Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới: Đại diện Bộ VHTTDL nói gì?

Thanh Hà Thứ tư, ngày 14/03/2018 12:15 PM (GMT+7)
Đại diện Phòng Di tích- Cục Di sản- Bộ VHTTDL khẳng định, theo hồ sơ Bộ mới chỉ phê duyệt xây dựng cổng Tam quan chứ chưa phê duyệt việc mở lối từ cổng Tam quan vào chùa.
Bình luận 0

Mới đây, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại diện phòng Quản lý di tích – Cục Di sản, Bộ VHTTDL, về sự việc xây dựng mới cổng Tam quan tại chùa Bổ Đà Bắc Giang, gây nên nhiều tranh luận trong giới khoa học và sự bất ngờ cho du khách. Đặc biệt là nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng không cần thiết xây dựng cổng Tam quan, khiến xáo trộn, phá vỡ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của ngôi chùa đã được xếp hạng là Di tích quốc gia và Di tích Quốc gia đặc biệt.

img

Cổng Tam quan chùa Bổ Đà đang được xây dựng

Theo vị đại diện này, quan điểm của Bộ VHTTDL việc xây dựng cổng Tam quan tại chùa Bổ Đà, Bắc Giang như sau:

Thứ nhất về quy trình thủ tục, giữa năm 2016, chùa Bổ Đà đang là di tích quốc gia, tháng 12.2016 Thủ tướng, Chính phủ phê duyệt là di tích quốc gia đặc biệt. Trong khi hồ sơ trình lên Bộ VHTTDL về việc tu bổ, xây cổng Tam quan là trước khi được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Vì vậy nếu nói như một số thông tin trước đó cho rằng việc xây dựng mới với đối tượng là di sản Quốc gia đặc biệt là không đúng, thiếu chính xác.

Điều thứ hai, quy định của luật Di sản là khu vực khoanh vùng bảo vệ I là phải bảo vệ nguyên trạng mặt bằng và không gian. Nhưng cũng còn có thêm 1 ý nữa là trong trường hợp cần thiết, phải xây dựng trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy di tích thì việc xây dựng đó phải có ý kiến của người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích. Cho nên việc xây dựng Tam quan tại chùa Bổ Đà hay bất cứ công trình nào như Nghi môn của đình nào đó chưa có, thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL là người ký văn bản đồng ý. Về mặt pháp lý phải làm theo quy định.

Ở đây, Bắc Giang có văn bản gửi Bộ đề nghị thẩm định công trình này. Theo quy định tại Nghị định 70, đây là công trình xây mới nên không phải lập dự án, chỉ phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Sở VHTTDL Bắc Giang gửi công văn kèm theo hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật để Bộ thẩm định. Về Luật, nếu Bộ xét thấy việc xây mới mà trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì Bộ đồng ý.

img

Về mặt khoa học và chuyên môn, có nhiều ý kiến cho rằng chùa không có Tam quan, bây giờ tự nhiên lại xây Tam quan, hay có ý kiến thì cho rằng, chùa có Tam quan thì có giá trị đặc biệt của nó, vậy thì đặc biệt ở đây là đặc biệt chỗ nào.

Họ phải dẫn ra như chùa Thầy, vì sao không có Tam quan. Bởi chùa Thầy có thể địa thế hoặc về mặt tín ngưỡng, chức năng thờ tự. Vai trò và địa thế khác nhau nên không có điều kiện để xây Tam quan, chùa Tây Phương cũng vậy. Đình Chu Quyến xưa không có Nghi môn, sau này có điều kiện họ bỏ bổ sung xây Nghi môn. Đó là việc hoàn toàn chính đáng.

Quay lại chùa Bổ Đà, Tam quan là một công trình kiến trúc gắn với Phật đạo, nó là ranh giới giữa cuộc đời trần thế với cõi đạo, việc xuất hiện Tam quan trên trục chính đạo trên địa thế phía trước Tam bảo như Bổ Đà là có thể chấp nhận được, đúng Phật đạo, theo đúng pháp luật.

img

Thuyết minh báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình tu bổ di tích chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang. 

img

Ngoài ra theo lời kể của các sư trụ trì trước đây Tam quan Bổ Đà, các vị tổ sư ở đây đã có ý muốn xây dựng, nhưng khi vận chuyển vật liệu qua đường sông đắm bè, gỗ bị trôi vớt lên xây dựng ở trên tuyến đường gần nhất ở chỗ bị đắm. Với thông tin này, chúng tôi phải lưu ý rằng đây là nhu cầu và nguyện vọng các vị tổ chùa Bổ Đà. Nay di nguyện chưa được thực hiện thì các sư trụ trì tại đây muốn tiếp nối di nguyện là điều hoàn toàn chính đáng. Điều này cũng đã được ghi chép trong lịch sử của nhà chùa.

img

Lối đi từ cổng tam quan mới vào chùa đang được sửa sang.

Trước câu hỏi mà PV đặt ra, rằng khi Bộ VHTTDL đồng ý cho xây dựng mới cổng Tam quan, mở thông đường vào khu Tam Bảo của chùa, liệu rằng có phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, môi trường của di tích quốc gia đặc biệt này, đại diện Phòng Di tích- Cục Di sản cho biết:

"Theo sơ đồ của chùa Bổ Đà, có hai dãy tường bao quanh ngôi chùa. Một là dãy tường đất lâu đời được bao quanh Tam bảo. Dãy tường thứ hai là xây mới sau này, nửa trên là gạch, nửa dưới là đá được xây bao quanh bên ngoài của tường đất.

Tuy nhiên dù là dãy tường thứ hai, xây sau này nhưng trong hồ sơ Bộ duyệt, tất cả các văn bản của Bộ VHTTDL cũng như của Sở VHTT Bắc Giang từ trước đến nay, Bộ chỉ đồng ý xây dựng mới cổng Tam Quan ở vị trí này, với kiến trúc này. Bộ cũng thoả thuận là không được phá tường. Nếu phá tường, mở lối thì Sở VHTT Bắc Giang phải có ý kiến với Bộ, Bộ cho phép mới được làm.

"Có thể nói đây là thiếu sót trong quy trình làm hồ sơ của Sở VHTT Bắc Giang"- vị đại diện phòng Quản lý di tích cho hay.

Chia sẻ về  sự việc này, ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản cho biết, nếu trong trường hợp Sở VHTT Bắc Giang xin mở lối thì Bộ sẽ cử người xuống khảo sát, nghiên cứu về giải pháp phá tường mới, mở lối đi vào. Còn nếu Sở VHTT Bắc Giang xin mở lối phá bờ tường đất Bộ sẽ không bao giờ đồng ý.

Ông Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết thêm về quy trình phê duyệt xây dựng mới cổng Tam quan. Theo ông Hùng, mẫu Tam quan xây tại chùa Bổ Đà được nghiên cứu và có ý kiến từ hội đồng khoa học.

“Khi nhận được văn bản địa phương, Bộ nghiên cứu và có hội đồng khoa học về bảo tồn di tích. Trong trường hợp công trình quan trọng, Bộ xin ý kiến một số thành viên thường trực hội đồng. Với cổng Tam quan, Bộ đã xin ý kiến GS Trần Lâm Biền, cho ý kiến nhận xét về dự án và góp ý. Chúng tôi thẩm định cẩn thận, xuống tận nơi kiểm tra. Sau đó trong văn bản của Bộ vẫn yêu cầu công khai nội dung xin ý kiến nhân dân”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem