“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”: Cái nhìn ngược sáng về “phía bên kia”

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 17/04/2015 08:00 AM (GMT+7)
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh là cuốn sách duy nhất có được số phiếu đồng thuận tuyệt đối để giành “Giải thưởng Văn học năm 2014” của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 16.4, một cuộc tọa đàm về cuốn sách được tổ chức tại Hà Nội. 
Bình luận 0

Nhiều tư liệu nguyên bản

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là cuốn sách chân thực nhất về những ngày cuối cùng trước sự kiện 30.4.1975 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những bức thư, điện văn, các tóm tắt tin tức tình báo, các bản tường trình cùng lời khai của hàng chục tướng lĩnh quân đội Sài Gòn mà tác giả đưa vào trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này đều là tài liệu nguyên bản. Ngoài ra phần bổ sung mới nhất vừa được tái bản bởi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật là những khắc họa sinh động về 249 nhân vật chủ chốt trong bộ máy chính quyền và tướng tá quân đội Sài Gòn.

img
 Nhà báo Trần Mai Hạnh tại cuộc tọa đàm về cuốn sách ngày 16.4. Ảnh: Thanh Hà.

“Có thể nói độ tin cậy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở thời gian ban hành văn bản cũng như thời khắc các bức điện tuyệt mật chỉ huy tác chiến được phát đi. Và điều đó khiến cuốn sách vừa có giá trị văn chương, vừa có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử”- nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, cách viết của tác giả Trần Mai Hạnh có nhiều hanh thông nhưng cũng có cơn bĩ cực. Tác giả đề cập rất trung tính, khách quan tới cái chung của những nhân vật chóp bu chính quyền Sài Gòn cũ nhưng trong sâu thẳm của con chữ, người đọc nhận ra nỗi ngậm ngùi cho số phận, cơ duyên của kiếp người.

“Tôi cho đó là tính tiểu thuyết của tác phẩm là ở chỗ đó. Nhờ nó, độc giả thấy được những nhân vật như Nguyễn Văn Thiệu, Ngô Quang Trưởng, Phạm Văn Phú… thấy phần đồng loại, đồng bào trong đó. Tất cả đã là quá khứ, đã thành lịch sử. Nhìn lại không phải để hâm lại căm thù, để nuôi dưỡng đối kháng mà chủ yếu để tìm một cách đi vào tương lai. Cách đi cho mỗi người và cho cả dân tộc”- nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Quyền uy của tư liệu

Tác giả Trần Mai Hạnh cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” nhằm tái hiện và phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Tôi mong muốn tác phẩm có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử. Bởi sự tưởng tượng của nhà văn dù có phong phú đến đâu, một khi đã xác định xây dựng một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử thì sự thật lịch sử, tính trung thực, khách quan, không thiên kiến của ngòi bút khi tái hiện lại các sự kiện, sự việc cũng như con người cụ thể phải được đặt lên hàng đầu”.

Quan điểm

Nhà báo Trần Mai Hạnh
  Tôi vẫn nghĩ sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, nên tôi đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản về cuộc chiến của phía bên kia mà mình có   cơ duyên tiếp xúc”. 
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có cách nhìn “ngược sáng”. Đã từ lâu, như một truyền thống mặc định, viết về chiến tranh thông thường nhà văn chọn góc nhìn thuận, như nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn góc độ ống kính thuận chiều ánh sáng khi tác nghiệp. Nghĩa là viết với tư thế của người chiến thắng. Nhưng với nhà báo Trần Mai Hạnh thì đã đi ngược lại cái truyền thống, quy luật thông thường ấy.

Tác giả đã chọn đối phương để viết, đã chọn cuộc đời và số phận của những nhân vật chóp bu phía bên kia như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ… để từ đó, với cái nhìn “ngược sáng” đã giúp tác giả hiểu rõ nội tình chính quyền Việt Nam cộng hòa, làm gia tăng tính chân thực của tác phẩm”.

“Khá thú vị khi thấy quyền uy của tư liệu trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh. Các tư liệu không hề cản trở năng lực hư cấu, trái lại, nếu đọc kỹ cuốn sách sẽ thấy tư liệu ùa vào tác phẩm mà không bị xơ cứng, thô ráp, khô khan. Bởi nó được tổ chức kết cấu, bố cục hợp lý để dễ dàng cho độc giả nhìn thấy quá trình tự sụp đổ từ bên trong của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ”- nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho hay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” chính là điển hình về văn học tư liệu. Trần Mai Hạnh đã góp phần khẳng định với các nhà văn rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tư liệu”.

“Một điều mà tôi rất trân trọng tác giả khi viết về cuộc chiến tranh này là cách nhìn nhân văn của tác giả đối với những người ở phía bên kia. Vào thời điểm được đứng và chứng kiến tận mắt những giây phút lịch sử đó, có thể tác giả cũng rất dễ bị thương với làn đạn, hay những mũi súng từ phía bên kia chĩa vào mình. Thậm chí có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào, nhưng dù thế nào, tác giả vẫn nhìn với cách nhìn nhân văn”- nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem