"Chuyện đạo thơ trở thành nơi xả ẩn ức của một số người"

Đỗ Đức Thứ ba, ngày 27/10/2015 09:18 AM (GMT+7)
...Chuyện đạo thơ trở thành nơi xả những ẩn ức khác của một số người. Họ đá thúng, đạp nia vì tức giận ở chỗ khác, giờ dồn vào đây...
Bình luận 0

Hồi nhỏ, tôi nhớ một lần hàng xóm cãi nhau về việc gì đó vớ vẩn lắm, mất cả buổi mà chuyện chẳng đâu vào đâu. Sau đấy tôi nghe mẹ lẩm bẩm “Ăn bớt bát/nói bớt lời” thì đâu đến nỗi thế!

“Ăn bớt bát, nói bớt lời”- câu thành ngữ tiền nhân để lại về tình làng nghĩa xóm, tình vợ nghĩa chồng,  gia đình bao dung đùm bọc... rộng lớn và sâu sắc vô cùng.

img

Lùm xùm nghi án đạo thơ đối với "Tổ Quốc gọi tên" và "Sẹo độc lập"

Mấy hôm rồi, có câu chuyện rộ lên trên mạng xã hội về chuyện một nhà thơ đã lấy bài thơ của một nữ sĩ khác làm thơ của mình. Khi bị phát hiện, người “cầm nhầm” thơ lưỡng lự chưa chịu nhận lỗi ngay. Thế là dư luận và cộng đồng mạng dậy sóng. Loại thứ nhất, rất đạo mạo, lên tiếng đạo đức không thể chấp nhận chuyện ăn cắp thơ (dù một bài), căng hơn chống... tham nhũng. Loại thứ hai, là nhà thơ đồng nghiệp nữ có tí danh lên án cạn tàu ráo máng, nói năng đạo đức vuông từ gót chân lên đến đầu, sát phạt người mắc lỗi như kiểu đấu tố địa chủ năm xưa. Loại thứ ba, là a dua, ăn theo mắng mỏ vùi dập kiểu “bầy đàn” dù chẳng biết đọc thơ, thậm chí còn chẳng biết mặt mũi bài thơ “cầm nhầm” ra sao. Mà số này tôi thấy còn khá trẻ.

Cái lỗi của người "trộm thơ" đã rõ, đáng phê bình thật, nhưng không phải chuyện cháy nhà chết người. Tuy nhiên, phản ứng cho ta thấy đạo đức xã hội bây giờ không còn lành lặn, tử tế được như thời cha ông ta bảo nhau “ăn bớt bát/ nói bớt lời” nữa, mà là sự hung hăng, lạnh lùng, tỷ lệ người bao dung thấp hơn số người lên gân kết tội. Rồi trong đó có chuyện lợi dụng cơ hội đó chĩa mũi dùi sang người nọ, người kia. Câu chuyện vì thế biến thành hỗn loạn.

Điều đó cho ta thấy, chuyện đạo thơ này trở thành nơi xả những ẩn ức khác của một số người. Họ đá thúng, đạp nia vì tức giận ở chỗ khác, giờ dồn vào đây. Cuộc sống hôm nay đang hao hụt đi khá nhiều những điều tốt đẹp. Tâm lý dân tộc ta xưa nay luôn quý trọng tình làng nghĩa xóm, thì nay cái tốt đẹp đó đã vơi đi rất nhiều. Lối sống ích kỷ cá nhân, ăn thua nhau bây giờ như những mầm ác đang nảy nở rất nhanh trong nhiều người trẻ.

Đó là sự khủng hoảng về văn hóa chứ không chỉ là suy thoái như nhiều người đặt ra nữa đâu. Thực sự nghiêm trọng đấy! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem