Chuyện kể của những người sang Iran dựng bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 10/04/2019 07:08 AM (GMT+7)
Ngày 9/4, những thước phim về cuộc hành trình của những người con Việt Nam sang Iran dựng bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes đã được công chiếu.
Bình luận 0

img

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (trái) và nhà văn Hoàng Minh Tường

Ngày 9/4/2019, tại trụ sở Báo Tiền Phong, những thước phim về cuộc hành trình của những người con Việt Nam sang Iran dựng bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes đã được công chiếu. Buổi chiếu phim có sự góp mặt của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nhà văn Hoàng Minh Tường và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán – 3 người chủ chốt trong nhóm sang Iran.

img

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ những câu chuyện về hành trình sang Iran

Người giữ vị trí tiên phong trong chuyến đi này là giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Ông là người Việt quốc tịch Bỉ, từng có hơn 40 năm giảng dạy tại trường đại học Liège, với lĩnh vực cơ học vật rắn biến dạng, chuyên ngành cơ học tính toán, từng là chủ nhiệm bộ môn cơ học phá hủy thuộc khoa học kỹ thuật hàng không không gian, Đại học Liège.

Từ năm 1976, giáo sư Hưng đã có nguyện vọng về hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực bậc cao để phát triển đất nước. Năm 2006, nghỉ hưu, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về sống tại Việt Nam, tham gia giảng dạy và liên kết với các trường đại học ở Tây Âu đào tạo nhiều thạc sỹ, tiến sỹ cho các trường đại học TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.

img

Giáo sư Phạm Toàn chia sẻ về những dự án của mình với chữ quốc ngữ ở bậc phổ thông trung học

Căn nguyên của chuyến đi Iran này là vụ việc giáo sư Bùi Hiền - người bị mạng xã hội "ném đá" tới tấp vì chuyện cải tiến chữ quốc ngữ. Không thể để thành quả trăm năm của chữ quốc ngữ bị xóa sổ., giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã nghĩ nếu cứ nhốt mình trong phòng để bấm iPhone cãi nhau với ông trên mạng có khi mình phát điên. Vì thế, thiết thực nhất là cần tìm cách nào đó vinh danh tiếng Việt, bảo vệ chữ quốc ngữ.

img

Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà văn, nhà thơ đã có mặt trong buổi chiếu phim

Sau đó, trong dịp sang Bỉ nghỉ hè cùng vợ con, tháng 5/2018, giáo sư Hưng gặp lại người bạn cũ, một nhà khoa học Iran. Sau khi được chỉ dẫn, cho những lời khuyên và giới thiệu một vài người cần gặp, giáo sư Hưng bỏ tiền túi mua vé bay sang Tehran.

Việc tìm ngôi mộ cổ của một ông linh mục thuộc tòa thánh Vatican truyền đạo ở xứ sở đạo Hồi, chết cách đây 358 năm, thật quá chuyện mò kim đáy biển. Nhưng may thay, như có thế giới tâm linh mách bảo, một người bạn ở thủ đô Tehran đã giới thiệu cho giáo sư Hưng một hướng dẫn viên du lịch thượng thặng, ông Hojat Sadeqzadeh, đang sống cùng gia đình ở Isfahan. Và ông Hojat người bản địa, thông thuộc thành phố như lòng bàn tay, không khó khăn gì, chỉ nửa giờ sau, đã tìm ra nghĩa trang của cha Alexandre de Rhodes.

img

Bia tri ân đã chính thức được trân trọng đặt để và một buổi lễ khánh thành long trọng, ấm cúng và trang nghiêm đã được tổ chức tại mộ phần cha Alexandre de Rhodes sáng 5/11/2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của Đức cha.

Buổi chiếu phim có sự tham gia của nhiều nhà ngôn ngữ, sử học, nhà văn, nhà thơ… Những câu chuyện xung quanh hành trình sang Iran được mọi người chia sẻ cùng những câu chuyện về chữ quốc ngữ được bàn luận sôi nổi suốt 3 tiếng đồng hồ.

img

Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng ấp ủ với đề tài chữ quốc ngữ

Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng từ lâu ấp ủ đề tài và câu chuyện về chữ quốc ngữ nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ông mong muốn việc này nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để có thể trở thành một dự án mang tầm quốc gia, xứng đáng với tầm vóc của vấn đề.

Những chia sẻ về vấn đề này sẽ được tiếp tục tại trụ sở của báo Tiền Phong vào chiều 10/4.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem