ. Con thật đáng trách vì không hỏi thăm sớm.

- Cám ơn bác. Bà ấy nhà tôi với hai thằng em bác mải làm ăn bên phố. Bảo về làng ở cho thoáng nhưng vẫn chưa nghe. Hình như ở phố vẫn là điều nhiều người thích hơn cho dù chặt chội cho dù bon chen. Thế chăng nên người ta cứ nhào ra phố mà làm ăn, cứ sính ở phố cho nó sang. Tôi hưu rồi nên về sống ở làng xem chừng thấy hợp.

*    *    *

Sáng nay thời tiết có dịu đi đôi chút. Cơn mưa giông đêm qua dù chưa đủ như mong muốn nhưng nó cũng làm những tán lá cây xanh mướt trở lại. Ông Tỵ không cần đánh tiếng, chẳng cần ngó nghiêng, ông luồn tay qua cánh cổng sắt loạch xoạch vài giây rồi đẩy cánh cổng mở toang ra. Chỉ với cử chỉ ấy thôi đã cho thấy ông Tỵ hình như rất “thân” với nhà chùa.

- Cụ trẻ vào đi. Sáng nay cả hai thày chùa đều có nhà.

- Bác liên hệ trước à?

- Dạ không. Cách đóng cổng như thế này là các thày chùa có nhà. Nếu đi vắng thì cổng đã khóa.

- Mình vào đường đột liệu có tiện?

- Cụ trẻ quên rồi à? Cửa chùa vốn xưa nay luôn rộng mở. Chùa làng mình chứ có phải công sở đâu mà mình phải xin phép, phải chờ được phép. Chùa làng hay nhất là ở chỗ đó. Ai có việc vui thì lên chùa chia vui. Ai có chuyện buồn thì lên chùa giãi bầy. Con mời cụ trẻ.

Chùa sáng nay thanh vắng. Hai nhà sư thấy có tiếng chân vào thì dảo chân ra đón khách. Tôi giật mình vì hai thày chùa đều là nữ. Cả hai sêm sêm tuổi nhau, đâu chừng ngoài năm mươi. Một người ý chừng là trụ trì cất tiếng.

- A di đà phật. Ông Tỵ tới đấy à? Ồ chào hai ông. Chuyện bữa nọ đến đâu rồi hở ông Tỵ?

- A di đà phật – Tôi vội lên tiếng – Phiền nhà chùa cho chúng tôi vào, trước là được thắp nén nhang còn sau là vãng cảnh.

- Mời hai ông tự nhiên.

Tôi đưa mắt làm một vòng quan sát ngôi chùa. Được tu bổ, được nâng cấp nên chùa khá bề thế nhưng vẻ thanh tịnh từ hồi xưa dường như vẫn còn đọng lại. Mùi hương trầm nhẹ nhàng tỏa ra khiến tâm hồn thanh thản hẳn. Hai nhà sư nữ sau câu nói “Mời hai ông cứ tự nhiên” thì quay ra lúi húi lau với dọn. Ông Tỵ tranh thủ giới thiệu.

- Con cũng năng lên chùa cụ trẻ ạ. Năng lên chùa thành ra các sư đây đâm quý. 

Nghe ông Tỵ nói vậy tôi hơi tò mò “Chẳng lẽ người đàn ông từng trải này giờ chuyển sang vui chuyện chùa?”. Chừng như đoán được ý tôi nên ông Tỵ nói tiếp.

- Chả là vừa rồi có mấy hộ dân “nhảy” vào đất chùa để trồng rau. Họ nói là thấy vườn chùa rộng nên xin trồng nhờ rau. Nghe cũng thấy có lý nhưng năm đầu trồng rau, năm sau dựng túp lều canh rau. Rồi lân la dỡ lều dựng nhà. Thưa cụ trẻ. Họ dựng nhà dĩ nhiên là để ở rồi. Một nhà làm được thì hai ba nhà làm theo. Chùa chỉ có hai vị sư nữ thành ra yếu thế. Mà hai vị này, người thì quê Hải Dương, người từ Hà Nam lên vậy mà gắn bó với chùa với làng như người làng. Cụ trẻ tính, cứ cái đà ấy thì không chỉ vườn chùa mất mà đến chùa có khi cũng không còn.

- Và.

- Và các cụ cao tuổi. Và chi bộ và cả chi hội cựu chiến binh nữa phải đứng ra. Cũng vất vả lắm. Người ta viện mọi lý do để ỳ ra. 

- Giờ sao rồi bác Tỵ?

- Giờ thì tạm ổn rồi. Cứ lấy chuyện tình làng nghĩa xóm ra để giảng giải. Cứ lấy chuyện người xưa phải bỏ công sức, bỏ thời gian ra để khai khẩn đất hoang mà lập nên làng ra để thuyết phục. Cương quyết có. Nhẹ nhàng có. Làm từng bước một. Chỗ dễ làm trước. Nhà nào biết nghe làm trước. Rồi người này trông người kia. Cụ trẻ chắc đã nghe chuyện sư cụ chùa này được phong “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Vâng, chuyện nghe hơi lạ đúng không ạ?

- Tôi nhớ. Sư cụ ngày xưa có nhận nuôi một cậu bé mồ côi không rõ quê quán cha mẹ ở đâu. Rồi cậu bé ấy lớn lên trong chùa ấy đi bộ đội và hy sinh. Liệt sĩ từng là “chú tiểu” chùa làng, người mẹ nuôi dù là sư đi chăng nữa được phong “Mẹ Việt Nam anh hùng” thì là đúng quá đi rồi”.

- Dạ vâng. Tự hào lắm chứ. Để khuyên nhủ những người làm sai chúng con cũng nhắc tới chuyện ấy. Niềm tự hào đã góp phần đáng kể vào chuyển biến cho những người hiểu sai, làm sai cụ trẻ ạ.

- Ông Tỵ đây giúp chùa nhiều lắm ông ạ – Vị sư nữ có lẽ là trụ trì chẳng hiểu đến bên chúng tôi từ khi nào. Bà chờ cho ông Tỵ nói xong thì mới đế vào - Không có ông ấy chúng tôi chắc chịu. Các ông chắc còn có chuyện gì muốn nói?

Quả tình là vị sư nữ này khá tinh ý. Bà vuốt vạt áo nâu cho phẳng phiu rồi ngồi xuống ghế. 

- Hai ông uống nước đi. Nhà chùa chỉ có nước lá vối uống giải nhiệt thôi.

- A di đà phật. Nóng thế này được uống nước lá vối thì còn gì bằng. Cho hỏi, nhà chùa hiện có an nhiên?

- Ông Tỵ ông ấy nói phải lắm ông ạ. Chẳng gì bằng tình người cả. Nhà chùa là chốn an lành – Vị sư nữ trụ trì thong thả. 

- A di đà phật. Cho tôi được hỏi – Tôi sốt ruột – Tảng đá ngọc bích vẫn ở chỗ cũ?

- A di đà phật. Ơn giời tảng đá vẫn còn. Hồn làng vẫn còn. Mời hai ông ra thăm cho mát.    

*    *    *

Tôi vội rời chỗ ngồi đi ra ngoài sân. Từng bước, từng bước chậm rãi tới vườn chùa. Dưới vòm lá nhãn xanh um, tảng đá màu ngọc bích ngự bền bỉ qua thời gian đang phát quang óng ánh. Tảng đá tưởng vô tri vô giác vậy mà có gì đấy như đang níu gọi. Tôi chà chà tay lên bề mặt của tảng đá. Một luồng khí mát lan truyền khắp cơ thể. Tôi đứng yên rồi nhắm mắt lại. Từ xa thẳm bỗng hiện lên trên bề mặt của tảng đá màu ngọc bích một chiếc bàn cờ nhỏ. Chiếc bàn cờ được làm bằng một tấm ván gỗ mít, anh ánh sắc vàng. Trên bàn cờ là những quân cờ hình tròn dẹt được tiện bằng sừng trâu. Quân trắng quân đen đã đều vào thế.

“Một nước tiến. Ba nước lùi” tôi nghe vẳng từ xa xa vẳng lại. “Làng quê nào cũng có sự tích riêng. Cũng có dấu ấn riêng và có niềm tự hào riêng. Trong sự đi lên của mỗi làng quê dĩ nhiên cũng có những đổi thay. Giữ làng như thế nào ư? Giữ là giữ nết ăn nết ở. Cứ dấu xưa nếp cũ mà giữ mà duy trì. Hãy nhớ câu “Đất có bền thì cây mới vững”. Được như thế thì một chứ sáu cái “hóa” cũng không đáng ngại.

Truyện dự thi: Chuyện làng Thạch Ngọc Bích - Ảnh 1.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem