Cội rễ dân tộc nơi trời Âu tuyết trắng

Minh Anh Thứ năm, ngày 08/02/2018 07:30 AM (GMT+7)
Khi đời sống được nâng lên, xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì những giá trị căn cốt mang bản sắc dân tộc chẳng những không bị mai một mà còn được lưu truyền, kể cả ở những nơi mà tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ khác biệt.
Bình luận 0

Tết Nguyên đán là ngày Lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt. Xa quê hương, nhưng trong mỗi gia đình Việt cũng cố gắng chuẩn bị một cái Tết đậm đà hương vị quê nhà.

img

Bữa cơm Tất niên trong gia đình người Việt ở Ba Lan

Chẳng phải cứ Tết cổ truyền thì người Việt xa quê mới nhớ về nguồn cội, song có lẽ ngày Tết, mọi nét đẹp truyền thống của dân tộc lại được các bà, các mẹ thể hiện tài năng, sự khéo léo đảm đang cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc mình khoe với người bản xứ, đồng thời qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở hải ngoại.

Tết - hướng lòng mình về nơi nguồn cội 

Gói bánh chưng là một nét đẹp truyền thống không thể thiếu được mỗi khi Tết đến, xuân về. Tục gói bánh Chưng có từ thời đại Vua Hùng, và là một trong những giá trị truyền thống trường tồn cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc. với thời gian, đi cùng năm tháng lịch sử của dân tộc.

img

Chị Phạm Quỳnh Nga ( đội mũ) gói bánh cùng bà con ở Chùa Phổ Đà -CHLB Đức

Chị Phạm Quỳnh Nga, sang Đức gần 30 năm, hiện là Tổng biên tập trang điện tử Viet-bao.de nhưng trong cộng động chị còn được biết đến với thương hiệu “Nga bánh chưng, giò chả, cắt tóc và ca sĩ” nữa. Cách gói bánh của chị Nga là gói vo, không cần khuôn rất đơn giản và nhanh, chỉ cần từ 1 đến 2 lá dong, là gói được bánh và 100 cái đều vuông thành sắc cạnh như nhau. Chị tâm sự: "Khi mới sang Đức năm 1992 chưa ổn định thì tôi làm đủ thứ nghề để sống, rồi  gói bánh chưng nhiều đã thành “nghệ nhân”(cười). Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, Nga lại sắp xếp công việc (báo chí gác lại làm đêm) để gói bánh công đức cho bà con ở Chùa Phổ Đà. Năm nào cũng vậy, Nga cùng bà con Phật tử gói hàng ngàn chiếc bánh để phục vụ bà con. Năm nay, chúng tôi dự kiến gói khoảng 2.000 bánh trong dịp Tết Mậu Tuất. Ngồi gói bánh để tiễn ông Công, ông Táo về trời mà nước mắt rưng rưng, nhớ mẹ, nhớ Hà Đông quê lụa của tôi. Tết xa quê buồn lắm, nỗi nhớ gia đình, nhớ mẹ dâng trào… không thể tả thành lời đâu. Ước gì được ở bên mẹ lúc này”.

=>XEM CLIP: Gói bánh chưng:

Tết Nguyên đán là dịp để những người thân đoàn viên, xum họp quây quần bên bữa cơm gia đình, cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Song, với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Tết đôi khi không trùng vào ngày nghỉ, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách khó có thể trở về vào dịp Tết. Đôi khi có người, năm nào cũng về nhưng lại cả chục năm không được đón xuân trong lòng dân tộc.

Giữ hồn Việt nơi trời Âu tuyết trắng

Người Việt ở nước ngoài luôn mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Hình ảnh ngôi chùa là kết tinh của truyền thống văn hoá Việt. Với tâm niệm:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông.

Ngôi chùa chính là nơi đi về không chỉ gói gọn trong đời sống tâm linh, trong hành trình lễ bái mà tất cả các sinh hoạt của cộng đồng người Việt.

Chị Tạ Phạm Bích Thủy, BCH Hội người Việt Nam tại Czech cho biết: “Đạo Phật là một nguyên lý sống, giáo lý của đạo Phật không chỉ gói gọn trong 4 bức tường mà hướng con người ta sống thiện trong đời sống hàng ngày, để hành xử và mang những điều tốt đẹp cho nhau. Hội Phật tử Việt Nam tại Czech có 13 chi hội, gần 3.000 hội viên với 5 ngôi chùa, 8 niệm Phật đường. Những dịp lễ lớn trong năm như Lễ Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán đã trở thành sự kiện quan trọng của cộng đồng”.

img

Xuân an vui tại Praha - Czech. Ảnh: Hà Cần

Ngày Tết, bà con đến chùa lễ Phật, cầu bình an, trao cho nhau những lời chúc may mắn trong năm mới. Ánh sáng Phật pháp đến với bà con phần nào xoa dịu khó khăn mà bà con gặp phải, đồng thời kết nối cộng đồng trong ngôi nhà chung - đó là dân tộc Việt Nam, đạo Phật Việt Nam.

Chị Phạm Quỳnh Nga ở CHLB Đức chia sẻ: “Chùa là nơi để bà con tụ tập, trò chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa. Cộng đồng người Việt ở đây đón Tết có khi còn thấy không khí hơn Tết trong gia đình ở Việt Nam, vì nhà mẹ già, các anh chị em nhiều khi mải lo công việc nên cũng không gói bánh mà mua ở chợ. Còn ở đây, mọi người vào Chùa, mỗi người mỗi việc, tự nguyện ai làm được việc gì thì làm, người lau lá, người đãi gạo, đồ - nắm đỗ, chuyện vui như Tết. Đặc biệt có cả các cháu sinh viên, lưu học sinh và thanh niên sinh ra và lớn lên tại Đức cũng theo bố mẹ vào chùa làm thiện nguyện.

img

Xuân đoàn viên an vui ở nơi xa xứ. Ảnh Hà Cần

Với những người có cuộc sống ổn định thì việc đi - về không phải là vấn đề quá lớn, nhưng cũng nhiều người xa quê, không được hưởng trọn vẹn niềm vui xuân quê nhà vì bộn bề công việc.

Chị Vũ Mai Liên ở LB Nga tâm sự:  Lần đầu về ăn Tết sau 7 năm liền xa xứ, mình xao xuyến hồi hộp đến nỗi xuống Sân bay Tân Sơn Nhất rồi vẫn cứ ngỡ là mơ. Ngày đó các con còn nhỏ, chưa hiểu gì về Tết của Việt Nam. Năm nay, sau 20 năm lại đưa các con về nước ăn Tết. Giờ các con trưởng thành, đã hiểu phong tục tập quán của quê cha, đất tổ. Cùng các con đi chợ hoa, nhìn các con hít hà tròn xoe mắt với con đường ngập tràn hoa đào và những cây quýt vàng ruộm, cảm giác ấm áp, hạnh phúc vô cùng”.

Sống xa quê nhưng mỗi người đều tìm thấy ở Đạo Phật tinh thần đại đoàn kết, tình yêu Tổ quốc, tình cảm giữa con người với con người. Điều đó nói lên một giá trị xác đáng chúng ta cùng chung một bọc "Con Lạc cháu Hồng”.

Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng kiều hối gửi về khoảng 12 đến 13 tỷ đô la/năm, cho thấy đây là nguồn lực lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem