“Bài ca trăng sáng” - câu chuyện xúc động về tình người

Thúy Hà Thứ sáu, ngày 11/03/2016 07:16 AM (GMT+7)
Nhà văn Ma Văn Kháng từng nói trong tập tiểu luận “Nhà văn là ai” của ông rằng: "Nhà văn là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn và tự gánh vác lấy trách nhiệm phụng sự lợi ích của con người và nhân dân mình.
Bình luận 0

Nhà văn Ma Văn Kháng từng nói trong tập tiểu luận “Nhà văn là ai” của ông rằng: "Nhà văn là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn và tự gánh vác lấy trách nhiệm phụng sự lợi ích của con người và nhân dân mình. Và công việc của anh là đem lại cái gọi là văn cho cuộc đời. Nó do tài năng nhà văn tạo nên”. Suốt cuộc đời gần 60 năm cầm bút của mình, ông đã lao động không biết mệt mỏi để đem đến “văn” cho cuộc đời. Tập truyện ngắn “Bài ca trăng sáng” của ông do NXB Kim Đồng mới ấn hành ra mắt bạn đọc là một thành quả mới của ông, một nhà văn vẫn miệt mài sáng tác ở tuổi 80, giữa những lần ra rồi lại vào viện vì căn bệnh tim quái ác.

Tập truyện ngắn giới thiệu 4 sáng tác mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng viết về cuộc sống, tình cảm của người dân miền núi phía Bắc gồm: “Con Clếch của tôi”, “Bài ca trăng sáng”, “Thím Hoóng”, “Vợ chồng Mìn và những đứa con”. Dù ở bản người Dao, trong gia đình người Phù Lá, là nhà người Tày hay người Hoa, dù trải qua mất mát, đau  khổ, hy sinh nhưng sau hết tình người, tình đời vẫn gắn kết những số phận bên nhau và giúp họ cùng vượt qua mọi biến cố để cuộc sống lạc quan, tràn đầy tin yêu.

img

Tập truyện ngắn “Bài ca trăng sáng”. Ảnh: Thúy Hà

Trong câu chuyện về chú chó Clếch trong “Con Clếch của tôi”, nhà văn Ma Văn Kháng kể về một chú chó con lạc mẹ, được cậu bé Phìn cưu mang, chú chó Clếch thành một thành viên mới của bản Tòng Sành của người Dao. Thế nhưng chiến tranh đã không cho Clếch được sống một cuộc đời hạnh phúc, đến lúc sắp được gặp lại mẹ thì viên đạn của viên quan Pháp đã bắn vào tim chú, cướp đi cuộc đời của con vật đáng thương, làm trái tim người đọc nhói đau.

“Bài ca trăng sáng” kể về một câu chuyện khác xảy ra trong một gia đình người Phù Lá. Họ không có chữ viết, thậm chí họ đánh mất cả tiếng nói, thế nhưng qua ngòi bút của nhà văn Ma Văn Kháng lại cho chúng ta thấy đó là những nhân cách vô cùng cao quý và lớn lao. Người cha Chẩn Khu và người con dâu tên Chin cũng giấu trong lòng 1 nỗi đau khi cùng biết tin anh Chẩn Hồ- người con trai và là người đàn ông trụ cột trong gia đình hy sinh nơi mặt trận. Nhưng họ giả vờ như không biết chuyện đó, họ vẫn làm việc và sống như bình thường, vì không muốn làm cho người khác buồn, và thêm vào đó, họ vẫn phải làm chỗ dựa cho đứa cháu, đứa con nhỏ trong nhà. Những góc khuất tâm lý của các nhân vật được ngòi bút của nhà văn phác họa vô cùng tinh tế mang đến nhiều rung cảm cho độc giả.

“Vợ chồng Mìn và những đứa con”  và “Thím Hoóng” cũng là những câu chuyện xúc động về tình người mà ta chỉ có thể tìm thấy trong những trang văn đầy tình cảm của nhà văn Ma Văn Kháng. Ông viết về niềm vui hay nỗi buồn cũng đều trong trẻo và bình yên như nhau, đem đến những cảm xúc ấm áp cho người đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem